Lai Châu - Điểm đến an toàn, thân thiện
Khi nhịp sống kinh tế - xã hội dần quay lại bình thường thì các hoạt động du lịch ở Lai Châu đã chủ động, sẵn sàng với những kế hoạch mới để trở thành điểm đến an toàn thân thiện, nhưng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới.
- Bến Tre: Khởi nghiệp sáng tạo có nhiều đất để phát triển du lịch thông minh
- Cổng Du lịch thông minh Hoà Bình - Bước chạy đà cho ngành kinh tế mũi nhọn
Du khách trải nghiệm khám phá tại điểm du lịch Sin Suối
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở các nước trên thế giới, dẫn tới việc hạn chế các chuyến bay quốc tế, vì vậy việc ưu tiên khai thác thị trường du lịch nội địa sẽ là hướng đi thích hợp.
Tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn sẽ đeo bám, do đó yếu tố an toàn cũng như thông tin về y tế và khả năng hỗ trợ sức khỏe của điểm đến sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp du khách quyết định điểm đến.
Bên cạnh đó, những chuyến du lịch ngắn ngày gần nhà chính là những gì du khách cần để tạm giải tỏa cảm giác "cuồng chân" hậu giãn cách xã hội; đồng thời, giúp bảo đảm các yếu tố an toàn sức khỏe, tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu rủi ro và chủ động hơn trong các tình huống bất ngờ.
Được biết, để chủ động kích cầu du lịch, Lai Châu đã triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các điểm du lịch chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiếp đón du khách đảm bảo an toàn.
Giám đốc Sở VHTT&DL Tẩn Thị Quế cho biết: “Đến nay, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu như: Nà Khương, Sì Thâu Chải, Sin Suối Hồ, Vàng Pheo… đã sẵn sàng cho việc đón khách trở lại. Đến với các bản du lịch cộng đồng, du khách sẽ có cảm giác bình yên thân thiện với vẻ đẹp hoang sơ khi nằm nép mình bên suối hoặc những sườn núi cao dưới tán rừng già hàng trăm năm tuổi. Du khách cũng sẽ cảm nhận sự ấm áp từ những cái bắt tay thật chặt, những ly nước ngào ngạt hương thơm được lấy từ lá rừng, và sau đó là những món ẩm thực với nhiều hương vị khác nhau khi đến thăm các gia đình dân tộc".
"Nếu như người dân tộc Thái có món sôi bảy màu được nhuộm bằng lá rừng với phương pháp đồ sôi bằng chõ độc đáo, hay món cá nướng, cá bống vùi ro hay món rêu đá sẽ cho du khách cảm giác không thể quên, thì người dân tộc Dao có món canh gà nấu gừng, hay ở các bản dân tộc Mông, du khách lại được thưởng thức món thịt lợn ba chỉ xông khói với vị bùi khó quên. Tất cả từ môi trường cảnh quan, vấn đề vệ sinh an toàn thức phẩm, đến các điều kiện về phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới cũng luôn được các điểm du lịch thường xuyên quan tâm, đảm bảo theo quy định” vị Giám đốc sở nhấn mạnh.
Điểm du lịch Nà Khương luôn là điểm hút khách vào mỗi dịp hè
Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu thu hút khách du lịch như: áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ; triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch - nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí; tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời, tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của cả nước; khuyến khích các ngành, các cấp, các doanh nghiệp hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khôi phục thị trường du lịch trong tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Năm 2019, Lai Châu thu hút 350.500 lượt khách, trong đó có 32.500 lượt khách quốc tế; doanh thu ước đạt 540 tỉ đồng. Tính đến 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Lai Châu vẫn thu hút trên 94.000 lượt khách, doanh thu ước đạt trên 120 tỉ đồng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận