Triển khai thực hiện luật bảo vệ bí mật Nhà nước
Ngày 15/11/2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Luật số 29/2018/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Đây là đạo luật quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý để các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.
- Bổ sung quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước
- Những hành vi nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước
- Ban hành danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã cụ thể hóa tối đa các hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để triển khai thi hành Luật, ngày 19/02/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 199/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Quyết định số 1276/QĐ-TTg ngày 11/12/2018 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (sau đây gọi tắt là Luật).
CÁC NGHỊ ĐỊNH, QUYẾT ĐỊNH
Sau 4 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Luật sau đây:
Nghị định quy định chi tiết một số nội dung của Luật
Luật giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của Luật, cụ thể là: Xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước (Điều 10); sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước (khoản 7 Điều 11); giao nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước (khoản 7 Điều 13); mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ (khoản 5 Điều 14); địa điểm tổ chức, phương án bảo vệ và sử dụng các phương tiện, thiết bị tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước (khoản 4, Điều 17); phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước và chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước (khoản 3, Điều 24). Đồng thời, quy định cụ thể việc phân công và tiêu chuẩn người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại các bộ, ban, ngành, địa phương.
Ngày 28/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu trữ; địa điểm tổ chức, phương án bảo vệ và sử dụng phương tiện, thiết bị tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước và phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước.
Nghị định số 26/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định số 26/2020/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Để triển khai thi hành có hiệu quả Điều 7 (quy định về phạm vi bí mật nhà nước) và Điều 9 (quy định về ban hành danh mục bí mật nhà nước) của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước giao Thủ tướng Chính phủ ban hành các danh mục bí mật nhà nước độ Mật, Tối mật và Tuyệt mật thuộc 15 lĩnh vực được quy định tại Điều 7 của Luật. Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 25 Danh mục bí mật nhà nước của các lĩnh vực sau:
1) Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;
2) Quyết định số 808/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
3) Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo;
4) Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 19/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước mức độ mật của Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
5) Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực Nội vụ;
6) Quyết định số 969/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải;
7) Quyết định số 970/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc Tòa án nhân dân;
8) Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực công tác dân tộc;
9) Quyết định số 988/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
10) Quyết định số 1178/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế;
11) Quyết định số 1180/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc Viện kiểm sát nhân dân;
12) Quyết định số 1192/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao;
13) Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 11/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
14) Quyết định số 1294/QĐ-TTg ngày 24/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;
15) Quyết định số 1295/QĐ-TTg ngày 24/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực Y tế;
16) Quyết định số 1306/QĐ-TTg ngày 26/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội;
17) Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 03/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Công nghiệp và Thương mại;
18) Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 23/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê;
19) Quyết định số 1451/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực lao động và xã hội;
20) Quyết định số 1494/QĐ-TTg ngày 02/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực xây dựng;
21) Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 26/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
22) Quyết định số 1663/QĐ-TTg ngày 26/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
23) Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước của Đảng;
24) Quyết định số 1765/QĐ-TTg ngày 09/11/2020 về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước.
25) Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (mật);
26) Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực Quốc phòng (mật).
CÁC THÔNG TƯ CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Thông tư này quy định về biểu mẫu và việc sử dụng biểu mẫu trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Thông tư quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng biểu mẫu bảo đảm đầy đủ nội dung, thống nhất về hình thức, kích thước được quy định cụ thể tại các biểu mẫu. Mực dùng để đóng các loại dấu chỉ độ mật là mực màu đỏ. Trường hợp sử dụng cơ sở dữ liệu để đăng ký, quản lý tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trên máy tính phải bảo đảm đầy đủ nội dung theo mẫu “Sổ đăng ký bí mật nhà nước đi”, “Sổ đăng ký bí mật nhà nước đến” quy định tại Thông tư này. Trường hợp tài liệu bí mật nhà nước, sách chứa đựng nội dung bí mật nhà nước được in, xuất bản với số lượng lớn thì cơ quan, tổ chức soạn thảo, tạo ra bí mật nhà nước được in dấu độ mật bằng mực màu đỏ ở bên ngoài tài liệu, bìa sách.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước bị bãi bỏ kể từ ngày Thông tư số 24/2020/TT-BCA có hiệu lực thi hành.
Thông tư số 38/2020/TT-BCA ngày 17/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân.
Thông tư này quy định về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; sao, chụp, thống kê, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, mang ra khỏi nơi lưu giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước; tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; điều chỉnh độ mật, giải mật; phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước; chế độ thông tin, báo cáo; trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Thông tư quy định phương tiện, thiết bị sử dụng trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước như sau: Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải sử dụng micro có dây và các phương tiện, thiết bị được Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an cấp tỉnh kiểm tra an ninh, an toàn trước khi lắp đặt, trừ phương tiện, thiết bị do lực lượng cơ yếu trang bị. Trường hợp hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tuyến phải bảo vệ đường truyền theo quy định pháp luật về cơ yếu;
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 và thay thế Thông tư số 59/2010/TT-BCA-A81 ngày 14/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lực lượng Công an nhân dân.
MỘT SỐ DANH MỤC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC ĐANG ĐƯỢC XÂY DỰNG
Một số lĩnh vực cũng đang được xây dựng danh mục bí mật nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành gồm: thông tin truyền thông, tư pháp, cơ yếu, tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực khác.
Trong thời gian tới, Tạp chí sẽ tiếp tục đăng tải nội dung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước có liên quan đến công tác cơ yếu, an toàn thông tin.
Theo An toàn Thông tin
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận