Dự báo chứng khoán tuần tới: Đà rung lắng vẫn còn tiếp diễn
Dự báo chứng khoán tuần tới (24 - 28/8), hoạt động tái cơ cấu danh mục các quỹ đầu tư sẽ diễn ra vào tuần cuối tháng 8 sẽ tạo ra lực cản đáng kể đối với VN-Index khiến thị trường tiếp tục có tuần biến động trái chiều liên tục.
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Bước vào chu kỳ giảm điểm trước tác động của dịch bệnh
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Chìm sâu trong đà giảm trước nỗi "khiếp đảm" mang tên COVID-19
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Hình thành nhịp tăng mới nhờ tín hiệu kinh tế lạc quan
Sẽ chỉ tăng điểm vào đầu tuần
Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS, thị trường có khả năng bứt phá khỏi vùng tích lũy đã kéo dài trong 2 tuần vừa qua, tuy vậy mức dao động có thể trong biên độ hẹp.
Về kỹ thuật, với phiên tăng cuối tuần qua (21/8) chỉ số VN - Index vừa đủ vượt lên trên đường xu hướng giảm nối các đỉnh tháng 6 và tháng 7 vừa qua, tuy nhiên vẫn chưa vượt được mức đỉnh 860 của tuần trước.
Trước những xu hướng cải tổ lại danh mục đầu tư đã khiến thị trường sẽ tiếp tục có tuần biến động liên tục.
Với sự gia tăng của thanh khoản ở 2 phiên cuối tuần đều trên mức 4.000 tỉ đồng và sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng thì khả năng thị trường sẽ có cơ hội để kết thúc trạng thái đi ngang trong tuần tới và hướng về đỉnh tháng 7 ở ngưỡng 877,5 điểm.
Cũng có góc nhìn khá tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC nhận định, VN - Index bất ngờ bật tăng trở lại sau tín hiệu suy yếu, cho thấy vùng gần 845 điểm vẫn đang có tác dụng hỗ trợ tốt cho chỉ số.
Với tín hiệu tích cực phiên cuối tuần, VDSC cho rằng, nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục kỳ vọng nhịp tăng điểm sẽ mở rộng. Tuy nhiên, tạm thời VN - Index vẫn cần phải thử thách ở vùng 855 - 860 điểm.
Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư quan sát thị trường và có thể tiếp tục chiến lược lướt ngắn hạn tại một số cổ phiếu đang tín hiệu kỹ thuật tốt.
Có quan điểm khá tương đồng với các nhà phân tích tới từ VDSC, ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC dự báo tuần tới, VN - Index sẽ có diễn biến tăng điểm trong một vài phiên đầu tuần. Chỉ số sẽ thử thách vùng kháng cự 858 - 860 điểm. Áp lực rung lắc có thể sẽ xuất hiện khi chỉ số tiếp cận vùng điểm này.
Tuy nhiên, về tổng thể BVSC vẫn kỳ vọng chỉ số sẽ sớm vượt qua vùng cản này để hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh hơn nằm tại 875 - 883 điểm trong thời gian tới.
Theo ông Bách, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số MSCI Frontier Market Index sẽ diễn ra vào tuần cuối tháng 8 và có thể tạo ra biến động mạnh ở các cổ phiếu bluechips (cổ phiếu của công ty lớn, có nền tài chính hoạt động tốt trong nhiều năm, mang lại thu nhập ổn định, có độ rủi ro thấp mặc dù cổ tức không cao) nằm trong danh mục của các bộ chỉ số này.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – SHS cho rằng, thị trường tăng điểm trong tuần thứ ba liên tiếp nhưng với mức tăng bị thu hẹp và thanh khoản chỉ xấp xỉ tuần trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu tại vùng giá hiện tại có sự suy yếu rõ nét.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN - Index hiện kết thúc tuần trên ngưỡng 845 điểm giúp tín hiệu kỹ thuật trung hạn của chỉ số vẫn là tích cực, nhưng sự bứt phá không rõ nét ngưỡng điểm này cũng cho thấy rủi ro giảm trở lại là có thể xảy ra.
Tuần qua, nếu không tính việc mua ròng đột biến 1.700 tỷ đồng cổ phiếu VHM trong phiên 20/8 thì thực chất khối ngoại tiếp tục bán ròng tuần thứ ba liên tiếp với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng trên hai sàn.
Dù vẫn còn nhiều điểm bất lợi cho đà hồi phục của thị trường chứng khoán, nhưng các nhà phân tích từ SHS vẫn cho rằng, trong tuần giao dịch kế tiếp (từ 24 - 28/8), VN - Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 870 điểm.
Theo các nhà phân tích từ SHS, thực tế, thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua với thanh khoản vẫn ở mức thấp. Kết thúc tuần giao dịch từ 17 - 21/8, VN- Index tăng 4,04 điểm (0,5%) lên 854,78 điểm; HNX -Index tăng 6,402 điểm (5,5%) lên 122,636 điểm.
Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Với việc thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng.
Theo SHS, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 3,1% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như HPG tăng 1%, HSG (4%), NKG (4,1%), DCM (4,9%), DPM (10%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế với mức tăng 2,8% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như DHG tăng 3,1%, IMP (5,3%), DCL (7,8%)...
Nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng 2,8% giá trị vốn hóa, với các mã như GEX tăng 1,2%, VCG (10,3%)... Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng tăng 1,7% giá trị vốn hóa. Theo đó, MBB tăng 0,9%, VCB (1,1%), VPB (2,3%), TCB (2,8%), CTG (3,4%), SHB (7,2%), ACB (8,9%)...
Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng tăng 1,7% giá trị vốn hóa. Các mã đầu ngành tăng mạnh như: FPT tăng 1,3%, CMG (7,8%)... Ở chiều ngược lại, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup diễn biến tiêu cực với VHM giảm 0,2%, VRE giảm 1,2% và VIC giảm 1,6%.
Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu lớn trong nhóm thực phẩm đồ - uống cũng giảm giá trong tuần qua. Cụ thể, VNM giảm 1%, MSN giảm 1,3% và SAB giảm 2,9%. Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang diễn biến khá tương đồng với các thị trường trên thế giới.
Thế giới đón nhận hiệu ứng tốt từ vaccine
Thực tế, thị trường chứng khoán Mỹ đã có tuần tăng trưởng mạnh, đặc biệt các chỉ số S&P 500 and Nasdaq Composite còn lập các mức cao kỷ lục mới. Trong khi đó, một tuần khó khăn đối với các thị trường chứng khoán châu Á kết thúc với một phiên tăng giá, nhờ những hy vọng vào loại vắc-xin ngừa COVID-19.
Những tín hiệu tốt từ vaccine phòng chống COVID-19 đã kéo thị trường thế giới tăng trở lại.
Chốt phiên 21/8, các chỉ số S&P 500 and Nasdaq Composite tăng nhẹ, nhưng vẫn đủ lập các mức cao kỷ lục mới và khép lại tuần qua với mức tăng mạnh.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average chốt phiên cuối tuần (21/8) tăng 190,6 điểm, hay 0,69%, lên 27.930,33 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 1,65 điểm, hay 0,34%, lên 3.397,16 điểm, đánh dấu mức chốt phiên cao kỷ lục thứ 15 trong năm nay và đây là giai đoạn tăng điểm theo tuần dài nhất kể từ cuối năm 2019 của chỉ số này, còn chỉ số Nasdaq tăng 46,85 điểm, hay 0,42%, lên 11.311,8 điểm, ghi dấu mức chốt phiên cao kỷ lục thứ 36 trong năm nay.
Không có nhiều số liệu được công bố trong ngày 21/8, nhưng số liệu của Mỹ cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng trong tháng Tám khả quan và doanh số bán nhà tháng Bảy tiếp tục đạt mức kỷ lục. Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 0,7% và chỉ số Nasdaq tăng 2,7%.
Trong khi đó, phiên chiều cuối tuần qua (21/8), các chỉ số chứng khoán châu Á đi lên nhờ những hy vọng về một loại vắc-xin ngừa COVID-19 và đà tăng của chứng khoán Mỹ đêm trước đó.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 39,68 điểm (0,17%) lên 22.920,30 điểm. Song tính chung cả tuần, chỉ số này vẫn giảm 1,6%. Toshikazu Horiuchi, một nhà môi giới chứng khoán tại IwaiCosmo Securities nhận định, diễn biến tích cực của chứng khoán Mỹ trong phiên trước đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 16,78 điểm (0,5%) lên 3.380,68 điểm, còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 322,45 điểm (1,3%) lên 25.113,84 điểm, nhờ những hy vọng vào loại vắc-xin ngừa COVID-19.
Theo các chuyên gia, một tuần khó khăn đối với các thị trường chứng khoán châu Á kết thúc với một phiên tăng giá, nhờ tâm lý lạc quan sau khi hãng dược phẩm hàng đầu nước Mỹ Pfizer và tập đoàn dược phẩm BioNTech của Đức cho biết một loại vắc-xin mà họ đang nghiên cứu có thể sẽ được cấp phép vào tháng Mười. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, việc triển khai loại vắc-xin mới có thể diễn ra vào tháng Mười Một.
Chuyên gia Stephen Innes thuộc AxiCorp nhận định thông tin nói trên đã làm dấy lên một số kỳ vọng rằng cuộc sống trên khắp thế giới có thể trở lại bình thường sớm hơn dự kiến.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận