Cổ phiếu TMS lao dốc sau thông tin công ty liên quan đến Chủ tịch muốn thoái hết vốn
Sau 1 tuần tăng giá mạnh hơn 32% thị giá (từ 28.660 đồng lên 38.000 đồng), diễn biến bán ra thị phần các công ty liên quan đến Chủ tịch đã khiến cổ phiếu TMS của CTCP Transimex (HOSE: TMS) quay đầu giảm mạnh trong nửa đầu phiên sáng ngày 21/12
Sau động thái chuyển giao vốn của TMS từ Casco Investments Limited cho Tập đoàn logistics đến từ Nhật Bản, loạt đơn vị liên quan đến Chủ tịch TMS đang muốn rút khỏi công ty này...
Ảnh minh họa.
Cụ thể, CTCP Đầu tư Vina vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 5,72 triệu cổ phiếu TMS từ ngày 31/12/2020 - 20/1/2021. Nếu giao dịch thành công, đơn vị này sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu nào (hiện đang sở hữu 8% vốn tại TMS) và chính thức rút chân khỏi danh sách cổ đông lớn tại đây.
Với thị giá 37.000 đồng (10h25 ngày 21/12), dự kiến Đầu tư Vina sẽ thu về gần 213 tỉ đồng từ thương vụ.
Được biết, ông Bùi Tuấn Ngọc - Chủ tịch TMS, hiện đang nắm giữ chức Chủ tịch tại Đầu tư Vina; ông Bùi Minh Tuấn - Thành viên HĐQT TMS đồng thời cũng là Tổng Giám đốc tại Đầu tư Vina.
Ngoài ra, một Công ty khác mà ông Ngọc giữ chức Chủ tịch là CTCP Đầu tư Toàn Việt cũng đã đăng ký thoái hơn 2 triệu cổ phiếu từ ngày 17/12/2020 - 15/1/2021 để giảm tỷ lệ sở hữu từ 5% xuống 2,28% (hơn 1,6 triệu cổ phiếu).
Trước đó, đơn vị này cũng đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu nhưng chỉ hoàn tất bán được 58% tổng lượng đăng ký, tương đương gần 1,2 triệu đơn vị do diễn biến giá chưa phù hợp.
Ở chiều ngược lại, vợ của ông Bùi Minh Tuấn - bà Hoàng Thị Mỹ Quyên lại đăng ký mua vào 300.000 cổ phiếu TMS từ ngày 23/12/2020 - 21/1/2020 để nâng sở hữu lên 441.354 cổ phiếu (tỷ lệ 0,62%).
Trước đó, trong ngày 14/12, Casco Investments Limited đã chính thúc rút chân khỏi TMS khi bán sạch cổ phần sở hữu (hơn 17,2 triệu cổ phiếu) tại doanh nghiệp này. Bên mua chủ chốt trong thương vụ lần này là CTCP Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam.
Được biết, Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Ryobi Holding, được thành lập từ tháng 9/2014 với ngành nghề chính là dịch vụ kho bãi.
Công ty định hướng tập trung mở rộng chuỗi kho lạnh ở các nước khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Động thái thâu tóm TMS cho thấy mong muốn đẩy nhanh các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua con đường M&A của tập đoàn logistics đến từ Nhật Bản.
Về phần Transimex, công ty này được thành lập vào năm 1983, tiền thân là Công ty Kho vận Giao nhận Ngoại thương (Transimex). Đến năm 2000, Transimex chính thức chuyển thành CTCP và tháng 8 năm này cũng giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE.
Công ty chuyên hoạt động là đại lý giao nhận và vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu, công cộng bằng đường biển, hàng không và đường bộ; cung cấp dịch vụ ngoại quan, kho CFS, kho ICD; kinh doanh kho bãi, xếp, dỡ, lưu giữ hàng hoá xuất nhập khẩu trung chuyển; đại lý tàu biển và môi giới hàng hải trong và ngoài nước; cung cấp dịch vụ kinh doanh hàng hoá quá cảnh và chuyển tải hàng hoá qua Campuchia, Lào, Trung Quốc... Hệ thống Transimex hiện gồm 6 công ty con và 7 công ty liên kết.
Transimex hiện có cảng ICD tại Thủ Đức, TP. HCM, Trung tâm Logistic tại Đà Nẵng, Thăng Long, TP. HCM, Trung tâm phân phối tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Bình Dương, văn phòng cho thuê...
Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, TMS ghi nhận doanh thu thuần tăng 29%, lên gần 2,291 tỉ đồng và lãi ròng tăng 38%, đạt 221 tỉ đồng.
Trong năm 2020, TMS dự kiến đem về 2.279 tỉ đồng doanh thu thuần (giảm 3%) và 368 tỉ đồng lãi trước thuế (tăng 44% so với thực hiện năm trước). Như vậy, khép lại III quý đầu năm, TMS đã thực hiện được 71% kế hoạch lãi trước thuế và hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2020.
Tổng tài sản tính đến 30/9/2020 đạt 3.820 tỉ đồng trong đó tài sản ngắn hạn đạt 1.305 tỷ (hơn 477 tỷ tiền, tiền gửi) và 2.515 tỷ tài sản dài hạn; Nợ Transimex vào mức 1.515 tỉ đồng với nợ vay chiếm 885 tỉ đồng; Vốn chủ sở hữu vào mức 2.305 tỉ đồng với thặng dư hơn 286 tỉ đồng.
Không chỉ thanh khoản vốn tương đối tốt, tình hình kinh doanh của Transimex nhiều năm liền tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, năm 2017 doanh thu Công ty tăng đột biến lên mặt bằng mới, chủ yếu nhờ đóng góp từ Cảng ICD Transimex, Phòng Dịch vụ đại lý Dongjin, Phòng Hợp tác đại lý.
Trên thị trường, sau 1 tuần tăng giá mạnh hơn 32% thị giá (từ 28.660 đồng lên 38.000 đồng), diễn biến bán ra thị phần các công ty liên quan đến Chủ tịch đã khiến cổ phiếu TMS quay đầu giảm mạnh trong nửa đầu phiên sáng ngày 21/12. Tại thời điểm 10h48, mã đang giảm 5% về mức 36.100 đồng cùng khớp lệnh gần 43.000 đơn vị.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận