Đánh thuế nền kinh tế số là đánh vào đối tượng kinh doanh nào?
Việt Nam là một trong 135 quốc gia đang trong quá trình đàm phán các quyền đánh thuế trong thời đại số đặt ra vấn đề cần được xem xét đối tượng các hoạt động kinh doanh trong không gian vô hình như không gian số.
- Bước đột phá trong phát triển kinh tế thời đại 4.0 ở Việt Nam
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Số hoá là trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới'
- FCV 2019: Số hoá ngân hàng hướng đến mục tiêu tăng khả năng tiếp cận của người dùng
Tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển 2019 với chủ đề: “Hướng tới một hệ thống thuế công bằng", Liên minh công bằng thuế Việt Nam và Oxfam công bố hai báo cáo nghiên cứu là Báo cáo Chi tiêu thuế ở Việt Nam, trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp; Xây dựng Báo cáo chi tiêu qua thuế - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, một hệ thống thuế hoạt động hiệu quả và chi tiêu công phù hợp cho các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục là nền tảng cho việc thu hẹp bất bình đẳng và xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy việc thiết kế các sắc thuế đánh vào đâu và đánh bao nhiêu không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về kinh tế mà còn có cả ý nghĩa về chính trị.
Theo ông Johan Langerock chuyên gia thuế, Tổ chức Oxfam, Việt Nam là một trong 135 quốc gia trong quá trình đàm phán các quyền đánh thuế trong thời đại số.
Theo các quy định hiện hành, nhà nước chỉ có thể đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đã đăng ký hoặc có cơ sở thường trú thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ. Một doanh nghiệp có sơ sở thường trú là doanh nghiệp có sự hiện diện một cách hữu hình tại một quốc gia.
Đối với nền kinh tế số, một doanh nghiệp có thể có dòng doanh thu lớn từ các hoạt động trong không gian vô hình như không gian số. Do đó, các “cơ sở thường trú” cần phải được xem xét lại để phản ánh các hoạt động kinh tế số.
Vị chuyên gia thuế của Oxfam thông tin, hiện tại, các khoản thu nhập được phân bố dựa trên nguồn phát hoặc hoạt động kinh tế làm phát sinh doanh thu. Tuy nhiên vẫn chưa có các phương thức để ghi nhận doanh thu dựa trên không gian nơi mà hàng hóa và dịch vụ đó được tiêu thụ hoặc doanh thu tạo ra bởi người dùng số.
Phát biểu dưới góc nhìn chuyên gia thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, ông rất đồng quan điểm với chuyên giá thuế tới từ Oxfam.
Theo ông Phụng phải giành quyền thu thuế đối với các công ty nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam mà không đóng thuế. Để làm được điều này, cần rà soát lại các hiệp định thuế và thay đổi thuật ngữ về cơ sở thường trú.
Cần phải quan niệm lại, thậm chí là sửa các điều khoản hiệp định liên quan đến nhận diện về cơ sở thường trú, bởi theo quy định hiện tại, cơ quan thuế chỉ có quyền đánh thuế đối với các công ty nước ngoài nếu như họ có hiện diện cơ sở thường trú ở Việt Nam, vị chuyên gia tới từ Tổng cục Thuế thông tin.
Ông Phụng cho biết, hiện nay có quy định về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan thuế có quyền chặn thuế nhà đầu tư nước ngoài và thuế khấu trừ tại nguồn, nhưng các công ty đa quốc gia có nhiều cách khác nhau để đẩy khoản thuế lẽ ra phải đóng sang cho chính các đối tác là doanh nghiệp Việt Nam.
Cho nên vừa qua, Luật Quản lý thuế có quy định, yêu cầu các công ty nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam phải trực tiếp khai thuế, hoặc ủy nhiệm người khác khai thuế.
Đến nay, Luật Quản lý thuế đang được chuẩn bị hướng dẫn và yêu cầu đặt ra là phải hướng dẫn như thế nào để “buộc” được các doanh nghiệp này với cơ quan quản lý.
“Chúng tôi đang tích cực cùng với Bộ TT&TT, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phối hợp thực hiện việc thu thuế các công ty nước ngoài có doanh thu tại Việt Nam. Theo đó, việc quản lý nhà nước về thông tin thì Bộ TT&TT vào cuộc, còn Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi dòng tiền”, ông Phụng chia sẻ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận