Chơi tiền ảo trả giá tiền thật: Hàng hóa hay kênh rửa tiền của tội phạm công nghệ
Tiền ảo, tiền kỹ thuật số ra đời ở thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 đang ngày càng khẳng định vị thế là phương tiện thanh toán cho xã hội số, tuy nhiên việc áp dụng các quy định này vẫn không có sự thống nhất ở các quốc gia bởi lo ngại về khả năng kiểm soát dẫn đến tiềm ẩn về kênh rửa tiền cho tội phạm mạng.
- Chơi tiền ảo 'trả giá' bằng tiền thật: Nhà đầu tư bị 'lóa mắt' bởi lợi nhuận 'khủng'
- Chơi tiền ảo trả giá bằng tiền thật: Giá quá đắt cho mặt hàng 'vô hình'
- Chơi tiền ảo nhưng trả giá bằng tiền thật: Hệ quả đã được cảnh báo trước
Những phản ứng trái chiều ở mỗi quốc gia
Trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý trên thế giới đã nhanh chóng vào cuộc và có các biện pháp siết chặt quản lý tiền ảo theo các cách khác nhau. Phản ứng của các chính phủ đối với tiền kỹ thuật số là những động thái trái chiều.
Một số quốc gia ban hành lệnh cấm toàn diện, trong khi một số quốc gia khác đang thảo luận và có thể tiến tới áp đặt các khung quy định nhằm quản lý "dòng chảy" của các đồng tiền kỹ thuật số. Một số Ngân hàng Trung ương thì hướng tới việc tạo lập đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ...
Tiền ảo được xem như là kênh thanh toán an toàn và hiệu quả cho xã hội số trong tương lai.
Năm 2018, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với các giao dịch tiền kỹ thuật số. Nhưng vào năm 2020, Tòa án Tối cao nước này đã ra lệnh hủy lệnh cấm với lý do lệnh cấm đó là vi hiến.
Mới đây, Hạ viện Ấn Độ công bố "Dự luật Tiền số và Quy định quản lý Tiền số chính thức" để tạo ra khung chính sách hỗ trợ tiền số chính thức do Ngân hàng Trung ương Ấn Độ phát hành.
Bên cạnh đó, dự luật cũng sẽ cấm tất cả các loại tiền số tư nhân tại Ấn Độ, song sẽ có ngoại lệ để khuyến khích công nghệ nền tảng của tiền số và ứng dụng của nền tảng này.
Trong một nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường giao dịch kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, Chính phủ nước này đã cấm các thể chế tài chính và các công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến các giao dịch tiền kỹ thuật số, cảnh báo giới đầu tư với hoạt động giao dịch tiền ảo mang tính đầu cơ.
Theo đó, Trung Quốc cảnh báo giá của các đồng tiền điện tử dễ dàng bị thao túng và các hợp đồng giao dịch không được luật pháp Trung Quốc bảo vệ. Đây không phải là lần đầu Trung Quốc có những động thái chống lại tiền kỹ thuật số.
Năm 2017, Trung Quốc đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số trong nước, "khai tử" một thị trường từng chiếm đến 90% hoạt động giao dịch Bitcoin toàn cầu.
Tiền ảo có thể thành phương tiện để rửa tiền
Trái ngược với quan điểm một số nền kinh tế không ủng hộ đồng tiền kỹ thuật số, cũng có những nền kinh tế thừa nhận tính hợp pháp cũng như có nền kinh tế đang triển khai để hợp pháp hóa loại tiền này.
Với 62 phiếu thuận trên tổng số 84 phiếu, ngày 9/6 Quốc hội El Salvador đã thông qua đề xuất của Tổng thống Nayib Bukele về việc chấp nhận Bitcoin trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp tại quốc gia này. Điều này đồng nghĩa với việc, El Salvador là quốc gia có chủ quyền đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin.
Tổng thống Bukele khẳng định việc áp dụng tiền kỹ thuật số sẽ mang lại nguồn tài chính, đầu tư, du lịch, đổi mới và phát triển kinh tế toàn diện cho đất nước Trung Mỹ này.
Theo ông, Bitcoin là cách nhanh nhất để chuyển hàng tỷ USD kiều hối về El Salvador mà không bị thất thoát hàng triệu USD cho các bên trung gian.
Nhưng cũng được xem là kênh rửa tiền mà tội phạm mạng ưa thích sử dụng khiến các quốc gia có những phản ứng trái chiều.
Ở một góc nhìn khác là cách tiếp cận tự do hơn của Hàn Quốc. Nước này vào năm 2020 đã ban hành bộ luật để điều chỉnh và hợp pháp hóa các đồng tiền kỹ thuật số và các hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số.
Kể từ tháng 1/2018, người Hàn Quốc cũng có thể giao dịch tiền kỹ thuật số bằng cách sử dụng tài khoản ngân hàng được liên kết với tên thật của họ.
Indonesia cũng là một trong những quốc gia cho phép người dân giao dịch tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum. Từ tháng 10/2018, giao dịch tiền kỹ thuật số và các hợp đồng tương lai của đồng tiền này là hợp pháp ở Indonesia, dựa theo các quy định do Ủy ban Giám sát Sàn giao dịch Tương lai (Bappebti) ban hành.
Từ năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã công nhận tiền kỹ thuật số là một công cụ tài chính và cho phép thành lập các sàn giao dịch tiền điện tử ở nước này, đồng thời xây dựng khung pháp lý về tiền kỹ thuật số.
Hiệp hội các sàn giao dịch tiền điện tử Nhật Bản (JVCEA) bao gồm một số nhà điều hành sàn giao dịch lớn nhất ở Nhật Bản đã được thành lập năm 2018, nhằm đưa ra các quy định giúp quản lý tài sản của nhà đầu tư hiệu quả và an toàn hơn, ví dụ như giới hạn về lượng tiền mã hóa mà sàn giao dịch được quản lý trực tuyến.
Các chuyên gia cho rằng, những sàn giao dịch tiền kỹ thuật số có tên tuổi và được chính quyền cấp phép đã tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, giúp mở rộng khả năng tiếp cận tiền điện tử cho tất cả mọi người.
Nguồn vốn đầu tư mới có thể được sử dụng để cung cấp thêm các sản phẩm tài chính và góp phần đưa thị trường tiền điện tử trở nên hữu ích hơn.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm cùng những dữ liệu phân tích quan trọng của các công ty công nghệ có thể tạo ra những đóng góp có ý nghĩa cho các chương trình nghiên cứu về tài chính và tài sản kỹ thuật số của các nhà hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, ngay cả khi các chính phủ dường như sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận tiền kỹ thuật số, thì cũng có những mối lo ngại rằng các loại tiền kỹ thuật số không do các Ngân hàng Trung ương phát hành có thể được sử dụng vào mục đích rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Trước việc hàng loạt quan chức, từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde lên tiếng cảnh báo việc sử dụng Bitcoin trong các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động phi pháp khác, rủi ro pháp lý đối với tiền số sẽ còn kéo dài.
Một dự luật chống rửa tiền gần đây của Chính phủ Mỹ yêu cầu những người sở hữu tiền kỹ thuật số phải xác minh danh tính nếu thực hiện giao dịch từ 3.000 USD trở lên.
Các chuyên gia công nghệ tài chính khuyến nghị quy định cấm tiền ảo về cơ bản là bất khả thi. Về mặt kỹ thuật, không có cách nào ngăn chặn hoặc truy vết trực tuyến các giao dịch tiền ảo khi chúng hoạt động trên nền tảng công nghệ blockchain (chuỗi khối). Cách duy nhất để cấm sở hữu hay giao dịch các tài sản tiền ảo là ngắt mạng Internet.
Giám đốc của sàn giao dịch Coinswitch Sharan Nair chỉ ra rằng, các quốc gia ban hành lệnh cấm tiền ảo đều chứng kiến thị trường ngầm bùng nổ và sự phát triển của các giao dịch "chợ đen" sẽ càng khó kiểm soát hơn.
Một số chuyên gia khác cho rằng các những quốc gia "kém cởi mở" với đồng tiền kỹ thuật số sẽ đi lùi so với những nước khác bởi tiền điện tử sẽ ngày càng phổ biến, các công ty fintech có thể vì thế mà di chuyển sang thị trường khác.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận