Hà Giang: Hệ thống truyền thanh Internet nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc
Trước xu hướng phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều nỗ lực trong ứng dụng CNTT phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa giúp đồng bào tiếp cận thông tin chính thống nhanh, chính xác.
- Lung linh mùa nước đổ trên những ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì - Hà Giang
- Truyền thông trong kỷ nguyên số - Thách thức đối với người làm báo phát thanh
- 231 tác phẩm vào chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV
Hội thi cấy lúa của đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang
Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, hầu hết các huyện/thành phố, xã/ phường/thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm; hệ thống hội nghị trực tuyến cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh kết nối với các cơ quan T.Ư và các huyện/thành phố thuộc tỉnh; UBND 193/193 xã/phường/thị trấn với quy mô 241 điểm cầu; có 992 trạm thu phát sóng (BTS), lắp đặt 2.168 thiết bị trạm 2G - 3G - 4G; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động, Internet băng rộng đạt 98,5% (khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%). Một số xã, phường, thị trấn được đầu tư triển khai mạng nội bộ LAN, phục vụ ứng dụng “một cửa” điện tử liên thông từ tỉnh đến xã.
Do xác định việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Hà Giang đã chọn một số lĩnh vực mũi nhọn để đầu tư như: Du lịch, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giáo dục, y tế, hoạt động tài chính…
Theo đó, huyện Quản Bạ là huyện đi đầu về ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh. Huyện đã chỉ đạo ứng dụng CNTT để làm tem truy xuất hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với Tập đoàn VNPT thực hiện kế hoạch triển khai tin nhắn thương hiệu đến người dân, đảm bảo 100% các hộ dân được cập nhật và quản lý trên VNPT-Ioffice và tối thiểu có 1 số điện thoại VinaPhone để kịp thời nhận tin nhắn miễn phí về phòng, chống lụt bão, thiên tai, quốc phòng - an ninh, dịch bệnh và các thông báo từ chính quyền địa phương, nhà trường, ngành điện... Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đề án “Chú trọng xây dựng bộ dữ liệu về các DTTS, xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật cho đồng bào DTTS”.
Bên cạnh đó, huyện Quản Bạ đã xây dựng, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào DTTS. Xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc; chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc gây mất an ninh trật tự. Tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có để thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận và ứng dụng CNTT…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - trong đó có dự án 4 “Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin”, các cấp chính quyền địa phương đã phát đài radio cho người dân ở vùng sâu, vùng xa; có hệ thống loa truyền thanh không dây hoạt động ở các xã, phường, thị trấn, giúp người dân kịp thời cập nhật các thông tin thời sự, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. 100% các xã, phường, thị trấn đã kiện toàn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động thông tin cơ sở, Sở TT&TT Hà Giang đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Sở đã tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống Đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện/thành phố, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện lịch sử theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ TT&TT, đảm bảo thông tin phải khách quan, trung thực, đúng định hướng; tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra.
Sở TT&TT đã tiếp nhận, sao gửi nhiều loại tài liệu phục vụ công tác thông tin cơ sở do Bộ TT&TT sản xuất với nhiều loại hình: tài liệu in, đĩa DVD, link chương trình phát thanh……
Ngoài ra, triển khai Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT”.
Sở TT&TT đã xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 04/5/2020 về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Xây dựng và triển khai hoàn thiện phần mềm quản trị thông tin cơ sở để quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, Internet (Đài TTCS Internet) và hệ thống biển thông tin điện tử trên toàn tỉnh.
Triển khai Dự án thiết lập, nâng cấp Đài truyền thanh tại các xã trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT), Tập đoàn VinGroup khảo sát để thiết lập Đài truyền thanh cho 08 xã năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 110/193 xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh cơ sở hoạt động ổn định, trong đó có 58 đài TTCS Internet.
Trong 06 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã thiết lập, nâng cấp được 11 Đài TTCS Internet tại các xã trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh, UBND cấp huyện cấp kinh phí để thực hiện thiết lập, nâng cấp, sửa chữa Đài truyền thanh Internet tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại 16/16 bệnh viện; phần mềm y tế xã/phường liên thông với 193/193 trạm y tế cấp xã; thực hiện liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế đối với các cơ quan bảo hiểm; giúp người dân thuận tiện hơn trong việc chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang, trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, Bộ TT&TT và tỉnh Hà Giang Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin đã được tỉnh Hà Giang triển khai rất hiệu quả tới tất cả các địa bàn kể cả vùng sâu, vùng xa.
Hà Giang là tỉnh biên giới, có 7 huyện biên giới, chính vì thế việc đưa thông tin chính thống từ Trung ương về tới địa phương, đặc biệt là đối với người dân, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ đó giúp người dân hiểu và tiếp cận được với các chương trình, cách chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách đúng đắn, tránh tình trạng nhiễu loạn về mặt thông tin.
Song song với việc triển khai chương trình giảm nghèo về thông tin, Sở cũng xác định hệ thống thông tin cơ sở, truyền thanh cơ sở là một trong những hệ thống hết sức quan trọng. Sở TT&TT Hà Giang đã triển khai ứng dụng CNTT vào truyền thanh Internet không dây (hệ thống truyền thanh thông minh); sử dụng đường truyền qua Internet, qua cáp quang, qua Sim 3G, 4G, các loa đều được quản lý trên một hệ thống đồng bộ, liên thông.
Đi kèm với đó là việc phân quyền quản lý theo từng cấp sẽ tạo điều kiện cho các cán bộ làm công tác văn hóa dễ vận hành, chủ động được nguồn tin. Ngoài việc sử dụng nguồn tin chính thống từ Trung ương thì cán bộ văn hóa xã có thể chủ động biên tập, viết bài đăng tài trên hệ thống loa truyền thanh này, kiểm soát khung giờ phát và vận hành rất đơn giản trên máy tính. Cán bộ vận hành không nhất thiết phải trực tiếp thao tác việc tắt hoặc mở thiết bị ấy mà có thể vận hành từ xa.
Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT, để triển khai có hiệu quả truyền thanh thông minh chúng tôi thiết lập cổng truyền thanh cơ sở, thống nhất chung cho toàn tỉnh, theo một mô hình chuẩn để cơ quan quản lý về thông tin có thể quản lý được theo từng cấp.
Việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh trong giảm nghèo về thông tin đã có những đột phá, tạo chuyển biến lớn không chỉ trong các cơ quan, đơn vị mà còn nâng cao giá trị đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc ở Hà Giang.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận