Trong những năm gần đây, trước sự phát triển của các ứng dụng số, mạng xã hội và đặc biệt là sự phổ biến của các thiết bị thông minh, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các hình thức tội phạm nổi lên, trong đó nổi lên là tội phạm tài chính và công nghệ cao đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm. Sự bùng nổ của công nghệ số, cùng với những khó khăn kinh tế, đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các hoạt động phạm tội phát triển.
Các đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi trong việc lợi dụng những kẽ hở của hệ thống tài chính và công nghệ thông tin. Với những phương thức rất tinh vi như lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản qua mạng, hay các hoạt động rửa tiền thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử. Những vụ án điển hình cho thấy mức độ tinh vi và nguy hiểm của các đối tượng này.
Điều đáng lo ngại là hậu quả của những vụ án này không chỉ dừng lại ở thiệt hại về vật chất mà còn gây ra những tổn thương sâu rộng trong xã hội. Niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính, ngân hàng bị giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và đầu tư.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Công an TP.HCM
Để đối phó với tình hình này, Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng". Tọa đàm diễn ra tại Hội trường Công an TP.HCM.
Tham dự buổi tọa đàm có Đại tá Lê Quang Đạo - Phó Giám đốc CATP; ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM; Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Chánh - Trưởng Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân; ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí - xuất bản - Ban Tuyên giáo Thành ủy; đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM; Tổng Công ty Điện lực TPHCM; Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng Athena; đại diện lãnh đạo các ngân hàng Tecombank, HDBank, BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank…
Theo đó, Buổi tọa đàm nhằm nhận diện rõ hơn các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, qua đó xác định rõ các nguyên nhân, xu hướng của loại tội phạm này, đưa ra các biện pháp khuyến cáo, phòng ngừa; làm rõ thêm về sự cần thiết, tính cấp bách đối với việc ban hành, sửa đổi một số chính sách, quy định liên quan để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, đủ mạnh, khả thi; huy động được cả hệ thống chính trị và toàn dân vào phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao.
Đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng về lừa đảo trực tuyến, giới thiệu các xu hướng công nghệ an ninh mạng mới và xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chuyên trách và các tổ chức tài chính, ngân hàng trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc. Đồng thời, khuyến khích thực hành tốt bảo vệ thông tin cá nhân và an ninh mạng. Truyền thông về vai trò của kinh tế số và Blockchain nhằm cảnh báo nguy cơ từ các sàn giao dịch tài sản mã hóa chưa cấp phép, góp phần xây dựng môi trường công nghệ an toàn.
Tọa đàm không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin tổng quan mà còn tập trung vào các khía cạnh chuyên sâu, giúp giải quyết những vấn đề cốt lõi trong công tác phòng, chống tội phạm tài chính số. Một trong những nội dung trọng tâm là nhận diện các thủ đoạn, hành vi tội phạm công nghệ cao phổ biến hiện nay như lừa đảo đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, khai thác dữ liệu cá nhân, Deepfake...
Đại tá Lê Quang Đạo – Phó Giám đốc Công an TPHCM phát biểu chào mừng, khai mạc tọa đàm. Ảnh: Công an TP.HCM
Thực trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo
Báo cáo tọa đàm cho biết, tại Việt Nam, các vụ lừa đảo lợi dụng AI đã tăng tới 3.050% từ năm 2022 - 2023. Đáng kể nhất là các hình thức Deepfake (giả giọng nói và hình ảnh giống như thật với chất lượng cao) để lừa tiền, thao túng hành vi… Không chỉ các cá nhân, các tổ chức tài chính, ngân hàng vốn được bảo mật kỹ lưỡng cũng nằm trong tầm ngắm của các đối tượng tấn công mạng.
Các vụ tấn công vào đối tượng ngân hàng, tổ chức tuy không phổ biến nhưng số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt được trong các vụ việc này là rất lớn, điển hình như các vụ tấn công dữ liệu đòi tiền chuộc đã diễn ra với VNDirect, PVOil hồi đầu năm 2024 với thiệt hại lên tới hàng triệu USD. Một số hình thức lừa đảo thường gặp khác như giả mạo các tổ chức ngân hàng, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc mời chào đăng ký thông tin, mở thẻ tín dụng, nâng hạn mức, mời đầu tư chứng khoán, tiền ảo, forex hoặc tham gia các gói vay trực tuyến...
Theo đại diện Phòng PC02, Công an TPHCM cho biết: Trong 09 tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận, thụ lý trong 09 tháng năm 2024 tiếp nhận 461 vụ, số tiền thiệt hại rất lớn, khoảng 982 tỷ đồng.
Các đối tượng lừa đảo tập trung chủ yếu vào các phương thức, thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức giả danh cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, thuế, nhân viên bưu điện,…); lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc mời gọi đầu tư tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc hack các tài khoản mạng xã hội hội và giả làm người thân của bị hại thông qua các tài khoản Zalo, Telegram, Whatapp đã bị chiếm quyền quản lý để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc kêu gọi người bị hại làm cộng tác viên để làm nhiệm vụ bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, tiki,… để nhận hoa hồng hoặc mời bị hại tham gia tuyển người mẫu ảnh nhí.
Theo chia sẻ của ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết, thời gian gần đây có nhiều kẻ gian giả danh cơ quan điện lực tại TPHCM gọi cho khách hàng sử dụng điện với mục đích lừa đảo.
EVNHCMC nhận được phản ánh về việc tự xưng nhân viên điện lực gọi điện thông báo được hoàn trả tiền điện và yêu cầu kết bạn qua zalo để được hỗ trợ; hoặc giả danh nhân viên điện lực đề nghị kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cài đặt App; hoặc giả danh nhân viên ngành điện lập các trang Web kêu gọi góp vốn cho các dự án năng lượng…
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVNHCMC ghi nhận có 23 trường hợp khách hàng phản ánh có các số điện thoại gọi yêu cầu khách hàng tải app, kết bạn zalo, nhận link để được hoàn/giảm 20% tiền điện.
Khách hàng nghi ngờ lừa đảo do khách hàng đã được nhận thông tin tiền điện qua App EVNHCMC. Tuy nhiên, hiện chưa có trường hợp bị mất tiền cho các đối tượng lừa đảo này.
Ông Kiên cũng cho biết thêm, gần đây EVNHCMC có yêu cầu khách hàng cập nhật lại hồ sơ mua bán điện nhằm để bảo vệ chính khách hảnh.
Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, tình hình tội phạm tài chính đang trở nên vô cùng phức tạp và đáng lo ngại. Các đối tượng tội phạm không ngừng nâng cao phương thức hoạt động, tận dụng mọi kẽ hở của hệ thống để thực hiện những hành vi lừa đảo tinh vi.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là sự thiếu nhận thức của một bộ phận người dân. Các đối tượng tội phạm rất tinh vi trong việc sử dụng công nghệ cao để xâm nhập, chiếm quyền quản lý các tài khoản mạng xã hội như Zalo, Telegram hay gửi các đường link giả mạo các cơ quan chức năng. Nhiều người dân, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm, dễ dàng trở thành nạn nhân bằng cách cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định.
Đáng chú ý là tâm lý ham lợi nhanh cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân dễ mắc bẫy. Nhiều người mong muốn có thu nhập dễ dàng mà không cần nhiều công sức, từ đó trở thành mục tiêu lý tưởng cho các đối tượng lừa đảo.
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an, cần phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ. Việc nắm bắt tình hình địa bàn, quản lý chặt các đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội trở thành nhiệm vụ then chốt. Các lực lượng chuyên trách liên tục cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để định vị, truy bắt đối tượng.
Các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng cần phải thay đổi để thích ứng. Rà soát quy trình nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra nội bộ, và đầu tư vào hệ thống an ninh mạng trở nên vô cùng quan trọng. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho hệ thống còn phải tích cực hướng dẫn, cảnh báo khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo mới.
Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là nâng cao nhận thức cộng đồng. Mỗi công dân cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng phòng tránh, luôn cảnh giác trước những lời mời chào, đường link hay thông tin không rõ nguồn gốc. Luôn thận trọng trong các giao dịch trực tuyến, bảo vệ thông tin cá nhân, và không ngừng học hỏi về an toàn thông tin.
Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính, và cộng đồng là yếu tố then chốt. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý. Kiểm soát các hoạt động trên không gian mạng, loại bỏ sim rác, giám sát chặt chẽ các website đáng ngờ đang được triển khai quyết liệt. Chỉ có sự chung sức, chung lòng, chúng ta mới có thể tạo nên một môi trường an toàn, giảm thiểu những rủi ro từ tội phạm công nghệ cao.