Cập nhật tình hình dịch COVID-19: WHO cần điều chỉnh các thức công bố dịch bệnh
Cơ quan giám sát độc lập của WHO cho biết, tổ chức này cần phải điều chỉnh lộ trình thực hiện các mức độ của dịch bệnh trước khi được tuyên bố tình trạng khẩn cấp để tạo sự quan tâm ngay từ đầu của các quốc gia thành viên.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Để giải cứu nông nghiệp Italy buộc phải mở cửa biên giới
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Virus SARS-CoV-2 xuất phát từ tự nhiên
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ vẫn không ngừng tăng
Ngày 18/5, cơ quan giám sát độc lập hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định tổ chức này đã thể hiện được vai trò dẫn đầu trong ứng phó đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong báo cáo đầu tiên đánh giá về hoạt động của WHO trong 3 tháng đầu năm nay, ủy ban giám sát độc lập cũng cho rằng nên đánh giá hoạt động của WHO nhưng không phải vào thời điểm "nóng" của cuộc chiến chống dịch bệnh vì điều này có thể làm gián đoạn các nỗ lực của WHO.
Việc công bố dịch của COVID-19 của WHO không đủ "nóng" khiến cho 197 quốc gia thành viên phải chú ý.
Báo cáo cũng đề xuất những cải cách mà WHO cần thực hiện, trong đó có việc đưa vào sử dụng các mức độ cảnh báo theo từng bước, trước khi tuyên bố một tình trạng khẩn cấp để thu hút sự chú ý của các quốc gia thành viên ngay từ những giai đoạn đầu.
Báo cáo này cũng cho rằng 194 quốc gia thành viên WHO nên đánh giá lại quy mô và tăng cường năng lực cho chương trình khẩn cấp của tổ chức này, cho rằng khoản ngân sách hoạt động thường niên chưa đến 300 triệu USD của WHO là "quá khiêm tốn".
Báo cáo nhận định trong giai đoạn đầu của tình trạng dịch bệnh khẩn cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, việc hiểu biết chưa đầy đủ và cần tăng cường kiến thức về dịch bệnh là điều bình thường. Cho tới nay, vẫn còn rất nhiều điều chưa chắc chắn về dịch COVID-19.
Báo cáo của ủy ban gồm 7 thành viên cũng cảnh báo hiện tượng chính trị hóa các biện pháp ứng phó với dịch ngày càng gia tăng đang cản trở nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Báo cáo nhấn mạnh WHO sẽ không thể thành công nếu thiếu sự hậu thuẫn chính trị thống nhất trên phạm vi toàn cầu.
Ủy ban giám sát cũng công bố kế hoạch kêu gọi quỹ tài trợ thứ hai cho WHO, trong đó nêu rõ tổ chức này cần khoảng 1,7 tỷ USD cho các hoạt động tới cuối năm nay, tức là hiện vẫn còn thiếu 1,3 tỷ USD.
Theo số liệu của trang mạng worldometers.info, thế giới ghi nhận hơn 4,8 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 317.000 ca tử vong vì dịch bệnh và Mỹ vẫn là nước có số bệnh nhân nhiều nhất thế giới với hơn 1,5 triệu ca mắc và hơn 91.000 ca tử vong.
Trước những lo ngại về nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai khi mở cửa trở lại nền kinh tế, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho biết nhà chức trách vẫn chưa nhận thấy xu hướng tăng mạnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại những nơi đang mở cửa trở lại, song cũng thận trọng cho rằng còn quá sớm để xác định các xu hướng như vậy.
Trong một diễn biến tích cực, Công ty Công nghệ sinh học Moderna, có trụ sở tại thành phố Boston (Mỹ), thông báo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một vaccine mRNA-1273 phòng bệnh COVID-19 cho thấy "nhiều hứa hẹn". Trong nghiên cứu giai đoạn một, người tham gia được tiêm vaccine 3 lần với liều lượng khác nhau.
Kết quả cho thấy mức độ tăng liều lượng dẫn tới việc tăng chất kháng nguyên, tức là khả năng tạo ra một phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Vaccine này cũng được xác định là an toàn và có khả năng dung nạp tốt. Công ty dự kiến đưa mRNA-1273 vào thử nghiệm giai đoạn hai từ tháng Bảy tới.
Tại châu Mỹ Latinh, dịch bệnh lây lan nhanh chóng đã khiến chính phủ các nước đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng dịch. Honduras đã gia hạn lệnh giới nghiêm thêm 1 tuần. Đây là lần thứ 8 Honduras gia hạn biện pháp này kể từ lần đầu triển khai thực hiện lệnh giới nghiêm hồi giữa tháng Ba vừa qua.
Bộ Nội vụ Ecuador thông báo mọi đối tượng nhập cảnh vào nước này phải xuất trình giấy xét nghiệm chứng minh âm tính được cấp trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và quy định có hiệu lực từ ngày 21/5. El Salvadore ban bố tình trạng khẩn cấp để mở rộng các biện pháp phòng dịch COVID-19.
Theo lệnh khẩn cấp có hiệu lực trong 1 tháng này, các trường học sẽ tiếp tục đóng cửa, hoạt động đi lại của người dân phải hạn chế trong khi cơ quan chính phủ được phép tăng các nguồn ngân cứu trợ trong tình huống khẩn cấp.
Tại châu Âu, Nga vẫn là điểm nóng dịch bệnh. Sáng 18/5 nước này ghi nhận thêm 8.926 trường hợp nhiễm mới virus đưa tổng số ca nhiễm ở LB Nga lên 290.678 trường hợp, đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc bệnh.
Đặc biệt, giới chức y tế Nga thông báo trường hợp một trẻ sơ sinh mắc bệnh COVID-19, chào đời tại thị trấn Beslan thuộc Bắc Ossetia và nhiễm virus từ người mẹ. Đây là trường hợp thứ ba trên thế giới mắc COVID-19 ngay từ khi lọt lòng.
Trong khi đó, ngoài sốt và ho kéo dài, giới chức y tế Anh đã bổ sung thêm triệu chứng mất khứu giác và vị giác vào danh sách các triệu chứng chính thức khi mắc bệnh COVID-19. Trước đó, giới chuyên gia cảnh báo nhiều ca mắc COVID-19 có thể bị bỏ sót nếu không có thêm các triệu chứng này trong khuyến cáo.
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ tiếp tục diễn biến phức tạp khi ngày 18/5 quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất, 5.242 ca. Tổng số ca nhiễm virus ở nước này đến nay là 96.169 người, trong khi số ca tử vong là 3.029 người. Ấn Độ đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 31/5 này sau thông báo trên.
Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng Ba và điều này đã gây tác động không nhỏ đến những người nghèo ở đất nước gồm 1,3 tỷ dân này với hàng triệu lao động nhập cư bị mất việc làm. Đây là lần thứ 3 Ấn Độ gia hạn lệnh phong tỏa.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 18/5 tại hội nghị trực tuyến đầu tiên của Hội đồng Y tế thế giới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với trọng tâm là dịch COVID-19, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cho rằng thế giới đang phải trả giá quá đắt vì nhiều nước đang phớt lờ các khuyến cáo của WHO trong cuộc chiến chống đại dịch.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, TTK LHQ đã nêu bật vai trò của WHO khi nhấn mạnh cơ quan có trụ sở ở Thụy Sĩ này là "không thể thay thế" và cho rằng WHO cần có thêm những nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển. Lãnh đạo các quốc gia thành viên cũng đã nêu bật vai trò của đoàn kết chống dịch COVID-19 và bày tỏ ủng hộ WHO.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định sẽ thúc đẩy một cuộc đánh giá độc lập về quy trình ứng phó với đại dịch của cơ quan này vào "thời điểm thích hợp sớm nhất".
Ông đồng thời kêu gọi các bên tham gia đánh giá một cách minh bạch và có trách nhiệm, ho rằng quá trình đánh giá cần hội tụ trách nhiệm của các bên tham gia một cách thiện chí.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận