Khối ngoại rút ròng hơn 10 nghìn tỉ đồng trên toàn thị trường
Thống kê giao dịch trong quí I/2020, nhà đầu tư nước ngoài đã bán tổng cộng gần 10.015 tỉ đồng trên toàn thị trường, hoạt động này diễn ra trên cả hai sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM trong đó cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan dẫn đầu về giá trị bán ròng với gần 1.770 tỉ đồng.
Khối ngoại rút ròng hơn 10.000 tỉ đồng toàn thị trường trong quí 1
Với diễn biến không mấy khởi sắc của thị trường trong quí đầu năm nay, giao dịch của những nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường là một chủ đề được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Theo thống kê của người viết, trong 3 tháng đầu năm, khối ngoại bán mua vào với giá trị gần 39.063 tỉ đồng với khối lượng gần 199 triệu cp trên toàn thị trường. Trong khi đó khối này mua vào gần 373 triệu cp với giá trị 49.078 tỉ đồng.
Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán tổng cộng gần 10.015 tỉ đồng trên toàn thị trường trong quí đầu tiên của năm nay. Khối lượng bán ròng đạt 174 triệu đơn vị.
Hoạt động rút ròng diễn ra tập với cổ phiếu với giá trị gần 10.070 tỉ đồng. Chứng quyền có đảm bảo cũng bị bán ra với giá trị 9 tỉ đồng trong quí đầu năm. Trong khi đó, chứng chỉ quĩ ETF nội được mua vào với giá trị gần 65 tỉ đồng.
Giao dịch khối ngoại trên ba sàn trong quí I. (Nguồn: Thu Thủy tổng hợp).
Giao dịch cụ thể trên các sàn, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 8.713 tỉ đồng trên HOSE trong 3 tháng đầu năm. Diễn biến tương tự, khối này cũng bán ròng trên HNX với thị trường UPCoM với giá trị lần lượt 1.157 tỉ đồng và 145 tỉ đồng.
TOP10 mã được mua/bán ròng trên sàn HOSE
Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro
Theo thống kê, trong quí đầu năm 2020, khối ngoại xả 1.768 tỉ đồng cổ phiếu MSN. Đây là mã duy nhất ghi nhận giá trị bán ròng trong quí I đạt trên nghìn tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, thị trường liên tục xuất hiện giao dịch thỏa thuận cổ phiếu MSN. Gần nhất, phiên ngày 25/3 ghi nhận giao dịch trao tay 10,2 triệu cp MSN, tương ứng giá trị 503 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, khối ngoại tạo áp lực bán ròng lên cổ phiếu VIC (904 tỉ đồng). Hai cổ phiếu khác "họ Vingroup" là VHM và VRE cũng bị bán ròng lần lượt 518 tỉ đồng và 474 tỉ đồng.
Cùng chiều bán ròng, cổ phiếu HPG ghi nhận giá trị 720 tỉ đồng. Chịu áp lực xả từ khối ngoại còn có cổ phiếu NVL (473 tỉ đồng), VCB (457 tỉ đồng), SVC (422 tỉ đồng) và POW (3339 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, khối ngoại mua ròng nghìn tỉ duy nhất cổ phiếu PGD (1.018 tỉ đồng). Thông tin từ HOSE, ngày 10/1, Công ty khí đốt Nhật Bản là Saibu Gas Co., Ltd đã thực hiện mua vào gần 19 triệu cổ phiếu PGD thông qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị hơn 1.020 tỉ đồng.
Mặt khác, khối này còn gom trên trăm tỉ cổ phiếu MWG (588 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (202 tỉ đồng), CTG (172 tỉ đồng) VNM (168 tỉ đồng) và PHR (117 tỉ đồng). Ngoài ra, các mã ghi nhận giá trị mua ròng dưới trăm tỉ đồng quí đầu năm gồm PNJ, DGW, SCS, SAB.
TOP10 cổ phiếu được mua/bán ròng trên sàn HNX
Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro
Trong đó, khối ngoại tập trung thoái vốn tại cổ phiếu SHB (594 tỉ đồng) và PVS (368 tỉ đồng). Liên quan đến cổ phiếu SHB, đầu tháng 1, SHB được chấp thuận chào bán tổng số 552,2 triệu cổ phiếu gồm 251,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức và phát hành 300,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 4:1.
Theo đó, ngân hàng đã hoàn tất phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu trả cổ tức. Ngân hàng sẽ phải hoàn thành phân phối cổ phiếu còn lại trước ngày 28/4.
Trái với động thái của khối ngoại, ông ông Đỗ Vinh Quang, con trai Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển ước tính chi ra 235 tỉ đồng mua 35,9 triệu cổ phiếu SHB trong thời gian từ ngày 15/1 - 3/2/2020.
Cùng với đó, NĐT nước ngoài còn bán ròng HUT (54,5 tỉ đồng), NTP (52,3 tỉ đồng), và DGC (24 tỉ đồng). Dòng vốn ngoại cũng rút ròng khỏi cổ phiếu TNG, SHS, NDN, PLC và CEO.
Trong khi đó, cổ phiếu thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhất trên HNX là VCS (28,5 tỉ đồng). Bên cạnh đó, khối ngoại mua ròng mã ART, SLLS, NBC, LAS và AMV. Ngoài ra, một số mã ghi nhận giá trị mua ròng trong quí như NRC, PVC, KLF và SD6.
TOP10 cổ phiếu được mua/bán ròng tại thị trường UPCoM
Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro
Tại thị trường UPCoM, hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung tại cổ phiếu ACV (67,8 tỉ đồng). Là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, Tổng công ty Cảng hàng không ước tính tổng sản lượng vận chuyển hành khách thông qua toàn mạng cảng ước giảm 35 triệu lượt khách trong năm 2020.
Điều này có thể khiến cho lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV giảm hơn 6.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm, đạt 1.700 tỉ đồng.
Dòng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu LPB (32,4 tỉ đồng), BSR (27,9 tỉ đồng) và MPC (22 tỉ đồng). Bên cạnh đó, các mã ghi nhận giá trị bán ròng còn có CTR, VLC, HND, QNS, GVR.
Ngược lại, NĐT nước ngoài gom nhiều hai mã VTP và VEA, giá trị cụ thể lần lượt là 55,4 tỉ đồng và 46,3 tỉ đồng. Mặt khác, lọt top mua ròng trong quí còn có cổ phiếu MCH, VGG, KDF, KSH, BCM, VHG, BDG và KHD.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận