Dự báo chứng khoán tuần tới: VN-Index 'vượt khó' tại đỉnh cũ
Dự báo chứng khoán tuần tới (11 - 15/10), điểm số đi lên cùng với dòng tiền gia tăng được giới phân tích từ công ty chứng khoán nhận định là tín hiệu lạc quan, củng cố cho nhịp tăng để có thể vượt đỉnh tháng 8 (mốc 1.380 điểm).
- Dự báo chứng khoán tuần tới: "Chinh phục" mức kháng cự mới
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Bước vào chu kỳ tăng mới
- Chứng khoán tháng 10 sẽ đi vào vùng chốt lời?
Tuần qua (từ 4 - 8/10), VN-Index đã chính thức vượt ngưỡng tâm lý 1.350 điểm nhờ sự đồng thuận tăng trưởng của hầu hết các nhóm ngành chính, quan trọng trên thị trường.
*Mở ra dư địa tăng trưởng
Dự báo chứng khoán tuần tới (11 - 15/10), theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường đã có trọn 1 tuần tăng khá mạnh và cắt mạch giảm 2 tuần liên tiếp. Dù thanh khoản vẫn ở mức thấp nhưng đã tăng so với tuần trước đó như là tín hiệu củng cố cho nhịp tăng vượt đỉnh tháng 8 (1.380 điểm).
Nhóm bluechips là cổ phiếu được phát hành bởi những công ty có vốn hóa lớn và có uy tín hàng đầu trên thị trường đã ổn định trở lại và tích cực hơn trong tuần vừa qua là điểm đáng chú ý, trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ gặp áp lực chốt lời khi quay lại đỉnh cũ.
Dự báo chứng khoán tuần tới ghi nhận những tín hiệu lạc quan để có thể chấm dứt chuỗi giảm 2 tuần liên tiếp.
Kết quả kinh doanh quý III/2021 đang dần lộ diện có thể khiến thị trường phân hóa mạnh mẽ với lợi thế nghiêng về các cổ phiếu đầu ngành, MBS nêu quan điểm.
Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), dù thanh khoản có cải thiện so với tuần trước đó, nhưng đây vẫn là tuần thứ hai liên tiếp thanh khoản ở dưới mức trung bình 20 tuần.
Điều này cho thấy, tâm lý trên thị trường vẫn còn sự thận trọng nhất định và một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát. Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng với hơn 1.000 tỉ đồng trên hai sàn tiếp tục là điểm tiêu cực.
Trên góc nhìn kỹ thuật, với việc kết tuần trên ngưỡng tâm lý 1.350 điểm thì VN-Index đã mở ra dư địa tăng tiếp theo, với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng từ 1.375-1.380 điểm và nếu như có thể vượt qua vùng này chỉ số có thể hướng đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán quay trở lại thì VN-Index có khả năng sẽ test lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm.
Các chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) có góc nhìn về dòng tiền tích cực hơn khi cho rằng, VN-Index đã ghi nhận tuần giao dịch với nhiều diễn biến rất tích cực, cụ thể là mức tăng ấn tượng của chỉ số, cùng thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ rệt so với tuần trước đó.
Lực cầu mạnh dồn vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, VNM, VIC... vừa góp phần cải thiện thanh khoản thị trường vừa dẫn dắt đà tăng của chỉ số chung. Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí cũng ghi nhận xu hướng tăng khả quan và giúp sắc xanh lan tỏa trên bình diện toàn thị trường.
VN-Index tăng cả tuần qua và vượt qua nhiều ngưỡng kháng cự quan trọng. Tâm lý giao dịch của nhà đầu tư nhìn chung cũng đã trở nên lạc quan hơn đáng kể so với giai đoạn trước đây, thể hiện qua khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên VCBS cho rằng, lực cung chốt lời ngắn hạn cũng có dấu hiệu gia tăng khi chỉ số tiến vào vùng kháng cự 1.370 - 1.380 điểm khiến cho đà tăng của chỉ số giảm tốc phần nào và biên độ dao động cũng có phần thu hẹp trong những phiên cuối tuần.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 37,84 điểm lên 1.372,73 điểm; HNX-Index tăng 15,43 điểm lên 371,92 điểm. Thanh khoản trong tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng 22.559 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Theo thống kê của SHS, tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 3,8% lên 99.572 tỉ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,7% lên 3.356 triệu cổ phiếu; trong khi giá trị giao dịch trên HNX giảm 10,9% xuống 13.226 tỉ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 12,9% xuống 609 triệu cổ phiếu.
Tất cả các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng trong tuần qua. Nhóm công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 6,5% giá trị vốn hóa, nhờ các cổ phiếu trụ cột như: CMG tăng 6,1%, FPT tăng 6,5%...
Nhóm tiện ích cộng đồng cũng tăng 6,5% trong tuần qua, với các cổ phiếu như: POW tăng 2%, GAS tăng 8,6%... Ngành công nghiệp tăng 3,7% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu như: NCT tăng 2,6%, GEX tăng 4,3%, CTD tăng 4,5%, GMD tăng 5,1%, REE tăng 7%, PHP tăng 9,3%.
Ngành nguyên vật liệu tăng 3,6% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu trụ cột trong ngành như: HSG tăng 1,9%, HPG tăng 4,3%, NKG tăng 7,7%.
Nhóm tài chính tăng 3,6% giá trị vốn hóa, nhờ sự phục hồi của các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản như VIC tăng 1,8%, NVL tăng 2,5%, VHM tăng 3,8%...; các cổ phiếu ngành chứng khoán như: VND tăng 3,6%, MBS tăng 4,1%, SSI tăng 4,2%, SHS tăng 5,1%, VCI tăng 6,6%, FTS tăng 13,3%...; cổ phiếu ngành bảo hiểm như: BMI tăng 1,1%, BVH tăng 5,7%, MIG tăng 6,2%...
Các ngành còn lại đều có mức tăng như dầu khí tăng 2,7% giá trị vốn hóa, hàng tiêu dùng tăng 2,4%, dịch vụ tiêu dùng tăng 2%, ngân hàng tăng 1,3%, dược phẩm và y tế tăng 0,4%.
Vượt "chướng ngại vật" thị trường thế giới đi lên
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong tuần qua là khá tương đồng với các thị trường chứng khoán trên thế giới. Tuy nhiên, trong những tuần tới, thị trường chứng khoán thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động khi các nhà đầu tư lo lắng về mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sắp tới và những quan về diễn biến lạm phát.
Tuần qua, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều tăng điểm, khi Mỹ tạm thời đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ. Nhưng những diễn biến tiếp theo trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ gây ra nhiều "đợt sóng" mới cho thị trường.
Dự báo chứng khoán tuần tới sẽ là xu thế tăng nhờ vào Mỹ "lách qua khe cửa hẹp" trần nợ công.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần nhưng đã phục hồi với đà tăng kéo dài trong cả ba phiên sau đó, khi chính giới Mỹ tạm thời giải quyết được bất đồng để tránh nguy cơ xảy ra một vụ vỡ nợ "thảm khốc".
Đến phiên ngày 8/10, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall lại đồng loạt giảm điểm sau số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng Chín đã yếu hơn kỳ vọng.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 0,03% xuống 34.746,25 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 để mất 0,19% xuống 4.391,35 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq cũng lùi 0,51% điểm xuống 14.579,54 điểm.
Tuy nhiên, cả ba chỉ số trên đều tăng điểm khi tính chung cả tuần. Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 0,8%, chỉ số Dow Jones tăng 1,2% và chỉ số Nasdaq tiến thêm 0,1%.
Chuyên gia Art Hogan dự báo thị trường có thể sẽ có nhiều biến động trong những tuần tới, khi Fed dự kiến sẽ sớm thu hẹp quy mô chương trình kích thích kinh tế và các nhà đầu tư lo lắng về mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sắp tới.
Bên cạnh đó theo các chuyên gia, diễn biến lạm phát đã trở lại như một mối quan ngại hàng đầu đối với các nhà đầu tư, khi giá tiêu dùng gia tăng.
Tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán lên điểm trong phiên 8/10 theo xu hướng chung trên toàn cầu. Các thị trường Tokyo, Hong Kong, Sydney, Singapore, Mumbai, Bangkok và Jakarta đều phục hồi. Tuy nhiên, thị trường Seoul, Wellington, Manila và Taipei giảm.
Thị trường Thượng Hải cũng đi lên trong phiên giao dịch đầu tiên kể từ ngày 30/9, khi các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình của tập đoàn bất động sản Evergrande đang gánh số nợ trên 300 tỉ USD.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đi lên cũng phần nào làm giảm bớt những lo ngại sau khi kết thúc kỳ nghỉ kéo dài một tuần ở nước này, trong khi các nhà đầu tư đang theo dõi tình hình cuộc khủng hoảng của Evergrande.
Chốt phiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,7%, lên 3.592,17 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,6%, lên 24.837,85 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo tăng 1,3%, lên 28.048,94 điểm. Chỉ số Kopsi của Hàn Quốc giảm 0,11%, xuống 2.956,3 điểm.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận