Người dùng cần cân nhắc trước khi vay tiêu dùng ở các công ty tài chính
Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo khuyên người dân nên tìm hiểu, cân nhắc các nội dung trước khi ký kết hợp đồng vay tiền tiêu dùng ở các công ty tài chính trong dịch COVID-19.
- FED khẳng định điểm tín dụng cá nhân không còn đáng tin trong giải quyết hồ sơ vay tiêu dùng thời kỳ hậu COVID-19
- Cho vay online tại Trung Quốc đang thoái trào vì những hệ lụy
- EVN bác thông tin cho vay tín chấp
Do tình hình dịch COVID-19 kéo dài, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tìm cách tháo gỡ khó khăn bằng các khoản vay tiêu dùng ở các công ty tài chính.
Tuy nhiên, trong quá trình ký kết hợp đồng, nhiều người dân cho rằng, dịch vụ vay tiền này có thủ tục rất nhanh chóng nhưng sau đó cũng là nỗi "ám ảnh", một trải nghiệm đáng sợ nhất trong cuộc đời.
Từng vay tiêu dùng ở một công ty tài chính, chị Lê Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gần đây liên tục nhận được hàng loạt cuộc gọi “khủng bố” khi sắp đến hạn nộp tiền lãi.
Không chỉ vậy, số máy lạ tự xưng là công ty tài chính này còn tìm cách liên lạc với bạn bè, đối tác công ty của chị Mai để thúc giục việc đóng tiền, khiến cuộc sống của chị bị đảo lộn hoàn toàn.
Thủ tục vay tiêu dùng ở các công ty tài chính rất đơn giản nhưng khiến nhiều người dân "hoảng hốt" sau khi ký kết hợp đồng. Ảnh: L.N
Chị Mai chia sẻ: “Nghe theo lời tư vấn của bạn bè nên tôi đã đăng ký vay tiền ở Công ty tài chính Mirae Asset. Thủ tục vay tiền ở đây rất đơn giản nhưng khi trải nghiệm rồi thì mới thực sự hoảng hốt. Mức lãi suất ở công ty này quá so với thu nhập, khiến vợ chồng tôi choáng váng khi đến hạn trả lãi".
"Thủ tục để vay tiền tại các công ty tài chính thì rất đơn giản, người dùng chỉ cần cung cấp số chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước, số điện thoại và tài khoản Facebook.
Điều đáng nói, nhiều khi sắp đến hạn đóng tiền, công ty tài chính này còn cố tình gây áp lực cho người vay bằng cách sử dụng các thông tin cá nhân để gọi điện thúc giục người thân trong gia đình.
Dịch COVID-19 khó khăn mà ngày nào họ cũng khủng bố, gọi điện cho bạn bè khiến tôi rất lo lắng" - Một người vay tiêu dùng tài chính tên K.H tâm sự trên diễn đàn.
Trước tình hình này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã đưa ra một số lưu ý cho người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới đây cũng đã đưa ra một số lưu ý cho người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Ảnh: L.N
Tuy nhiên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý, khi nhận được dự thảo hợp đồng vay, người tiêu dùng cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung trước khi quyết định giao kết, đặc biệt là một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Cụ thể là các điều khoản về thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức, lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi, các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính, các loại phí khác mà người tiêu dùng phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định).
Theo quy định tại hợp đồng, người tiêu dùng nên xem xét việc có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này. Quyền và nghĩa vụ của các bên có cân bằng hay không? Có điều khoản nào gây bất lợi cho khách hàng hay không, chế tài xử lý vi phạm hợp đồng...
Từ đó, người dân nên cân nhắc kỹ, không đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận