Lý giải về kỳ tích của VN-Index liên tiếp vượt qua các mốc lịch sử
Trong thời gian từ đầu năm đến nay dù chứng khoán thế giới vẫn biến động không ngừng nhưng VN-Index đã liên tiếp thiết lập các đỉnh lịch sử được các chuyên gia lý giải rằng "kỳ tích" có được là nhờ thành quả chống dịch tốt của Việt Nam giúp nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN cho rằng, diễn biến tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong xu hướng tăng chung của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh hơn các nước.
Chốt phiên giao dịch ngày 25/6/2021, chỉ số VN - Index đạt 1.390 điểm, tăng 2,5% so với cuối tháng 5/2021 và tăng 23,5% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX - Index lên mức 318 điểm, tăng 56,2% so với cuối năm 2020.
Đặc biệt hơn, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng rất mạnh, kể từ đầu tháng 6 đến nay, giao dịch bình quân đạt trên 32.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường không ngường nghỉ, khiến chứng khoán ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút mọi tầng lớp người dân tham gia.
Lý giải về đà tăng của thị trường, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN, bà Tạ Thanh Bình cho rằng, về mặt kinh tế vĩ mô, số liệu 5 tháng đầu năm 2021 rất tích cực.
VN-Index có những bước "thăng hoa" là nhờ vào sự an tâm của nhà đầu tư với sự phát triển của doanh nghiệp niêm yết.
Cụ thể, xuất khẩu 5 tháng qua tăng trên 30%, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lãi suất duy trì ở mức thấp, dòng tiền vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, tiền ảo trong thời gian gần đây có chững lại khi Nhà nước có những biện pháp kiềm chế. Nhờ vậy, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất mạnh.
Có 1 lý do rất quan trọng là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cho thấy mức độ chống chọi khá hiệu quả với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Doanh thu quý I năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10,9% và lợi nhuận tăng 66,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đó là lý do chính khiến giá cổ phiếu tăng lên.
Diễn biến của thị trường chứng khoán luôn đi trước diễn biến thực của nền kinh tế. Việc thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trong thời gian gần đây thể hiện rõ kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, bà Bình nhận định.
Tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có những lý giải cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Hiếu, các cuộc điều tra gần đây chỉ ra rằng, dịch COVID-19 tác động khá tiêu cực đến đại đa số các doanh nghiệp như: giảm doanh thu, mất đi cơ hội kinh doanh, rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh đến doanh nghiệp niêm yết dường như lại khác, thậm chí là khả quan nếu nhìn vào các con số. Điều này dẫn đến sự kỳ vọng của giới đầu tư vào sự phát triển của các doanh nghiệp niêm yết. Kỳ vọng này được củng cố thêm bởi việc kiểm soát COVID-19 tại Việt Nam và diễn biến kinh tế thế giới.
Gần đây, nhiều quốc gia cơ bản đã kiểm soát dịch hiệu quả hơn và có kế hoạch mở cửa lại thị trường. Lần mở cửa thị trường này được dự đoán là sẽ bền vững hơn trước đây.
Tác động của việc bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư này rất khác. Trước đây dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung - cầu sản xuất, nhưng lần này doanh nghiệp có đơn hàng, khó khăn của doanh nghiệp giờ đây là thiếu lao động.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phát triển có sự tham gia rất lớn bởi nhà đầu tư cá nhân.
"Tại sao có sự bùng phát của nhà đầu tư cá nhân. Dịch COVID-19 tác động đến người dân ở khía cạnh mất việc làm, hoặc các hộ kinh doanh mất đi cơ hội kinh doanh. Tại Việt Nam, ngoài khoản tiết kiệm ngân hàng thì nhu cầu của nhiều người dân là cần phải có dòng tiền hàng tuần, hàng ngày để trang trải sinh hoạt cho gia đình. Do vậy, họ nghĩ ngay đến thị trường chứng khoán", ông Hiếu nói.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trước đây gắn với các cuộc khủng hoảng, thị trường chứng khoán các nước lao dốc rất mạnh vào kéo dài khoảng 1 năm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này do dịch COVID-19 gây ra, thị trường chỉ lao dốc một vài tháng và sau đó thăng hoa. Đây là điều bất ngờ.
"Điều bất bình thường là sự thăng hoa của thị trường chứng khoán diễn ra ngay trong lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn đeo bám. Điều bất thường này khiến rất nhiều người nói rằng, thị trường chứng khoán không phải hàn thử biểu cho nền kinh tế. Nhưng có vẻ điều này chưa đúng", ông Thành nói.
Ông Thành lý giải nguyên nhân tăng trưởng của thị trường chứng khoán là do việc nới lỏng tiền tệ tại các quốc gia. Việc nới lỏng tiền tệ này kéo theo lãi suất rất thấp.
Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư mà người dân quan tâm, gắn với tầng lớp trung lưu và các bạn trẻ đang lựa chọn chứng khoán là kênh đầu tư số 1.
Việc các công ty niêm yết hoạt động tốt hơn bình thường. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng này tạo ra cuộc chơi mới trong kinh doanh; trong đó, các doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng (đã lành mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng năm 2008 – 2009)… được hưởng lợi, trong khi ngân hàng ảnh hưởng rất lớn đến VN-Index. Điều này làm cho thị trường chứng khoán "bứt tốc".
Dù chứng khoán rất thăng hoa, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần phải đưa ra giải pháp để giữ chân dòng tiền nước ngoài.
Bình luận về vấn đề này, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN cho biết, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ở mức chưa thực sự tiêu cực.
Theo bà Bình, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu nhưng lại mua ròng trái phiếu, tức là có sự dịch chuyển danh mục. Bên cạnh đó, việc bán ròng khác với rút ròng. Con số thống kê cho thấy, số dư tiền mặt của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay vẫn lớn, chứng tỏ là họ đang chờ đợi cơ hội giải ngân tiếp theo.
"Cá nhân tôi cho rằng cơ hội trên thị trường vẫn thắng thế so với thách thức vì vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ; trong đó, có độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán", bà Bình nói.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận