Dân bán bảo hiểm xe máy lãi hàng triệu đồng mỗi ngày
Dịp cao điểm tổng kiểm tra phương tiện giao thông của CSGT, bảo hiểm xe máy trở thành "mặt hàng" hot. Nhiều người dân thức thời bán bảo hiểm xe máy gặt hái lớn nhuận lớn, có thể bỏ túi lên tới hàng triệu đồng mỗi ngày.
- Người dân nên mua bảo hiểm xe máy bắt buộc ở đâu?
- VNPost nhảy vào thị trường bảo hiểm xã hội điện tử
- Xử lý nghiêm trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông mùa tựu trường
Lãi lớn hàng triệu đồng mỗi ngày
Chị Vũ Thu Trang, nhân viên một công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm xe máy cho biết, trong khoảng 3 ngày hôm nay, loại bảo hiểm bán đc nhiều nhất là loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với người điều khiển xe máy, trị giá 66 nghìn.
Với mỗi bảo hiểm bán được, những nhân viên như chị Trang được chiết khấu 15-20% tuỳ doanh thu. Để được chiết khấu cao, nhân viên bán bảo hiểm thường tuyển cộng tác viên và cắt lại chiết khấu từ 12-15% cho những người này.
“Tôi có khoảng gần 10 cộng tác viên, 3 ngày vừa qua, tôi và họ bán được gần 800 bảo hiểm, chủ yếu là loại 66.000 đồng/năm. Doanh số tháng này chắc chắn sẽ cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây”, chị Trang cho hay.
Kể từ khi có đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông của lực lượng chức năng, trung bình mỗi ngày, nhóm chị Trang đạt doanh thu gần 53 triệu đồng. Tính ra, cả nhóm đã thu về gần 11 triệu đồng tiền lãi chỉ trong có 3 ngày.
Cũng hoan hỷ không kém, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (35 tuổi) ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc vốn chỉ coi bán bảo hiểm xe máy là nghề làm thêm, nhưng mấy ngày nay doanh số tăng khiến chị ngỡ ngàng.
Chị Huyền kể: “Tôi bán bảo hiểm đã 3 năm nay, tháng nhiều được chục cái, tháng ít chỉ 2 đến 3 khách. Mấy ngày nay bán nhiều hơn, có ngày được 20 khách.” Không chỉ bán bảo hiểm BSH, chị Huyền còn nhận phân phối thêm bảo hiểm của bưu điện vì đang có khuyến mại mua 1 năm tặng 1 năm.
Những ngày này, chị Huyền “đóng đô” ở trụ sở Ủy ban nhân dân thị trấn Hương Canh để tiện phục vụ bà con tấp nập xếp hàng đến mua bảo hiểm xe máy. Chị nhẩm tính, doanh thu cũng đạt hơn 2 triệu mỗi ngày.
Khá thức thời, chị Thúy Diễm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại chọn đăng bán bản hiểm lên mạng xã hội và một số trang thương mại điện tử, trừ mức triết khấu để giá giảm xuống còn 50.000 đồng/hợp đồng, nhẩm tính một ngày chị Diễm cũng thu về hơn 4 triệu đồng.
Ở vị trí trưởng phòng kinh doanh bảo hiểm MIC, anh Đoàn Ngọc Phương vốn phụ trách phân phối bảo hiểm cấp đại lý, nhận định doanh số bán trong tháng 5 và 6 có thể tăng gấp đôi.
“Trước đây kênh bán hàng chủ yếu của tôi là qua các đại lý xe máy, khi bán xe thường tặng kèm bảo hiểm cho khách. Nhiều khách mua xe máy cũng chỉ dùng bảo hiểm duy nhất lúc này xong không quay lại. Giờ thì khác, rất nhiều khách tự tìm đến đại lý để mua”, anh Phương nói.
Tấm phiếu bảo hiểm mới mua của chị Nguyệt (Hà Nội) sau hơn 10 năm, kể từ lần mua xe máy đầu tiên vào năm 2009.
Không chỉ nhân viên bán bảo hiểm mà cả người mua cũng bị cuốn vào guồng xoáy nhộn nhịp. Chị Nguyễn Ánh Nguyệt (phố Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) cho biết dù được bạn bè rủ mua bảo hiểm 35.000 đồng nhưng vẫn chọn đến cây xăng gần nhà mua với giá 66.000 đồng.
Chị Nguyệt nói: “Từ hồi mua xe máy cách đây hơn 10 năm, bây giờ tôi mới mua lại bảo hiểm. Có chỗ bán rẻ hơn nhưng sợ đi xa gặp cảnh sát. Tôi mua ngay cây xăng nhưng không ngờ vẫn phải xếp hàng chờ nhân viên ghi sổ”.
Bảo hiểm xe máy quy mô hàng ngàn tỷ mỗi năm
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 60 triệu xe máy đang lưu thông. Nếu tính với giá bảo hiểm 66.000 đồng/xe, tquy mô doanh thu Bảo hiểm bắt buộc TNDS xe máy mỗi năm cũng phải khoảng 4.000 tỷ đồng.
Trao đổi với Xe VietNamNet, một lãnh đạo của bảo hiểm PJICO cho hay, năm 2019, tổng thu hai loại hình bảo hiểm xe máy đạt 103 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ bảo hiểm bắt buộc TNDS xe máy chỉ đạt 84,6 tỷ đồng. Doanh thu bảo hiểm ô tô gấp tới 2,6 lần, đạt 223 tỷ đồng.
"Thế nhưng, với tình hình mới, doanh thu từ bảo hiểm xe máy năm nay có thể tăng vài chục phần trăm, gặt hái lợi nhuận đột biến. Năm 2020 cũng sẽ không thể dưới 3 con số", vị này nói.
Với lượng xe máy trong dân còn rất lớn, quy mô bảo hiểm xe máy nếu thu đủ cũng vài ngàn tỷ mỗi năm
Ông Vũ Xuân Thưởng, Giám đốc Ban Bảo hiểm xe cơ giới PTI cũng tiết lộ, hiện, lượng phôi in ấn chỉ bảo hiểm đang bắt đầu bị "cháy hàng".
"Năm ngoái, đơn vị tôi đạt doanh thu 250 tỷ đồng bảo hiểm xe máy. Nếu sau cao điểm tổng kiểm tra phương tiện giao thông nghiêm ngặt như này chỉ diễn ra trong 1 tháng rồi dừng thì doanh thu bảo hiểm xe máy sẽ không tăng lắm.
Nhưng nếu đến Quý IV, nhất là giai đoạn tháng 9, mùa tựu trường, lực lượng chức năng lại có 1 đợt ra quân đảm bảo an toàn giao thông quyết liệt như hiện nay thì lĩnh vực bảo hiểm xe máy chắc chắn sẽ cực kỳ nóng và các đơn vị kinh doanh theo đó cũng hưởng lợi lớn", ông Thưởng cho biết.
Cùng đó, vị lãnh đạo của Bảo hiểm PTI cũng khuyến cáo: "Trước những lời rao bán, chào mời trên mạng bán bảo hiểm xe máy với giá rẻ và hình thức bán ở vỉa hẻ như hiện nay, người đi xe máy mua bảo hiểm cũng cần cẩn trọng kẻo mua phải thẻ bảo hiểm giả".
Cụ thể, mỗi đơn vị bảo hiểm đều có mẫu phôi riêng, con rấu riêng và có mã số ấn chỉ bảo hiểm. Trước khi mua, người dân nên tìm hiểu bằng cách vào website công ty hoặc gọi theo số tổng đài để xin tư vấn tra mã số ấn chỉ bảo hiểm, từ đó, sẽ chắc chắn được ấn chỉ bảo hiểm mình mua là có giá trị thật.
Hiện tại, bảo hiểm xe máy được chia làm 2 loại là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Do đó, nếu tính thêm loại bảo hiểm tự nguyện là 10.000 đồng/người/năm, xe máy được chở tối đa 2 người nên có giá 20.000 đồng/2 người/năm. Người dân cân lưu lý loại giấy tờ phải có mà CSGT kiểm tra là bảo hiểm TNDS bắt buộc chứ không phải bảo hiểm tự nguyện.
Theo Vietnamnet
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận