Quan hệ Việt - Nhật cần có những góc nhìn mới trong các hiệp định thương mại hiện đại
Trước ngưỡng cửa của các hiệp định thương mại thế hệ mới đang kéo theo những lợi thế đồng thời cũng là những vấn đề cần phải hoàn thiện trong hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đặc biệt là trong chuyển giao công nghệ để đảm bảo tối ưu hoá những lợi thế cho quan hệ này xứng tầm chiến lược toàn diện.
- Công nghệ quảng cáo mới và hiện đại đón đầu các hiệp định FTA
- Nhiều kỳ vọng từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)
Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, bối cảnh kinh tế mới tác động tới hợp tác công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; yêu cầu phải đổi mới để hai quốc gia có thể hưởng lợi nhiều hơn từ chuỗi giá trị toàn cầu và các Hiệp định thương mại từ do (FTA) trong khu vực.
Đồng thời, diễn đàn cũng là dịp để nhận định các vấn đề gây ảnh hưởng tới việc chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang khu vực sản xuất của Việt Nam. Quan trọng hơn là xác định, đề xuất các hướng đi mới, các thực tiễn tốt và khuyến nghị thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang khu vực sản xuất của Việt Nam một cách hiệu quả hơn.
Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, những năm qua đã có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Là một thành viên của nhiều FTA trong khu vực, Việt Nam và Nhật Bản đều kỳ vọng đạt được lợi ích chung trong việc phát triển năng lực sản xuất để nắm bắt cơ hội từ những thỏa thuận kinh tế đó.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhanh, tập trung nhiều trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và đóng góp ngày càng quan trọng vào xuất khẩu.
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy tỷ trọng của khu vực sản xuất trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không tăng trưởng đáng kể; giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế. Để giải quyết các vấn đề này, trong số những biện pháp cần có là nỗ lực hơn để thúc đẩy môi trường cho chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cũng cho biết, mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các dự án đầu tư trược tiếp nước ngoài (FDI) luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Nhiều năm qua, hợp tác với Nhật Bản luôn được Việt Nam chú trọng nhờ vào tính cạnh tranh và trình độ công nghệ hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Mặt khác, các nhà đầu tư của Nhật Bản vẫn dành nhiều quan tâm tới thị trường Việt Nam và các ngành công nghiệp ưu tiên tại Việt Nam.
Do đó, xây dựng kế hoạch hành động chung của Nhật Bản và Việt Nam để giải quyết các mối quan tâm chung trong thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang Việt Nam là cần thiết, đặc biệt trong trong lĩnh vực sản xuất.
Dưới góc nhìn của chuyên gia về kinh tế quốc tế, TS. Kiyohiro Oki, Đại học Tokyo đã nêu lên thực trạng và những thách thức trong chuyển giao công nghệ của Nhật Bản cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo ông Kiyohiro Oki, nguyên nhân khiến đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng tăng là do tiềm năng thị trường Việt Nam, kỳ vọng về thương mại tự do trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...
Ông Kiyohiro Oki cũng cho rằng, điểm mạnh của các công ty Nhật Bản trong ngành chế biến, chế tạo chính là năng lực tổ chức được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa bộ phận quản lý và người lao động ở các nhà máy.
Những đặc điểm nền tảng của một tổ chức như vậy dựa trên việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, trả lương cao và làm việc trọn đời. Bên cạnh đó, tại các công ty Nhật Bản, sự khác biệt về tiền công giữa bộ phận quản lý và bộ phận sản xuất là tương đối nhỏ.
Người lao động trong các nhà máy thường có ý thức rằng mình thuộc về công ty và sẽ làm việc lâu dài tại công ty, bởi họ có động lực để làm việc này. Từ đó, các hoạt động cải tiến được kích hoạt và theo đó hiệu suất lao động được cải thiện. Các hoạt động cải tiến của người lao động tại các nhà máy được coi là một trong những đặc trương của các hệ thống sản xuất của Nhật Bản.
Nhìn nhận những thách thức, khó khăn của các doanh nghiệp Nhật Bản trong tình hình mới, ông Kiyohiro Oki cho hay, hiệu suất các nhà máy của các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở các nước mới nổi đang giảm sút nghiêm trọng.
"Bên cạnh đó, sự thay đổi trong xã hội Nhật Bản đang tạo ra những thách thức mới. Đó là việc số người trẻ Nhật Bản ngày càng ít và thay đổi ý thức về lao động chân tay. Số lượng công nhân nhà máy sẵn sàng cống hiến cho tổ chức cũng ngày càng giảm"GS Kiyohiro Oki nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận