Chuyển đổi số ngành điện lấy người dân là trung tâm
Với ưu tiên trên, thay vì chú tâm đổi mới bên trong, chuyên gia cho rằng chuyển đổi số điện lực cần cho người dân thấy những lợi ích thiết thực.
- Bộ Công Thương kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN
- Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng
- Bộ Y tế ra mắt ngân hàng dữ liệu ngành Dược đầu tiên tại Việt Nam
Ông Nguyễn Minh Khiêm, Giám đốc Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin - Ảnh: Hải Đăng.
Giám đốc Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), Ông Nguyễn Minh Khiêm khẳng định, chuyển đổi số ngành điện lực phải lấy khách hàng làm trung tâm. Khách hàng không quan tâm những thay đổi công nghệ bên trong ngành mà thường đánh giá xem mình nhận được gì từ những đổi mới.
Chiều 30/10, Tổng công ty Điện lực TP.HCM tổ chức Hội thảo Nâng cao nhận thức và Chuyển đổi số của EVN TP.HCM. Được mời với tư cách góp ý cho chương trình chuyển đổi số của điện lực thành phố, ông Nguyễn Minh Khiêm cho rằng chuyển đổi số ngành điện cần lấy khách hàng làm trung tâm, người lao động làm trung tâm, kế đến là tài sản và dữ liệu.
Với các ưu tiên trên, EVN HCM không thể dàn hàng ngang thực hiện cùng lúc, mà cần xác định các ưu tiên để thực hiện trước. Chẳng hạn công việc của EVN HCM là phân phối và kinh doanh, do đó cần xác định trọng tâm để chuyển đổi, chưa cần thực hiện toàn bộ những danh mục của toàn ngành điện.
Việc chuyển đổi số phải xác định xem khách hàng được gì, người lao động được gì, phát triển thêm cái gì hay chỉ cần làm tốt những việc hiện có.
Mục tiêu quan trọng của đổi mới là mang lại lợi ích cho khách hàng. Ông Khiêm ví dụ cần có một công cụ thông báo cho người dân biết được chỉ số điện đang sử dụng theo thời gian thực. Công cụ này cũng cảnh báo cho người dân được biết họ sắp chạm ngưỡng phải đóng giá cước ở mức cao hơn chẳng hạn, để cân đối sử dụng.
Hiện tại nhiều hộ gia đình sử dụng nhiều thiết bị điện khác nhau, không biết được tổng công suất là bao nhiêu, ngành điện có thể xây công cụ để người dân tính toán công suất của các thiết bị nhằm ước tính điện năng tiêu thụ mỗi tháng.
Hoặc hiện nay điện lực đã cung cấp các hình thức thanh toán online khá tiện lợi rồi, nhưng còn có cách nào thanh toán tiện dụng hơn nữa hay không. Giải quyết những vấn đề thiết thực như vậy, theo ông Khiêm, sẽ giúp chuyển đổi số của doanh nghiệp hiệu quả hơn với người dân.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin & Truyền thông), cho biết mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp chuyển đổi số hoàn toàn khác nhau. Mỗi tổ chức cần xác định được vấn đề lớn nhất của mình để thay đổi.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin & Truyền thông - Ảnh: Hải Đăng.
Chẳng hạn, Cục trưởng Cục Tin học hoá dẫn ví dụ các phản ảnh trên truyền thông cho rằng nhiều người dân thắc mắc về cách tính tiền điện của điện lực. Nếu ngành điện giải quyết được những thắc mắc như vậy nghĩa là quá trình chuyển đổi số đang được thực hiện rất tốt.
Nói về chuyển đổi số của ngành điện, ông Khiêm dẫn kinh nghiệm của Hàn Quốc, cho rằng quá trình này cần quy trình quản trị đi trước, công nghệ theo sau.
Một khi quy trình thay đổi, chẳng hạn cho phép làm việc từ xa, làm việc di động,... khi đó công nghệ sẽ theo sau để cung cấp sản phẩm hay dịch vụ phù hợp.
Ngành điện lực nói riêng và EVN HCM nói chung có nhiều cơ hội để chuyển đổi số, theo ông Khiêm. Vì về cơ bản, điện lực đã có sẵn hệ thống, có sẵn hạ tầng, các công cụ quản lý. Do đó về mặt nào đó đã chuyển đổi số được một số thứ. Ngành cũng đã đưa 12 dịch vụ công lên cổng dịch vụ công để người dân thực hiện dễ dàng hơn.
Điện lực là hạ tầng trọng yếu, cần bảo vệ cẩn trọng
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) nêu ý kiến, ngành điện là hạ tầng trọng yếu của quốc gia nên cần được bảo vệ cẩn trọng. Chuyển đổi số là quá trình diễn ra nhanh, mới mẻ, chưa có kinh nghiệm nên sẽ có rủi ro, do đó cần bảo đảm an toàn thông tin.
Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia - Ảnh: Hải Đăng.
Các cuộc tấn công mạng hiện nay được tổ chức bài bản, có sự hậu thuẫn của các quốc gia đứng sau. Việc tấn công trên môi trường Internet đã có màu sắc chính trị, đều đã ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.
Ví dụ rõ nhất là cuộc tấn công mạng vào hệ thống công nghệ của các sân bay tại Việt Nam và Vietnam Airlines cách đây 4 năm. Vụ tấn công đã ảnh hưởng đến một số chuyến bay, gây mất dữ liệu khách hàng, và hiển thị các thông tin không chính xác về chủ quyền.
Bên cạnh đó, ông Hưng cũng dẫn ví dụ về hệ thống điện tại một khu vực ở Ukraine bị tấn công cuối năm 2015, gây mất điện tại đó.
Những ví dụ trên cho thấy các cuộc tấn công trên mạng giờ đây đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, do đó khi xây dựng chương trình chuyển đổi số cho EVN HCM nói riêng và ngành điện nói chung, cần đặc biệt lưu ý các vấn đề an toàn thông tin.
So với trước đây, các cuộc tấn công mạng đã có thể thực hiện dễ dàng hơn. Chẳng hạn, một cá nhân hay tổ chức có thể dễ dàng tham gia vào thị trường chợ đen, thuê một sản phẩm hay một nhóm hacker tấn công vào mục tiêu định trước. Các giao dịch đều thực hiện ẩn danh bằng tiền kỹ thuật số nên hầu như rất khó xác định chủ mưu.
Với những nguy cơ như vậy, ông Hưng đề xuất EVN HCM xây dựng chiến lược bảo mật dựa trên 4 nhân tố: xây dựng đội ngũ chuyên trách chỉ đảm nhận nhiệm vụ an toàn thông tin, hợp tác với tổ chức hay doanh nghiệp bảo vệ chuyên nghiệp, đánh giá bảo mật định kỳ, kết nối chia sẻ thông tin với các đơn vị khác để cập nhật tình hình an ninh mạng.
Theo ictnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận