Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Để giải cứu nông nghiệp Italy buộc phải mở cửa biên giới
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, để giải cứu ngành nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, giới chức Italy đã phải mở cửa biên giới cho phép người dân khu vực Schengen để giải quyết các vấn đề về lao động thiếu hụt trầm trọng tại nước này.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Virus SARS-CoV-2 xuất phát từ tự nhiên
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ vẫn không ngừng tăng
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Nga kỳ vọng sớm đưa vaccine vào phòng chống dịch
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, trước khả năng chính phủ Italy sẽ thông qua sắc lệnh mới cho phép người dân thuộc khu vực Schengen có thể tới Italy, bao gồm cả Thụy Sĩ và Monaco, mà không phải cách ly 14 ngày, Hiệp hội nông nghiệp Italy Condiretti cho rằng việc mở cửa biên giới Italy cho công dân châu Âu không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn cứu ngành nông nghiệp nước này, với sự trở lại của khoảng 150.000 lao động theo mùa vụ tới từ Rumani, Ba Lan, Bulgari và các quốc gia châu Âu khác để tham gia hoạt động thu hoạch nông sản Made in Italy.
Condiretti ước tính hơn 1/4 sản phẩm nông nghiệp Made in Italy ở các vùng nông thôn được thu hoạch bởi 370.000 lao động mùa vụ nước ngoài, chiếm 27% tổng số lực lượng lao động cần thiết cho ngành nông nghiệp Italy, trong đó, lực lượng lao động người Rumani đông nhất với 107.591 lao động, Ba Lan (13.134), Bulgaria (11.261).
Condiretti khẳng định: “Việc cho phép lao động theo mùa vụ trong Liên minh châu Âu (EU) di chuyển tự do, do chính Ủy ban châu Âu đề xuất, đã cho phép hàng chục nghìn lao động EU trở lại làm việc tại các vùng nông thôn ở Đức và Anh. Các thỏa thuận giữa các quốc gia mới đây cũng đã mở cửa biên giới cho lao động khu vực Schengen”.
Theo Coldiretti, Italy sẽ bắt đầu mùa thu hoạch nông sản kéo dài từ tháng 6-9, với một loạt sản phẩm nông nghiệp Made in Italy như: dâu tây, măng tây, atiso, lê, táo, mận, đào. Trong khi đó, mùa nho tại Sicily sẽ bắt đầu vào tháng 5, trong khi vụ thu hoạch ô liu và kiwi sẽ diễn ra vào tháng 11.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự nước này ngày 16/5 công bố thêm 789 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy lên 224.760 trường hợp.
Trong đó, số ca tử vong tăng lên 31.763 trường hợp (tăng 153 ca) và số ca hồi phục là 122.810 ca (tăng 2.605 ca). Số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm với tổng số 775 ca (giảm 33 trường hợp) trong tổng số 10.400 ca nhập viện với các triệu chứng.
Trước diễn biến tích cực của đường cong dịch tễ, chính phủ Italy thông báo những hạn chế về đi lại trong phạm vi nội bộ từng vùng sẽ kết thúc vào ngày 18/5.
Theo sắc lệnh mới được Tổng thống Italy Sergio Mattarella ký ngày 16/5, các quán bar, nhà hàng, các cửa hiệu cắt tóc, làm đẹp sẽ bắt đầu được phép mở cửa trở lại vào đầu tuần tới, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội và an toàn vệ sinh.
Với hoạt động mua bán, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và găng tay, trường hợp vi phạm sẽ chịu mức phạt từ 400-3.000 euro, các doanh nghiệp không chấp hành sẽ buộc phải đóng cửa từ 5-30 ngày.
Trong khi đó, việc cho phép tự do đi lại giữa các vùng cũng bắt đầu, đồng thời để ngỏ khả năng cho phép công dân khu vực Schengen tới Italy từ ngày 3/6, được coi là một động thái quan trọng nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch.
Để đảm bảo mọi người dân Italy đều có thể mua khẩu trang y tế với giá 50 cent, Ủy viên đặc biệt về tình trạng khẩn cấp của Italy, Domenico Arcuri cho biết sẽ tăng nguồn cung lên đến 30 triệu khẩu trang và phân phối tới các hiệu thuốc trên toàn quốc.
Theo số liệu của trang mạng worldometers.info, Mỹ đứng đầu thế giới với hơn 1,48 triệu ca mắc bệnh và hơn 88.500 ca tử vong. Trong ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Washington đang cân nhắc nhiều đề xuất liên quan tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó có đề xuất nối lại tài trợ khoảng 10% mức trước đây cho tổ chức này. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh hiện chưa có quyết định cuối cùng và mọi hoạt động tài trợ của Mỹ dành cho WHO vẫn đang "đóng băng".
Dịch bệnh đã tác động mạnh tới nền kinh tế số 1 thế giới, buộc chính phủ nước này phải tung nhiều gói cứu trợ khẩn cấp nhằm sớm ổn định tình hình. Hạ viện Mỹ mới thông qua dự luật do đảng Dân chủ đề xuất trị giá 3.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ các tiểu bang, doanh nghiệp, hỗ trợ thực phẩm, hộ gia đình.
Dự luật đề xuất gần 1.000 tỷ USD hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đồng thời đề xuất 75 tỷ USD cho việc xét nghiệm, thanh toán trực tiếp lên tới 6.000 USD cho mỗi hộ gia đình ở Mỹ, 10 tỷ USD trợ cấp khẩn cấp cho doanh nghiệp nhỏ và 25 tỷ USD cho cơ quan Dịch vụ Bưu chính. Tuy nhiên, dự luật có thể không được thông qua tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
JCPenney trở thành tập đoàn bán lẻ tiếp theo của Mỹ rơi vào cảnh phá sản do tác động của đại dịch. JCPenney đã làm thủ tục tự nguyện theo Chương 11 của Luật phá sản tại một tòa án phá sản ở Mỹ sau khi không thể trả lãi đối với các khoản vay đáo hạn hồi tháng 4 vừa qua.
Do tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, CPenney sẽ buộc phải đóng cửa một số cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Được thành lập năm 1902, JCPenney là chuỗi cửa hàng bán lẻ tên tuổi ở Mỹ. Tính đến tháng 2 vừa qua, JCPenney có khoảng 90.000 nhân viên và gần 850 cửa hàng trên khắp nước Mỹ.
Cũng vì dịch bệnh, lần đầu tiên trong hơn 200 năm, Hạ viện Mỹ cho phép các nghị sĩ bỏ phiếu từ xa. Cụ thể, quy định mới cho phép các nghị sĩ có thể chọn một người ủy nhiệm và cung cấp những chỉ dẫn chính xác về việc bỏ phiếu bầu cho họ.
Thay đổi này cũng mở đường cho việc các Hạ nghị sĩ có thể bỏ phiếu từ xa bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại trong tương lai. Ngoài ra, Hạ viện Mỹ cũng cho phép các ủy ban có thể họp trực tuyến, thay vì phải gặp mặt trực tiếp như trước đây.
Tại châu Âu, LB Nga ngày 16/5 ghi nhận thêm 9.200 ca nhiễm virus, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 272.043 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 2/5. Tuy nhiên, số ca tử vong đã tăng thêm 119 ca lên 2.537 ca. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, Tây Ban Nha thông bao số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này tăng 102 ca và là số ca tử vong tăng trong ngày thấp nhất mà quốc gia này ghi nhận từ giữa tháng 3. Thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha nêu rõ tổng số ca tử vong vì dịch bệnh của nước này hiện là 27.563 ca, trong khi tổng số ca mắc bệnh là 230.698 ca.
Trong một nỗ lực nhằm sớm mở cửa nền kinh tế với bên ngoài, Chính phủ Italy, quốc gia từng là tâm dịch châu Âu, công bố sắc lệnh cho phép các du khách từ các quốc gia khác trong EU và Khu vực Schengen đến quốc gia này từ ngày 3/6 và dỡ bỏ những hạn chế về đi lại giữa các vùng của Italy vào cùng thời điểm này.
Tại châu Á, ngày 16/5, Iran đã ghi nhận thêm 35 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnhlên 6.937 ca. Đây là số ca tử vong thấp nhất trong ngày kể từ ngày 7/3 vừa qua.
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.757 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên 118.392 ca. Tại cuộc họp của lực lượng đặc trách chống COVID-19, Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Hát-xan Ru-ha-ni) đã công bố lịch trình nới lỏng sâu thêm các biện pháp tại nước này.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ thông báo tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này hiện ở mức 85.940 ca, lần đầu tiên vượt số ca mắc bệnh Trung Quốc (82.941 ca), nơi dịch bệnh khởi phát. Từ ngày 7/5, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới đều ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới mỗi ngày, có khi còn vượt 4.000 ca mới/ngày.
Trong khi vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt, vốn được áp đặt từ ngày 25/3, nhằm kiềm chế tốc độ lây lan dịch bệnh, chính phủ Ấn Độ cũng đang dần cho phép nối lại các hoạt động kinh tế. Do đó, các ca mắc mới được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 16/5 thông báo thêm 19 ca nhiễm virus, mức tăng thấp nhất trong 1 tuần qua, khi các ca nhiễm liên quan đến ổ dịch ở quận giải trí ban đêm Itaewon, thủ đô Seoul, cũng đang có xu hướng giảm dần. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/5 số ca nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc dưới mức 20 ca.
Khu vực Đông Nam Á ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực trong ngày 16/5. Đây là ngày mà Thái Lan không ghi nhận bất cứ ca mắc mới hay tử vong nào do dịch bệnh trong bối cảnh nước này bắt đầu mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh và nới lỏng hạn chế.
Từ ngày 17/5, Thái Lan sẽ cho phép các trung tâm thương mại và cửa hàng mua sắm được hoạt động trở lại. Nước này sẽ rút ngắn bớt 1 giờ lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 23h hôm trước tới 4h sáng hôm sau, thay vì từ 22h như trước đó. Đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.025 ca mắc và 56 người tử vong do dịch COVID-19.
Ngày 16/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo bệnh nhân mắc bệnh cuối cùng của nước này đã hồi phục và xuất viện. Dù không còn ca mắc COVID-19 nào nhưng Bộ Y tế Campuchia vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục thận trọng. Campuchia ghi nhận tổng cộng 122 ca nhiễm virus và không có ca nào tử vong. Lần mới nhất quốc gia này ghi nhận ca nhiễm mới là ngày 12/4.
Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới. Ngày 16/5, Singapore, quốc gia đang là điểm nóng dịch bệnh của khu vực, thông báo ghi nhận thêm 465 trường hợp nhiễm virus, đưa tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 27.356 ca.
Tính đến ngày 16/5, Indonesia ghi nhận tổng cộng 17.025 ca mắc bệnh và 1.089 ca tử vong. Malaysia cũng thông báo tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh tại đây lần lượt là 6.872 và 113 ca.
Trong khi đó, Philippines ghi nhận tổng cộng 12.305 ca nhiễm virus và 817 ca tử vong. Từ ngày 16/5, quốc gia này bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa ở thủ đô Manila, tâm dịch của cả nước, và nhiều thành phố lớn khác cũng dần tái khởi động các hoạt động kinh tế sau thời gian trì trệ vì các biện pháp cách ly.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận