Chi phí 'phi chính thức' năm 2021 của doanh nghiệp còn hơn 41% nói lên điều gì?
Với mức giảm chi phí "phi chính thức" của các doanh nghiệp năm 2021 mới được VCCI công bố trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy hiệu quả của quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước qua đó tạo sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư về môi trường đầu tư ngày càng lành mạnh.
- BHXH trực tuyến trên Cổng DVCQG tiết kiệm 1,6 nghìn tỉ đồng chi phí xã hội
- Chi phí sản xuất tăng "chóng mặt" tại Trung Quốc khiến người tiêu dùng thiệt thòi
- Cơ cấu biểu giá điện mới có làm tăng chi phí khi sử dụng?
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhấn mạnh, đây là con số ấn tượng nhất bởi mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra rất căng thẳng, nghiêm trọng nhưng các chỉ số bình quân vẫn trên đà cao hơn báo cáo năm 2020. Con số này cũng nói lên thông điệp, các tỉnh đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Điều này cũng khẳng định, môi trường kinh doanh năm 2021 ở nhiều lĩnh vực đã có sự cải thiện đáng kể; thậm chí xu hướng cải cách diễn ra rất mạnh mẽ và chi phí phi chính thức mà doanh nghiệp thường phàn nàn đã tiếp tục giảm thiểu.
Trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn: Chi phí "phi chính thức" thể hiện mức giảm đều đặn qua từng năm.
“Qua điều tra gần 12.000 doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, năm 2015- 2016, cứ 10 doanh nghiệp, có tới 7 doanh nghiệp cho biết họ phải chi trả chi phí phi chính thức. Năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 41%. Con số thể hiện mức giảm rất đều đặn qua từng năm”, ông Tuấn nói.
Điều này thể hiện tính hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước cũng như những nỗ lực cải cách hành chính từ Trung ương tới địa phương đã phát huy tác dụng.
Và với đà cải cách này, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải cách mạnh hơn nữa và việc chi trả phi chính thức sẽ tiếp tục được giảm trong thời gian tới.
Một trong những điển hình và là gương sáng được vinh danh tại sự kiện công bố Báo cáo thường niên Chỉ số PCI 2021, chính là tỉnh Quảng Ninh với ngôi vị cao nhất là Quán quân trong bảng xếp hạng năm nay.
Ông Tuấn nêu, Quảng Ninh là địa phương đã thể hiện sự tích cực trong Chỉ số PCI 2021. Đây là địa phương năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu bảng PCI và năm thứ 9 liên tiếp nằm trong top cao của PCI.
Đây cũng là địa phương đi đầu trong sáng kiến về cải thiện môi trường kinh doanh, như mô hình một cửa, mô hình ban hỗ trợ đầu tư. Quảng Ninh rất nỗ lực trong việc huy động vốn đầu tư tư nhân vào đầu tư hạ tầng của địa phương.
“Ít có địa phương đạt được thành công trong thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng, từ đường cao tốc, cho đến cảng biển, sân bay như vậy. Tỉnh đã có cách tiếp cận rất thực chất, chẳng hạn như quan tâm tới nhà đầu tư thông qua tổ chăm sóc các nhà đầu tư, tìm giải pháp để nhà đầu tư đã vào Quảng Ninh là hài lòng, gặp thuận lợi (thay vì hội thảo hoành tráng). Tôi cho rằng đây là kinh nghiệm tốt cho các địa phương tại Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Với xu hướng giảm của chi phí "không chính thức" đang tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh.
Bên cạnh Quảng Ninh thì 2 đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại không có sự tăng trưởng mạnh về chỉ số PCI trong bảng xếp hạng năm 2021 do chịu tác động rất sâu từ dịch COVID-19.
Theo ông Tuấn, Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021 không bị giảm chỉ số PCI đã là một thành công rất lớn. Với cách tiếp cận bài bản, hệ thống, mong Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lấy lại đà vươn lên trong bảng chỉ số PCI.
Kết quả điều tra PCI năm 2021 còn cho thấy một số thủ tục hành chính vẫn đang gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Thủ tục trong các lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng là những lĩnh vực gây nhiều khó khăn nhất.
Trong đó, cảm nhận của doanh nghiệp về mức độ trở ngại khi tuân thủ thủ tục hành chính về thuế, phí và xây dựng trong năm 2021 cao hơn đáng kể so với năm 2020.
Nguyên nhân có thể là do các cơ quan chính quyền phải tập trung để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nên nguồn lực và năng lực bị phân tán trong thời gian dịch bệnh.
Theo ông Tuấn, cần tiếp tục giảm gánh nặng tuân thủ với các thủ tục kinh doanh có điều kiện. Cải cách điều kiện kinh doanh đã trở thành trọng tâm chính sách của Chính phủ liên tục từ năm 2018 trở lại đây và đã tiếp tục được nhấn mạnh trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Dù có những bước tiến, nhưng vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp chưa hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính này.
“Chỉ 38,9% doanh nghiệp không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 43,4% doanh nghiệp cho biết thời gian giải quyết thủ tục không kéo dài hơn so với quy định. Chỉ có 39,1% doanh nghiệp ghi nhận chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật. Những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Mặc dù còn nhiều thủ tục hành chính phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trên các lĩnh vực xây dựng, thuế phí, đất đai…, như đã nêu song ông Tuấn tin rằng nếu các địa phương biết cách cụ thể hóa kế hoạch để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh thì chỉ số PCI sẽ tiến bộ.
“Một trong những cách thức thay đổi chỉ số PCI là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Đánh giá một môi trường kinh doanh tốt không phải kế hoạch hoành tráng, mà phải bắt nguồn từ thủ tục hành chính cụ thể”, ông Tuấn khuyến nghị.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận