Nhiều nhà băng lỡ kế hoạch "đánh cồng"
Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 18 trên hơn 30 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán trong đó có 10 ngân hàng giao dịch trên HOSE, 3 ngân hàng trên HNXvà 5 ngân hàng giao dịch trên UPCoM.
- "Nóng" cuộc đua cán đích Basel II của hệ thống ngân hàng Việt Nam
- Cảnh báo 5 lỗi bảo mật thường gặp của các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam
- TPBanks "ì ạch" hướng đến mục tiêu tăng vốn điều lệ lên trên 10 nghìn tỉ đồng
Vậy còn bao nhiêu thời gian để các "nhà băng" còn lại thực hiện Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" của Chính phủ?
Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có yêu cầu bắt buộc thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020.
Theo đó, Đề án yêu cầu các ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên HOSE hoặc HNX mà không qua sàn UPCoM như quy định trước đó.
Thực tế, năm 2020 đã đi được gần nửa chặng đường đồng nghĩa với việc thời gian các ngân hàng buộc phải niêm yết trên thị trường chứng khoán không còn nhiều. Tuy nhiên, nhiều "nhà băng" vẫn đang "chơi vơi" khoảng thời gian thực hiện nội dung Đề án.
Nhiều nhà băng lỡ kế hoạch "đánh cồng"
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 18 trên hơn 30 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán trong đó có 10 ngân hàng giao dịch trên HoSE gồm VCB, CTG, BID, MBB, EIB, STB, TCB, HDB, TPB, VPB; 3 ngân hàng trên HNX là ACB, SHB, NVB và 5 ngân hàng giao dịch trên UPCoM là LPB, VIB, VBB, BAB, KLB.
Vẫn còn hàng loạt ngân hàng mặc dù đã lên kế hoạch niêm yết những năm gần đây nhưng chưa thể thực hiện, như MSB, OCB, NamABank, ABBank, SeABank, Saigonbank, VietABank, PVCombank,…
Mới đây, tại ĐHCĐ thường niên, SeABank đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE sau năm nay sau 2 năm liên tiếp chưa thể thực hiện.
Tương tự là trường hợp của VietBank với dự kiến chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM lên HOSE. Theo tờ trình đã được ĐHCĐ thông qua tại đại hội mới đây, ngân hàng cho biết đã đủ điều kiện để niêm yết trên sàn HOSE và HĐQT sẽ quyết định thời điểm niêm yết cụ thể khi thời cơ và điều kiện thị trường không cho phép. VietBank là ngân hàng duy nhất trong năm 2019 đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM thành công.
Còn nhớ tại thời điểm đầu năm 2020, Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank cho biết, Nam A Bank sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên HOSE trong năm nay.
Theo ông Tâm, đây là quy định bắt buộc của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên các ngân hàng phải tuân thủ và Nam A Bank sẽ niêm yết sau khi hoàn tất việc tăng thêm vốn. Hiện Nam A Bank vẫn còn nguyên room ngoại.
Trong năm nay, OCB cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE sau thời gian dài trì hoãn. Chủ tịch HĐQT OCB ông Trịnh Văn Tuấn cho hay, OCB dự tính niêm yết trong năm 2019 nhưng vì thị trường chứng khoán không thuận lợi nên được dời sang năm 2020. Tuy nhiên, trước khi niêm yết, OCB sẽ chốt tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Theo lãnh đạo OCB, việc niêm yết phải chọn thời điểm thích hợp để khi lên sàn giá cổ phiếu tăng, đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho các cổ đông.
Thông tin thêm
Mới đây, tại ĐHCĐ thường niên của MSB, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc rút lại hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên HOSE.
Trước đó hồi cuối năm 2019, ngân hàng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu lên Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM, dự kiến 1,175 tỉ cổ phiếu được niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán MSB. Tuy nhiên, kế hoạch này bị hoãn lại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có sự ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cổ đông ngân hàng đã ngay lập tức chất vấn về vấn đề này, vì sao phải hoãn dù đã nộp hồ sơ trong năm 2019 và liệu có ảnh hưởng tới các cổ đông nhỏ lẻ hay không?
Ông Huỳnh Bửu Quang, Phó Chủ tịch HĐQT MSB giải thích, cuối năm 2019, ngân hàng đã nộp hồ sơ nhưng có thể do khối lượng hồ sơ lớn cho nên chưa xử lý kịp. Sang đầu năm 2020 lại xuất hiện dịch bệnh COVID-19 khiến nền kinh tế và ngành ngân hàng cũng như các công ty niêm yết bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, kế hoạch niêm yết của MSB phải hoãn lại.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng cam kết với cổ đông chắc chắn sẽ niêm yết trong năm nay, nhưng về giá, HĐQT và Ban điều hành thấy thời điểm vừa rồi chưa phù hợp nên phải tạm hoãn.
Được biết, kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán được ban lãnh đạo MSB đưa ra từ năm 2016, thời điểm hoàn tất thương vụ sáp nhập với Ngân hàng Mekong và mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Dệt may nhưng đến nay mới có thể thực hiện.
Bên cạnh kế hoạch lên sàn, vấn đề chia cổ tức cũng là chủ đề "nóng" tại ĐHCĐ của MSB năm nay. Một số cổ đông yêu cầu ngân hàng chia cổ tức năm 2019, tuy nhiên, lãnh đạo MSB cho rằng việc chia cổ tức với tỷ lệ 5% là không thể khi ngân hàng chưa thực hiện xử lý xong nợ xấu tại VAMC.
Năm 2019 kết quả kinh doanh của ngân hàng là rất tích cực, lợi nhuận để lại còn gần 900 tỉ đồng.
Theo ông Quang, "mục tiêu của Ban điều hành năm 2020 là sẽ xử lý dứt điểm nợ xấu tại VAMC, khi đó nền tảng để ngân hàng chia cổ tức sẽ vững mạnh. Hiện nay nếu chia cổ tức sẽ ảnh hưởng đến năng lực hoạt động. Hơn nữa theo quy định của NHNN thì khi chưa xử lý xong nợ xấu tại VAMC cũng chưa thể được chia cổ tức. Việc xử lý nợ xấu tại VAMC hiện nay chỉ còn 900 tỉ đồng và dự kiến đến quý 3 sẽ xử lý xong, khi đó việc chia cổ tức sẽ thuận lợi, không còn sự lăn tăn, lấn cấn nào nữa.
Trước đó năm 2019, ngân hàng đã dự kiến, nếu bán xong công ty con FCCOM thì sẽ có nguồn để xử lý xong nợ tại VAMC nhưng do một số lý do mà quy trình, thủ tục chưa hoàn tất nên chưa xử lý được. Bởi vậy chắc chắn đến năm 2021 sẽ trả cổ tức", ông Quang khẳng định với cổ đông tại cuộc họp.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận