Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Séc sẽ thay đổi cách đánh giá rủi ro dịch bệnh
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, để đánh giá mức độ rủi ro của dịch bệnh Bộ Y tế Séc sẽ có bản đồ đánh giá chi tiết đến từng quận/huyện thay vì vùng như hiện nay là do yếu tố dịch tễ ở cấp rộng hơn này rất khác nhau sẽ không đánh giá được hết các rủi ro.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thế giới có thêm 1 triệu ca nhiễm mới chỉ trong 3 ngày
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Đức sẽ yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ "quyết tâm" mở lại học kỳ mùa Thu
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo ông Rastislav Madar - Trưởng Ban công tác dịch tễ học Bộ Y tế Séc ngày 27/7 cho biết, Bộ y tế nước này sẽ công bố bản đồ trên toàn quốc về mức độ rủi ro của từng quận/huyện. Bản đồ thể hiện mức độ rủi ro thông qua cảnh báo bằng màu sắc và sẽ được cập nhật hàng tuần.
Dữ liệu hiện tại về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cho thấy hiện không có địa phương nào của Séc đang ở mức rủi ro cao nhất (màu đỏ). Trong khi đó, mức độ rủi ro thứ 2 (màu vàng) sẽ được áp dụng đối với thủ đô Praha và màu xanh lá cây sẽ được áp dụng đối với một số huyện ở vùng Morava-Silesia và vùng Trung Séc, khu vực Jihlava ở vùng Vysocina.
Với cách đánh giá mới này thì tình hình dịch COVID-19 cũng không đến mức quá nghiêm trọng như hiện tại ở Trung Âu.
Các cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng cấp vùng/tỉnh sẽ có trách nhiệm đánh giá mức độ rủi ro nhiễm bệnh và triển khai các biện pháp cần thiết. Đối với mức độ rủi ro cao nhất (màu đỏ), người dân sẽ được khuyến cáo tránh tiếp xúc và chỉ đi lại trong những trường hợp cần thiết. Hoạt động của các trường học và các sự kiện tôn giáo, thể thao sẽ bị hạn chế.
Đối với mức độ rủi ro thứ 2 (màu vàng), số lượng người tham gia các sự kiện cộng đồng và thời gian mở cửa của các cơ quan, tổ chức sẽ bị hạn chế. Đối với mức độ rủi ro thấp hơn (màu xanh lá cây), việc tới thăm các cơ sở y tế và chăm sóc xã hội sẽ bị hạn chế.
Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch tễ, mức độ rủi ro dịch COVID-19 tại Séc sẽ được phân chia theo cấp độ quận/huyện chứ không phải cấp vùng/tỉnh. Theo Bộ trưởng Y tế Séc, không nên phân chia mức độ rủi ro theo cấp vùng/tỉnh vì tình hình dịch tễ tại mỗi quận/huyện trong vùng/tỉnh rất khác nhau.
Cũng theo Bộ Y tế Séc, tình hình tổng thể dịch COVID-19 hiện nay tại quốc gia Trung Âu này không nghiêm trọng. Hầu hết các quận/huyện trong cả nước đều không có trường hợp nhiễm mới rải rác.
Trong khi đó, tình hình dịch tại Praha và Morava-Silesia, những nơi hiện có tỷ lệ nhiễm cao đều không gây sức ép quá lớn đối với năng lực của các cơ sở y tế.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 27/7, trên thế giới có 16.492.811 ca mắc dịch COVID-19 và 653.424 ca tử vong. Số ca bình phục là 10.094.836 ca.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi chỉ trong 6 tuần qua.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.384.069 ca bệnh và 149.945 ca tử vong. Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy, trong ngày 26/7, Mỹ ghi nhận thêm 55.187 ca mắc COVID-19 và 518 ca tử vong, giảm so với một ngày trước đó. Lần gần nhất số ca mắc trong ngày tại Mỹ dưới ngưỡng 60.000 ca là từ gần hai tuần trước - ngày 13/7.
Số ca mắc mới tại Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là các bang ở miền Nam và Tây nước này như California, Texas, Alabama và Florida. Ngày 27/7, Nhà Trắng thông báo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Sau Mỹ là Brazil với 2.419.901 ca mắc COVID-19 và 87.052 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 1.466.059 ca mắc và 33.129 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm gần 50.000 ca bệnh, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Nhà chức trách Ấn Độ đang đẩy nhanh việc tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với người dân tại nước này và đến nay hơn 16 triệu người đã được xét nghiệm.
Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, buộc nhiều nước phải siết chặt các hạn chế. Ngày 27/7, Anh để ngỏ khả năng đưa Đức và Pháp vào danh sách cách ly 14 ngày, sau khi áp dụng quy định tương tự với những người đến từ Tây Ban Nha. Giới chức Đức dự kiến xem xét yêu cầu những người vừa đi nghỉ mát về phải tiến hành xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bayern có kế hoạch dựng các điểm xét nghiệm tại 2 nhà ga lớn nhất của tỉnh gồm thành phố Munich và Nuremberg, cũng như tại một số điểm trên các tuyến đường cao tốc.
Tại Pháp, giới chức nước này đã ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại các bãi biển ở khu nghỉ dưỡng Quiberon. Còn tại Romania, chính phủ nước này cũng đang cân nhắc phong tỏa hàng chục khu vực sau khi số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp.
Trong khi Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4 (hơn 5.600 ca), nhiều nước như Bỉ, Ba Lan... lại chứng kiến số ca mắc gia tăng.
Ngày 27/7, giới chức y tế Bỉ cảnh báo nước này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng ở mức "đáng lo ngại", với số ca mắc trong tuần vừa qua tăng hơn 70% so với tuần trước đó. Tính đến ngày 27/7, Bỉ xác nhận 66.026 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.821 ca tử vong.
Hội đồng An ninh quốc gia của Bỉ nhóm họp để đưa ra các biện pháp mạnh tay mới, tương tự giai đoạn cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo Thủ tướng Sophie Wilmès, các biện pháp mới mà hội đồng vừa thông qua được thực hiện quyết liệt trong 4 tuần tới để tránh việc cách ly toàn diện.
Cụ thể, từ ngày 29/7, số lượng khách được đến thăm một gia đình giảm từ 15 người xuống còn 5 người. Những người khách này phải có liên hệ chặt chẽ và người dân được yêu cầu chỉ tiếp những khách cố định trong cả tháng tới. Quy định này không áp dụng với trẻ em dưới 12 tuổi.
Giới hạn số người tham dự các sự kiện cũng giảm xuống một nửa, cụ thể là còn tối đa 100 người dự sự kiện trong nhà và 200 người cho sự kiện ngoài trời. Khách đi mua sắm tại các cửa hàng chỉ được đi một mình hoặc cùng với một trẻ vị thành niên cùng nhà. Thời gian mua sắm tại các cửa hàng không được quá 30 phút.
Đây là quy tắc nghiêm khắc tương tự như cho giai đoạn cách ly toàn diện. Để tránh tình trạng tập trung nhiều người ở những khu vực nhộn nhịp nhất là bến tàu xe và trên tàu, biện pháp cho phép đi tàu miễn phí cho công dân sẽ bị hoãn lại cho đến tháng 9. Hình thức làm việc từ xa được khuyến khích mạnh mẽ.
Trong khi đó, tình hình dịch ở Ba Lan cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu, đặc biệt tại vùng mỏ Silesia ở miền Nam. Ngày 25/7, Ba Lan ghi nhận thêm 584 ca mắc COVID-19, mức cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 43.402 ca, trong đó có 1.700 ca tử vong.
Dự kiến, trong ngày 27/7, các quan chức y tế Ba Lan sẽ tổ chức họp bàn về các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai vào tháng 8 tới. Việc áp đặt trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang là một trong những giải pháp được đưa ra thảo luận.
Cùng cảnh với "Lục địa Già", nhiều nước châu Á cũng đang đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Ngày 27/7, giới chức y tế Trung Quốc cho biết, trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục phát hiện thêm 61 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca "nhập khẩu" và 57 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ ngày 14/4 vừa qua.
Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng thông báo ghi nhận thêm 145 ca mắc COVID-19, mức cao nhất từ trước tới nay, trong đó phần lớn là ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh nước này (KCDC) ngày 27/7 xác nhận thêm 25 ca mắc COVID-19, trong đó có 16 ca "nhập khẩu", nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 14.175 ca.
Cuối tuần qua, Hàn Quốc đã phải đóng cửa một tòa nhà chính phủ tại trung tâm thủ đô Seoul, sau khi một viên chức có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang thúc các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu 70% làm việc từ xa và tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh số camắc COVID-19 liên quan đến công sở tăng lên.
Dù Nhật Bản đã tránh được xu hướng lây nhiễm trên quy mô lớn, song việc số ca nhiễm tại thủ đô Tokyo và các khu vực đô thị khác đã tăng mạnh trong tuần qua khiến các chuyên gia lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Trong ngày 27/7, số ca nhiễm mới ở Tokyo đã lần đầu tiên trong 7 ngày qua giảm xuống dưới mức 200 ca, cụ thể là 131 ca. Tuy nhiên, đây là ngày thứ 18 liên tiếp, số ca nhiễm mới tại thành phố này trên ngưỡng 100.
Còn tại Australia, chỉ một ngày sau khi ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, ngày 27/7, nước này ghi nhận thêm 549 ca bệnh, mức cao nhất kể từ khi bùng dịch. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Australia là 14.935 người, trong đó có 161 ca tử vong.
Ở khu vực Trung Đông, ngày 26/7, giới chức y tế Iraq đã quyết định sẽ áp đặt giới nghiêm cả ngày trong dịp lễ Eid al-Adha sắp tới, cụ thể từ ngày 30/7 đến ngày 9/8. Trong ngày này, Iraq ghi nhận thêm 2.459 ca mắc COVID-19, nâng tổng số lên 110.032 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 78 ca lên 4.362 ca.
Trong khi đó, tại châu Phi, số ca mắc COVID-19 tại đây tính đến sáng 27/7 (giờ Việt Nam) đã lên tới 846.311 ca, trong đó có 17.747 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực là Nam Phi, với 445.433 ca bệnh, tiếp đến là Ai Cập, Algeria và Maroc.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận