Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Các gói cứu trợ doanh nghiệp của Đức có thể tạo ra "các công ty xác sống"
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, trước các gói cứu trợ liên tiếp của Chính phủ Đức giúp các công ty vượt qua khủng hoảng của dịch bệnh đã khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về sự ra đời của "các công ty xác sống" sẽ trở thành gánh nặng của nền kinh tế.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Hy Lạp phải lùi lịch khai giảng năm học mới 1 tuần so với dự kiến
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EC chi 476 triệu USD cho việc đảm bảo công bằng tiếp cận vaccine
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới lớn nhất từ trước đến nay
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Tổng giám đốc điều hành của Deutsche Bank Christian Sewing ngày 2/9 cảnh báo rằng viện trợ của Chính phủ Đức giúp các công ty yếu kém ứng phó với đại dịch có thể dẫn tới sự ra đời của "các công ty xác sống", theo đó sẽ tạo gánh nặng cho nền kinh tế Đức.
Phát biểu tại Frankfurt, ông Sewing nhấn mạnh một số lượng lớn "công ty xác sống" tại Đức sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất của nền kinh tế.
Các "công ty xác sống" chỉ những doanh nghiệp sống sót nhờ các khoản trợ cấp và cứu trợ của chính phủ để tránh vỡ nợ. Những doanh nghiệp này bị xem là tác nhân gây ra sự yếu kém của nền kinh tế.
Các gói cứu trợ của Chính phủ Đức để giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng có thể sẽ tạo ra những "công ty xác sống".
Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã cam kết cấp hơn 1.000 tỉ euro hỗ trợ các công ty và người dân Đức giảm thiểu các tác động của dịch bệnh, thông qua các khoản vay, hỗ trợ và các chương trình trợ cấp.
Ông Sewing dẫn một nghiên cứu của cơ quan tín dụng Creditreform cho biết số công ty "xác sống" tại Đức có thể tăng gấp đôi, theo đó cứ 6 công ty có 1 công ty loại này, do các khoản trợ cấp liên quan đến đại dịch.
Ông nhấn mạnh tình trạng này sẽ rất có hại, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang dẫn tới nhiều thay đổi cấu trúc - từ số hóa đến sức ép vận hành bền vững hơn - đòi hỏi nền kinh tế phải thích nghi đặc biệt nhanh chóng".
Cảnh báo của ông Sewing được đưa ra sau khi cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 1/9 cho rằng các chính phủ nên sử dụng các ngân quỹ kích thích kinh tế để tạo việc làm cho giới trẻ hơn là hỗ trợ việc làm cho những người đang có việc. Ông khẳng định: "Sẽ rất tốt nếu các chính phủ tạo được viêc làm và xóa bỏ trợ cấp, và điều này đặc biệt tốt đối với giới trẻ".
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 2/9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 25.965.786 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 862.339 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 18.248.738 người.
Tại châu Mỹ, tổng số bệnh nhân là 13.809.120 ca, trong đó có 478.299 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 6.214.065 ca nhiễm và 187.833 ca tử vong.
Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đến hết ngày 27/8, Mỹ ghi nhận tổng cộng hơn 476.000 trường hợp trẻ em mắc bệnh. Theo báo cáo cập nhật của Học viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Bệnh viện nhi của Mỹ, trẻ em chiếm 9,5% tổng số ca mắc, và tỷ lệ mắc là 631 ca trên 100.000 trẻ.
Cụ thể, có 70.330 ca mắc mới là trẻ em được ghi nhận kể từ ngày 13/8, tăng 17% trong 2 tuần. Báo cáo trên căn cứ các dữ liệu từ 49 bang, cùng với thành phố New York, vùng thủ đô Washington, vùng lãnh thổ Puerto Rico và đảo Guam.
Tại châu Âu, tổng số bệnh nhân hiện là 3,6 triệu, trong đó có 208.442 ca tử vong. Hy Lạp thông báo đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại trại tị nạn lớn nhất nước này là Moria, trên đảo Lesbos, nơi gần 13.000 người nhập cư đang sống trong các điều kiện không đảm bảo vệ sinh.
Về lý thuyết, trại này chỉ chứa được chưa đến 2.800 người. Là nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh ít hơn so với các nước khác ở châu Âu, Hy Lạp ghi nhận 271 ca tử vong trong số 10.524 ca mắc.
Vùng Scotland (Vương quốc Anh) đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới tại thành phố Glasgow sau khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon khuyến cáo người dân sinh sống tại Glasgow và 2 khu vực lân cận không nên đến thăm nhà người khác, sau khi 66 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vùng này trong ngày 1/9. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực trong 2 tuần.
Châu Á đã ghi nhận tổng cộng 7,2 triệu ca mắc, trong đó có 144.768 ca tử vong. Ủy ban Y tế quốc gia của Trung Quốc cho biết đã có thêm 8 ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh. Như vậy, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.066 ca mắc, trong đó có 80.234 ca đã được chữa khỏi và 4.634 ca tử vong.
Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết từ ngày 3/9 sẽ nối lại một số chuyến bay quốc tế bay trực tiếp từ một số nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp đến Bắc Kinh, sau hơn 5 tháng tạm dừng. Tuy nhiên, hành khách khi đến nước này sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày và phải xét nghiệm virus SARS-COV-2.
Hàn Quốc thông báo tổng cộng 20.449 ca mắc, tăng 253 ca so với một ngày trước, 14 ca trong đó là trường hợp nhập cảnh. Tổng số ca tử vong đến nay là 326 ca.
Trong bối cảnh nhiều bác sĩ nội trú và thực tập đình công phản đối các chính sách y tế của chính phủ, dẫn tới tình trạng thiếu nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết từ ngày 4/9 sẽ điều động lực lượng quân y đến 9 bệnh viện tư nhân.
Trong khi đó, Chính phủ Philippines tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó cho phép các phòng tập, tiệm cắt tóc và quán cà phê Internet ở thủ đô Manila mở cửa trở lại một phần.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn áp đặt lệnh phong tỏa tại thành phố Iligan ở miền Nam nước này, sau khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại đây tiếp tục tăng. Đến nay, Philippines đã ghi nhận tổng cộng hơn 220.000 ca mắc, trong đó có hơn 3.500 ca tử vong.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vừa chỉ thị triển khai thêm cảnh sát và binh sĩ tại các khu vực biên giới với Myanmar trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng gia tăng tại quốc gia láng giềng này.
Ông Prayut Chan-o-cha cho biết an ninh được thắt chặt dọc tuyến biên giới Thái Lan-Myanmar nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong 3 tháng trở lại đây Thái Lan ghi nhận không có ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng, nhưng nước này vẫn đề phòng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.425 ca mắc, trong đó có 58 ca tử vong và 3.274 ca được chữa khỏi bệnh. Trong khi đó, tính đến sáng 2/9, Myanmar ghi nhận tổng cộng 938 ca mắc - tăng 19 ca so với một ngày trước đó - trong đó có 6 ca tử vong.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận