Nghị định 52 mới sẽ đảm bảo minh bạch trong giao thương hàng hoá trên mạng xã hội
Sau khi Nghị định 52 của Chính phủ về thương mại điện tử được sửa đổi thì các hoạt động mua bán hàng hoá trên môi trường mạng xã hội cũng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo tính minh bạch cũng như bảo vệ các bên trong quan hệ thương mại này.
- "Thịt lợn siêu thị" bán tràn lan trên mạng xã hội liệu có đáng tin?
- Cần quy định về việc sử dụng tên thật trên mạng xã hội
- Facebook sẽ ẩn tổng lượt like để tránh ghen tỵ giữa những người dùng mạng xã hội
Theo nội dung của dự thảo bổ sung một số quy định về cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; trong đó, bao gồm điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài; đăng ký website bán hàng của thương nhân nước ngoài, của thương nhân nước ngoài bán hàng qua sàn thương mại điện tử Việt Nam...
Ngoài ra, dự thảo nghị định sửa đổi còn quy định việc quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; sửa đổi một số quy định về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử và sửa đổi trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử…
Trên thực tế, văn bản dự thảo nghị định sửa đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các sàn thương mại điện tử trong nước. Theo đó, các thương nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; các mạng xã hội; các doanh nghiệp logistics và các tổ chức, doanh nghiệp khác có hoạt động liên quan đến thương mại điện tử cũng đều chịu tác động, ông Tuấn nhấn mạnh.
Hoạt động mua bán hàng hoá trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ có hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh.
Theo đúng quy định và trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng VCCI và các cơ quan chức năng tiến hành thu nhận các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp để góp ý xây dựng dự thảo luật để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp...
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo nghị định sửa đổi sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách là thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong thương mại điện tử; quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội và quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
Mục tiêu của dự thảo nghị định sửa đổi này là nhằm hoàn thiện khuông khổ pháp luật về thương mại điện tử, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, không để thương mại điện tử bị lợi dụng và trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật khác.
Quan điểm chung của cơ quan soạn thảo khi xây dựng luật là phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên phát triển.
Dự thảo nghị định được xây dựng cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác hiện hành; đồng thời, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các điều kiện thực tế. Tuy nhiên, trên hết vẫn là đảm bảo môi trường kinh doanh canh tranh công bằng, lành mạnh và minh bạch của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, bà Việt Anh nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến đóng góp tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó tiếp nhận được góp ý của 14/22 bộ và cơ quan ngang bộ; ý kiến của 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, còn có ý kiến và quan điểm góp ý của VCCI, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khác như Lazada, Sendo, Shopee, Honda, Vingroup...
Góp ý xây dựng dự thảo nghị định, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho rằng, quy định trách nhiệm cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước công cụ tra cứu các thông tin liên quan tới người bán để phục vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo là cần thiết.
Tuy nhiên điều này có thể gây ra mối lo ngại lớn từ phía các doanh nghiệp vì quy định này mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được cụ thể hóa theo điểm 1, Điều 17 của Luật An toàn thông tin mạng hay khoản 3 Điều 38 của Bộ Luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, các công vụ tra cứu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng lọt/lộ thông tin của doanh nghiệp hay dữ liệu cá nhân người dùng khi rủi ro mất an toàn thông tin mạng là luôn hiện hữu từ các cuộc tấn công hoạt chiếm đoạt thông tin trên không gian mạng trên thế giới trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về nghĩa vụ tham gia giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.
Từ góc độ của doanh nghiệp, việc phải bố trí nhân lực vật lực để xây dựng và duy trì công cụ theo yêu cầu của dự thảo sẽ là 1 gánh nặng không hề nhẹ, bà Hà khuyến nghị.
Quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử theo văn bản dự thảo nghị định dường như chưa có sự thông thoáng, nhiều giấy tờ có liên quan làm tăng thủ tục hành chính và gây khó khăn gấp nhiều lần cho doanh nghiệp.
Điều ấy sẽ kéo theo tâm lý bất an cho nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động ở Việt Nam. Bởi việc chấp nhận đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt trên cơ sở tham vấn ý kiến từ Bộ Công Thương.
Do đó, nếu phải thêm 1 lần nữa xin lại ý kiến của Bộ Công Thương khi điều chỉnh đăng ký hoặc giấy phép hoạt động có thể kéo theo sự chồng chéo và gây xung đột về chức năng cấp phép đầu tư.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận