Giao dịch online mùa COVID-19 - Một "mũi tên" trúng 2 đích
Diễn biến dịch COVID-19 những ngày gần đây đang trở nên phức tạp cùng với đó là những chính sách hỗ trở từ các nhà quản lý đã hướng người dùng chuyển từ tiền mặt sang các giao dịch online và đây cũng là mục tiêu hướng tới của nền kinh tế số.
- Nền tảng online của TGDĐ hút gần 50 triệu lượt truy cập mỗi tháng
- Giao dịch trực tuyến khẳng định vai trò của công nghệ trong mùa dịch COVID-19
- Các NHTM tăng cường giao dịch trực tuyến để phòng dịch COVID-19
ATM không còn là lựa chọn hàng đầu
Nhiều người dân vốn có thói quen rút tiền mặt từ các cây ATM để chi tiêu, gần đây đã trở nên e dè hơn. Bởi lẽ, ATM là một trong những nơi có nhiều người tiếp xúc hàng ngày nhưng dường như lại ít được vệ sinh nên bám đầy bụi bẩn, tiềm ẩn nguy cơ cao lây, truyền dịch bệnh.
Do vậy, giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, người dân đã chủ động tìm đến các kênh thanh toán trực tuyến nhằm giảm nguy cơ lây, truyền cho bản thân và cộng đồng.
Những giao dịch tại quầy hoặc ATM đang tiềm ẩn những nguy cơ về dịch rất lớn.
Vẫn giữ thói quen đi siêu thị mua đồ cho cả tuần vào mỗi thứ bảy, nhưng nay, chị Lan Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) thay vì rút tiền mặt tại ATM để chi tiêu thì đã lựa chọn phương thức khác: "Thường trước khi đi chợ, tôi sẽ ra ATM rút tiền, nhưng từ ngày dịch COVID-19 lan rộng, lại thêm ATM cáu bẩn như chẳng có người vệ sinh bao giờ nên sợ lây bệnh, tôi chuyển sang dùng các ví điện tử hoặc ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng".
"Nhiều siêu thị và cửa hàng tiện ích đều cho phép thanh toán bằng các ví điện tử như VinID, Momo, ZaloPay... hoặc ứng dụng quét mã QRPay của các ngân hàng nên rất tiện lợi khi đi mua sắm, thậm chí có thể ngồi nhà chọn đồ rồi thanh toán và siêu thị sẽ giao hàng tại nhà, vừa hạn chế tiếp xúc nơi đông người lại tránh hẳn được việc dùng tiền mặt có nguy cơ lây truyền nhiều bệnh", chị Lan Anh chia sẻ.
Theo bà Mai Lan Vân, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần VinID, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, riêng tính năng Scan&Go (tính năng quét mã mua hàng tại các siêu thị Vinmart, Vinmart+) của ứng dụng VinID đã ghi nhận số đơn hàng tăng gấp 15 lần so với lúc cao điểm trước đó, tỷ lệ mua sắm trực tuyến cũng tăng gấp 3 lần so với bình thường.
Đại diện ứng dụng này cũng cho hay, VinID khuyến khích khách hàng sử dụng hình thức thanh toán quét mã trên ví điện tử để hạn chế tiếp xúc tối đa. Đây cũng là hình thức thanh toán đang rất phổ biến trên thế giới và đã được VinID phát triển để thân thiện và dễ sử dụng với người Việt.
Ngoài tiện ích trong mua sắm, những ứng dụng trực tuyến còn là trợ thủ đắc lực cho người dùng trong nhiều hoạt động thanh toán thường ngày.
Chị Thu Huyền (công nhân tại Đông Anh, Hà Nội) cho biết, từ ngày cài và dùng Mobile Banking, các hóa đơn tiền điện, nước, truyền hình cáp... chỉ mất vài phút là thanh toán xong mà không phải đi rút tiền rồi lại ra các điểm thu hộ để nộp. Lỡ có quên thì ứng dụng sẽ có thông báo nhắc nhở chứ không lo bị cắt điện, cắt nước như trước.
"Nhất là bây giờ khi dịch bệnh lan rộng, càng hạn chế tiếp xúc nơi công cộng, các ATM đông người sử dụng, các điểm thu hộ phải xếp hàng dài mỗi kỳ đóng tiền điện, nước... sẽ càng an toàn cho bản thân và những người xung quanh", chị Huyền nói thêm.
Khảo sát tại nhiều điểm đặt máy ATM ở Hà Nội, tình trạng chung của các máy này hiện nay là những vết cáu bẩn, bụi bám lâu ngày ít được vệ sinh trên mặt bàn phím, khe cắm thẻ và cả tay nắm cửa ra vào. Thậm chí, dưới sàn, nhiều giấy rác và cả khẩu trang đã qua sử dụng cũng bị vứt bừa bãi dù có thùng rác hoặc khay đựng phiếu giao dịch ngay cạnh.
Theo nhiều người dùng, ngoài việc thường xuyên duy trì bảo dưỡng để ATM vận hành trơn tru, các ngân hàng cần tăng cường hơn nữa việc vệ sinh các bề mặt tiếp xúc vừa nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ vừa tránh nguy cơ lây, nhiễm nhiều bệnh từ những vết cáu bẩn như vậy.
Trong khi đó, các ứng dụng Mobile Banking của nhiều ngân hàng hay các ví điện tử đã dần trở nên quen thuộc với người dân nhờ việc cài đặt dễ dàng, cung cấp nhiều tiện ích cơ bản từ thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet... cho tới tiện ích mua sắm, đi siêu thị từ xa, voucher quán ăn, nhà hàng... như trên Momo, ZaloPay, ViettelPay; thậm chí còn mua được cả vé xem ca nhạc, bóng đá... như trên ví điện tử VinID thì không khó để hiểu vì sao thanh toán online lại được "chuộng" đến như vậy.
Người dùng hưởng lợi từ việc giảm phí
Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là một trong số những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Bằng động thái miễn, giảm phí cho các giao dịch giá trị nhỏ, nhiều ngân hàng và tổ chức thanh toán đã khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch trên kênh điện tử để hạn chế giao dịch tiền mặt và tiếp xúc cây ATM.
Tiện ích cùng với chính sách phí mới đang kéo người dùng đến gần hơn với các giao dịch online.
Thống kê từ Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, đã có 32/45 ngân hàng thành viên của NAPAS thực hiện miễn hoặc giảm phí cho các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị từ 500.000 đồng trở xuống.
Theo đó, nhiều ngân hàng thực hiện miễn phí các giao dịch cả trong nội bộ và liên ngân hàng qua kênh điện tử (Internet Banking, Mobile Banking...) như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)...
Mới đây nhất, NAPAS đã thông báo sẽ giảm 50% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng - 2.000.000 đồng từ ngày 25/3 đến hết ngày 31/12.
Đồng thời, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của tổ chức tín dụng từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2020.
Đây là tiền đề để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục điều chỉnh miễn hoặc giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các khoản giao dịch dưới 2 triệu đồng.
Ngoài giải pháp từ ngành ngân hàng, để khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, giới chuyên gia còn đề xuất doanh nghiệp phân phối cũng như các trung gian thanh toán như ví điện tử cần đưa ra các hình thức khuyến mãi, giảm giá nếu khách hàng sử dụng phương thức thanh toán này; tích hợp thêm nhiều tiện ích trên cùng một ứng dụng.
Đồng thời, việc thiết lập các cơ sở hạ tầng mạng internet và an ninh mạng để hỗ trợ việc thanh toán và phòng tránh các rủi ro khi giao dịch cũng cần được tính đến.
Trao đổi về vấn đề này, bà Mai Lan Vân cho biết: "VinID cũng đang tính đến việc phối hợp cùng Bộ Y tế tích hợp thêm chức năng Khai báo y tế trực tuyến vào ví điện tử VinID nhằm gia tăng tiện ích cho người dùng".
Như vậy, ngoài việc cho phép thanh toán tại hơn 60.000 địa điểm vui chơi, giải trí, mua sắm như Vinmart, Golden Gate, Tuticare..., ví điện tử VinID sẽ sớm có thêm chức năng mới giúp người dùng khai báo y tế thuận tiện hơn.
Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực Đông Nam Á năm 2019 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) thực hiện cho biết tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam dù đã giảm nhiều hơn trước nhưng vẫn còn khá cao, chiếm đến 79%, chỉ khoảng 21% là không dùng tiền mặt.
Do đó, dù dịch COVID-19 lan rộng đang là thách thức với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhưng đây có thể coi là thời điểm tạo sức bật cho thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều này nhằm sớm đạt mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận