Mỹ - Âu bàn về số phận Huawei
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien bắt đầu chuyến công du 3 ngày đến Pháp từ 13/7 để đối thoại với những người đồng cấp của Anh, Pháp, Đức và Ý về Trung Quốc và Huawei.
- "Sự tồn tại" chứ không phải doanh số là ưu tiên số 1 của Huawei
- Buộc phải giảm dần các dự án tham gia phát triển mạng 5G của Công ty Huawei tại Anh.
Trung tâm dịch vụ khách hàng của Công ty Huawei tại Berlin, Đức. Ảnh: VCG/CGTN
Ông John Ullyot, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết "ông O'Brien kỳ vọng sẽ có những cuộc họp kỹ lưỡng, chi tiết tại Paris tuần này với các đối tác từ Pháp, Anh, Đức và Ý để giải quyết một loạt các thách thức an ninh bao gồm Trung Quốc, mạng 5G, Nga, Afghanistan, Trung Đông/Bắc Phi và việc ứng phó/phục hồi sau dịch COVID-19".
Mỹ hối thúc châu Âu
Chuyến thăm của ông O’Brien diễn ra trong bối cảnh Mỹ liên tục gây sức ép với châu Âu, hối thúc châu lục này tẩy chay nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei, giữa lúc nhiều nước châu Âu đang triển khai xây dựng hạ tầng mạng di động thế hệ thứ năm (5G).
Theo trang Politico, riêng phần thảo luận của phía Mỹ về vấn đề Trung Quốc sẽ do phó cố vấn an ninh quốc gia Pottinger, từng là phóng viên thường trú tại Trung Quốc cho tờ Wall Street Journal, trình bày.
Theo lộ trình, sau khi tới Pháp sáng 13/7, ông O'Brien sẽ tham gia những cuộc họp song phương trong chiều cùng ngày. Sau đó, hai quan chức an ninh Mỹ sẽ dành hai ngày 14 và 15/7 để gặp một nhóm quan chức châu Âu. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng sẽ có cuộc gặp riêng với nhiều quan chức Chính phủ Pháp trong chuyến công tác.
Theo nhận định của bà Federica Russo - nhà nghiên cứu tại Hãng tư vấn Wikistrat (Mỹ), mặc dù chắc chắn chương trình nghị sự sẽ có nhiều nội dung khác nhau song trên tất cả sẽ là chủ đề bàn thảo về vai trò của Huawei và công nghệ 5G trong thời gian tới tại lục địa già châu Âu.
Cũng chỉ vài ngày gần đây, Công ty viễn thông Telecom Italia (TIM) của Ý đã quyết định loại Huawei khỏi các đối tác tham gia phát triển mạng 5G của TIM tại Ý, và có thể là cả ở Brazil, khi chỉ mời các công ty Cisco, Ericsson, Nokia, Mavenir và Affirmed Networks.
Tại Pháp, thay vì ban hành lệnh cấm hoàn toàn công nghệ 5G của Huawei, Cơ quan An ninh mạng quốc gia (ANSSI) khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tìm kiếm những giải pháp thay thế để hạn chế nguy cơ liên quan tới các nhà cung cấp không phải của châu Âu.
Trong khi đó tại Đức, một luật an ninh về công nghệ do chính phủ đề xuất có thể gây thêm nhiều trở ngại cho quan hệ hợp tác kinh doanh của Công ty viễn thông Deutsche Telekom.
Tờ báo Đức Handelsblatt tuần trước nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ đặc biệt giữa Deutsche Telekom và Huawei, theo đó có thể cho thấy công ty có trụ sở tại Bonn (Đức) sẽ lệ thuộc vào công nghệ 5G của Huawei.
Như vậy, trong nhận định của giới quan sát, EU có thể đóng vai trò như một nhân tố làm thay đổi cục diện trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự ủng hộ của EU với một trong hai bên lúc này chắc chắn sẽ có những tác động đáng kể tới bức tranh công nghệ chung toàn cầu sau đó.
Không muốn bàn thảo trực tuyến
Khi được hỏi tại sao ông O'Brien phải đích thân tới Pháp thay vì tiến hành hội họp trực tuyến, một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết việc tham gia trực tiếp khiến việc bàn thảo có sức nặng hơn.
"Không gì có thể thay thế được ngoại giao trực tiếp. Quý vị không thể làm chuyện này qua Skype", người này nói và nhắc tới ứng dụng nhắn tin, gọi điện qua Internet Skype.
Chuyến công du tới châu Âu lần này của ông O'Brien được giới quan sát chú ý bởi chỉ mới trong tháng trước, tại Phoenix, bang Arizona (Mỹ), ông O'Brien đã bày tỏ công khai lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Theo đó, cố vấn an ninh của ông Trump đã có một bài phát biểu chống Trung Quốc gay gắt trước một nhóm công chúng nhỏ bị giới hạn vì các yêu cầu giãn cách xã hội phòng dịch bệnh.
Ông O'Brien ủng hộ chiến lược cứng rắn hiện nay của Washington với Bắc Kinh, chỉ trích những cách tiếp cận vấn đề mở hơn của các chính quyền tiền nhiệm.
Trên thực tế, những quan điểm lên án gay gắt Trung Quốc của ông O'Brien tại sự kiện đó chỉ là "phát súng mở màn" cho một loạt những phát biểu sau này cùng chỉ trích Trung Quốc của các quan chức trong chính quyền ông Trump.
Trong những tuần sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Tư pháp William Barr và giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) Christopher Wray cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự.
Anh quyết định số phận Huawei tuần này
London đã cho thấy một sự thay đổi rất lớn trong chính sách. Ban đầu Anh đã cho phép Huawei được tham gia phát triển mạng 5G của nước này, nhưng hiện tại theo bà Federica Russo, Anh đang xem xét lại vai trò của Huawei và sẽ cân nhắc một lệnh cấm với thiết bị của hãng này.
Theo Hãng tin Reuters, phát biểu trên Đài BBC ngày 13/7, Bộ trưởng Tư pháp Anh Robert Buckland nói nước Anh sẽ đặt ưu tiên cao nhất về an ninh quốc gia khi xem xét vai trò của nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc trong lộ trình xây dựng, phát triển mạng 5G của nước này.
Tờ Financial Times cho biết dự kiến trong tuần này Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ công bố các kế hoạch dần loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G của Anh, sau khi đối mặt với sức ép căng thẳng từ các nghị sĩ Đảng Bảo thủ và của chính quyền ông Trump.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận