Niềm tin thiếu căn cứ khiến nhà đầu tư mất hàng trăm triệu USD trên thị trường tiền số
Do niềm tin vào những quảng cáo mang lại lợi nhuận 5 - 10% trên các kênh giao dịch tiền mã hoá mà nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền vào thị trường nhưng nhận lại kết quả "đăng cay" khi hàng trăm triệu USD đã "không cánh mà bay".
- Thế giới xuất hiện bộ công cụ 'rửa' hàng triệu USD cho tội phạm đánh cắp tiền số
- Giới công nghệ Trung Quốc "rúng động" trước động thái “thắt chặt thòng lọng” với tiền số
- Bi kịch của những người không hiểu về rủi ro của tiền số
Tháng 9/2021, hệ thống giao dịch EminiFX bắt đầu kêu gọi mọi người tham gia vào mô hình đầu tư mới với lợi ích cam kết tối thiểu 5% mỗi tuần. Hệ thống này do Eddy Alexandre, một người gốc Haiti sống ở New York, phát triển.
Đến giữa tháng 5, FBI bắt giữ Alexandre với cáo buộc lừa đảo và EminiFX được chỉ đích danh là một mô hình Ponzi - hình thức lừa đảo lấy tiền của người chơi sau trả cho người trước - với số tiền thu về 59 triệu USD.
Nhiều người vẫn giữ niềm tin ngây thơ vào những lời hứa làm giàu nhanh trong thị trường tiền số. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, con số trên chỉ là một phần nhỏ trong phi vụ. Theo báo cáo sơ bộ do David Castleman - đối tác của Raines Feldman ở New York - mới công bố, đã có 250 triệu USD được huy động kể từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022 trên nền tảng EminiFX. Khoảng 62.000 tài khoản đã nạp tiền vào hệ thống này.
Báo cáo điều tra cho thấy, người dùng EminiFX đã gửi tiền mặt hoặc tiền điện tử vào hệ thống. Mô hình này cũng có dấu hiệu tiếp thị đa cấp khi thưởng tiền cho những người giới thiệu được tài khoản mới. Số dư tài khoản hiển thị bằng USD. Người dùng có thể giữ tiền trong ví điện tử hoặc gửi các ví giao dịch khác.
"Lợi tức đầu tư (ROI) hàng tuần được thông báo vào thứ 6, dao động từ 5% đến 9,99% và được áp dụng cho mọi tài khoản có số dư trên EminiFX. ROI giống nhau cho tất cả người dùng", Washington Post trích báo cáo của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên sau khi điều tra, Castleman kết luận: "Tôi không tìm thấy bất kỳ hoạt động đầu tư nào để sàn giao dịch có thể hỗ trợ những khoản lợi nhuận như đã hứa với người dùng".
Một nhà đầu tư đã gửi 10.000 USD tiền mặt hôm 15/10 năm ngoái, đến tháng 5 năm nay, số dư tài khoản của anh này báo đã lên 77.000 USD. Tuy nhiên người này không thể rút được tiền. Nhiều người khác cho biết họ cũng chưa bao giờ rút hoặc đổi tiền được từ hệ thống.
Các nhà điều tra cho biết họ không tìm thấy bất kỳ hoạt động đầu tư nào được EminiFX nhắc đến như hệ thống giao dịch độc quyền hay tài khoản cố vấn Robo, RA3. Ngay cả những nhân viên cũ của công ty cũng không hiểu lợi tức hàng tuần họ báo cáo với nhà đầu tư kiếm được từ đâu hoặc các mô hình đầu tư hoạt động ra sao.
Chỉ có một số hồ sơ cho thấy CEO Alexandre đã đầu tư 9 triệu USD vào một số quỹ. Tuy nhiên, một số giao dịch cá nhân của Alexandre cho thấy anh ta lỗ hơn 7 triệu USD.
Hiện trang web của EminiFX đã đóng. Người dùng đang vất vả tìm kiếm lại các thông tin liên quan đến hệ thống giao dịch này với hy vọng đòi lại được tiền. Trang web tên eminifxreceivership.com bằng tiếng Anh và tiếng Pháp mới được lập ra để các nhà đầu tư cung cấp thông tin và gửi yêu cầu bồi thường.
Theo Washington Post, CEO Eddy Alexandre hiện phủ nhận cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ. Dù chưa ra tòa, niềm tin của hàng chục nghìn người đặt vào người này đã tan biến. "Hầu hết nhà đầu tư lo sợ tiền của họ đang bị giữ bởi một cá nhân thiếu uy tín", nhà đầu tư Markens Nicolas, người từng bảo vệ Alexandre hồi tháng 5, nói.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, sự tinh vi của nền tảng EminiFX nằm ở chỗ có thể tạo ra những viễn cảnh lợi nhuận không tưởng. Họ vẫn nhìn thấy những con số trong tài khoản của mình được nhân lên đều đặn dù không thể cầm trên tay những khoản tiền thật được hệ thống chi trả.
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, nhiều người vẫn đang giữ niềm tin ngây thơ rằng họ có thể dễ dàng trở thành triệu phú nếu gửi tiền vào các công ty hoặc nền tảng liên quan đến tiền số.
Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng cơn sốt tiền mã hóa hồi đầu 2021 và vẽ lên nhiều viễn cảnh trong mơ. Kể từ đầu năm 2021, người Mỹ đã mất hơn một tỷ USD vào các vụ lừa đảo tiền điện tử, tăng gần 60 lần mức thiệt hại được báo cáo vào năm 2018.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận