Phản ứng chính sách tài khóa tiền tệ đối với các rủi ro mới của kinh tế toàn cầu
Kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu khởi sắc, nhưng đã bị chựng lại khi giá khí đốt chợt tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, thực sự phủ bóng đen cho sự phục hồi từ đống đổ nát của đại dịch Covid-19.
- Kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ 'gãy' đà phục hồi bởi những kỷ lục của nguyên liệu hoá thạch
- Biến thể Delta chặn đường phục hồi của nền kinh tế toàn cầu
- Bloomberg: Việt Nam lọt top 15 nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất hậu Covid
Hình minh họa
Diễn biến mới này khiến cho các ngân hàng trung ương (NHTW) toàn cầu đang đối mặt với cơn ác mộng: tăng trưởng chậm lại cộng với lạm phát do các cú sốc nguồn cung (hiện tượng đình lạm).
Về mặt lý thuyết, NHTW không nhất thiết phải can thiệp vào các cú sốc nguồn cung. Cơ chế truyền động của chính sách tiền tệ là kích thích hoặc thắt chặt tổng cầu. Nếu chi tiêu tăng quá nhanh gây ra lạm phát, tăng lãi suất sẽ làm giảm mức độ sẵn sàng tiêu dùng hoặc đầu tư của các công ty và hộ gia đình.
Tuy nhiên, điều này không đúng khi giá cả tăng cao là do những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng cao, hoặc do thiếu hụt lao động. Chính sách tiền tệ không làm tăng nguồn cung chip bán dẫn và không khiến mọi người ra đường đông đúc hơn để chi tiêu và người lao động quay lại công sở.
Đôi khi thắt chặt chính sách tiền tệ cũng phát huy tác dụng. Trong cú sốc dầu mỏ những năm 1970, hành động cứng rắn của NHTW Đức đã giữ cho lạm phát không bén rễ vào nền kinh tế. Lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt kèm theo những hướng dẫn rõ ràng cho thị trường cũng như công chúng trong khoảng thời gian 3 năm, khiến cho mọi thứ không chệch khỏi định hướng.
Tuy nhiên, vào năm 2011, khi NHTW châu Âu (ECB) áp dụng đúng hệt lại bài toán trên bằng cách tăng lãi suất để ứng phó với cú sốc nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng, lại dẫn đến sai lầm, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro.
Sự khác biệt giữa năm 2011 và 1970 là không có hiệu ứng dài hạn từ cú sốc nguồn cung, vì vậy việc tăng lãi suất là không cần thiết và gây ra thiệt hại lớn.
Thời điểm hiện tại, các NHTW toàn cầu đang đối mặt với một hành động cân bằng tinh tế tương tự: thắt chặt quá sớm có thể đánh mất sự phục hồi; thắt chặt quá muộn, lạm phát có thể tự hoàn thành kỳ vọng lạm phát.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jay Powell thừa nhận đã bị bất ngờ trước cường độ thắt cổ chai của nguồn cung. Dù vậy, Fed cũng phát tín hiệu cho rằng các đợt tăng giá tiếp cũng chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần theo thời gian.
Câu hỏi đặt ra là liệu mất thời gian bao lâu để không thể gọi là tạm thời? Lợi tức trái phiếu toàn cầu tăng cao thời gian gần đây phần nào phản ánh lo ngại việc tắc nghẽn nguồn cung và ảnh hưởng của biến thể Delta đối với sự tham gia của lực lượng lao động.
Điều này có nghĩa là áp lực giá cả tăng cao đang có xu hướng tự củng cố để trở thành kinh niên hơn là tạm thời. Các doanh nghiệp giờ đây đang ưu tiên cho sự tồn tại hơn là tăng trưởng và lợi nhuận hơn thị phần, bằng cách chuyển chi phí cao hơn cho người dùng cuối cùng.
Đồng thời, những hạn chế về nguồn cung dai dẳng cũng làm tăng áp lực chính trị thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng bảo thủ hơn ở các nước. Xu hướng này khiến cho quá trình phục hồi kinh tế hình chữ V đang gặp phải thách thức lớn. Các nhà đầu tư phần lớn đang định giá các yếu tố này vào các quyết định đầu tư.
Còn các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ thì đang phải đối mặt với một thách thức mới chưa từng có trong việc tìm kiếm lối thoát suôn sẻ cho kỷ nguyên bình thường mới tiếp theo.
Hầu hết các nền kinh tế phát triển đều đang trong xu hướng lạm phát tăng tốc. Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ từ đầu năm đến nay liên tục các tháng gần đây đều vượt 5%, vượt xa mức lạm phát mục tiêu bình quân 2%.
Cả thế giới đang hướng về động thái chính sách sắp tới của Fed. Fed hiện là NHTW duy nhất trong các nền kinh tế phát triển có mục tiêu kép thúc đẩy giá cả ổn định và việc làm tối đa.
Toàn dụng lao động có lịch sử lâu dài từ các nhà hoạch định chính sách cam kết phải thúc đẩy tăng trưởng đủ mạnh để thu hút các cựu chiến binh trở về sau chiến tranh Thế giới thứ hai, trở thành tâm điểm của phong trào dân quyền trong những năm 1960 và 1970.
Chính sách phải ưu tiên bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương nhất, và làm như vậy cũng để đảm bảo nền kinh tế luôn đạt tiềm năng tăng trưởng cao hơn. Lạm phát đang tăng tốc, nhưng vấn đề là công ăn việc làm hiện vẫn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch Covid-19.
Các dữ liệu tính chu kỳ về sự tham gia của lực lượng lao động cho thấy, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, lao động là thị trường phục hồi sau cùng. Nhiều người rời thị trường lao động, ở nhà chăm sóc con nhỏ hoặc học thêm các kỹ năng mới.
Sự thiếu hiểu biết về các xu hướng chu kỳ như vậy phần nào góp phần gây ra các sai sót chính sách và tình trạng thiếu việc làm trong quá khứ nếu thắt chặt tiền tệ quá sớm. Điều này dạy cho Fed bài học về tính kiên nhẫn trong chính sách để đạt được việc làm tối đa.
Chủ tịch Fed công khai chỉ ra điều này trong một cuộc hội thảo với ECB mới đây, rằng thách thức lớn nhất trong năm tới là điều hướng mối quan hệ không suôn sẻ giữa mục tiêu kép là ổn định giá cả và việc làm tối đa.
NHTW Anh cũng đang đi theo hướng phân tích này, chẳng hạn, mặc dù dự báo mới nhất cho thấy lạm phát năm nay 4%, cao hơn mục tiêu 2%, họ vẫn đang tập trung quan sát thị trường lao động.
Nếu họ thấy tiền lương tăng mà năng suất không cải thiện, mới có thể báo hiệu nhu cầu đang mạnh hơn cung. Chỉ trong trường hợp đó, thắt chặt tiền tệ mới phát huy tác dụng.
Các phản ứng chính sách phù hợp cho Việt Nam
Với các phân tích trên, sức ép lãi suất toàn cầu tăng lên, nếu có, cũng không phải ngay bây giờ và sẽ được NHTW các nước tiến hành rất thận trọng. Kết hợp với không gian tài khóa tiền tệ hiện vẫn còn dư địa đủ lớn, trước mắt trong năm nay, chúng ta có thể nghĩ đến việc mạnh dạn nới lỏng tài khóa tiền tệ thật đủ mạnh để ứng phó với các hậu quả nặng nề ngoài dự kiến của làn sóng Covid lần thứ 4. Thời gian “bàn thảo” càng chậm trễ, không gian lựa chọn chính sách càng hẹp dần.
Đại dịch Covid-19 đã để lại quá nhiều vết sẹo. Chúng không phải tạm thời mà còn kéo dài rất nhiều năm, với các mức độ không đồng đều ở nhiều khu vực khác nhau của nền kinh tế và các địa phương.
Thậm chí khi kinh tế Việt Nam hồi phục tốt, có khả năng tình trạng tăng trưởng không đồng đều trên toàn cầu cũng làm chậm lại đáng kể quá trình phục hồi của khu vực xuất khẩu, và do đó tác động mạnh trở lại cả nền kinh tế nước ta.
Khi một nền kinh tế có quá nhiều lỗ hổng, sẽ rất lâu mới có thể quay về điểm xuất phát, thậm chí không bao giờ, nếu không có những can thiệp đủ mạnh, chưa có tiền lệ của Chính phủ.
Trong bối cảnh khẩn cấp như thế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải giảm sâu lãi suất nhiều hơn, nới lỏng phần nào các quy định điều tiết ngành ngân hàng, bơm thanh khoản nhiều hơn và tạo thêm nhiều công cụ chính sách sáng tạo hơn.
Bộ Tài chính cũng cần phải mạnh dạn chấp nhận tăng đủ mạnh trần nợ công, thậm chí lên đến mức 60-65% GDP so với mức 55% GDP hiện tại, và tăng mạnh thâm hụt ngân sách lên 7-8% GDP, thậm chí hơn nữa trong năm nay.
Việc mở rộng đủ mạnh các không gian chính sách tài khóa tiền tệ là rất cần thiết để giải quyết khẩn cấp sinh kế người dân, giải cứu và phục hồi nền kinh tế, tăng mạnh các khoản chi tiêu lớn cho phòng chống dịch bệnh, nhất là trong lĩnh vực y tế.
Trong quá trình thiết kế gói chính sách tài khóa tiền tệ, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến xu hướng đình lạm trong kinh tế toàn cầu, như phân tích phần trên. Ngoài ra, một xu hướng đáng ngại khác là nợ toàn cầu hiện ở mức cực cao, lãi suất cực thấp và một loạt áp lực tiêu cực đối với nguồn cung toàn cầu.
Điều này có nghĩa là thế giới có khả năng đang hướng đến một cuộc khủng hoảng khác, sẽ lên đến đỉnh điểm khi kết hợp đồng thời giữa tăng trưởng thấp, lạm phát cao và nợ kỷ lục.
Tính cả nợ khu vực công lẫn tư trong nền kinh tế toàn cầu, năm 1999 chỉ là 220% GDP, đến giờ con số đã là 360% và vẫn đang tiếp tục tăng lên: ở các nước phát triển là 420%, Trung Quốc là 330%, ở các thị trường mới nổi là 250% và đang có xu hướng tăng, với phần lớn bằng ngoại tệ.
Vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi sự đảo ngược của một số yếu tố đã giữ cho lạm phát ở mức thấp trong những thập niên gần đây. Thế giới đang hướng tới ít toàn cầu hóa hơn, nút cổ chai chuỗi cung ứng ngày càng co lại khủng khiếp hơn, ít di cư hơn, kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng tách biệt hơn, khí hậu nóng hơn, cú sốc xăng dầu nhiều và thường xuyên hơn, dân số già hóa và… hơn thế nữa.
Tất cả những yếu tố này hoặc phần lớn trong số đó kết hợp đồng thời sẽ dẫn đến một đại cú sốc nguồn cung, dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng, vốn đã bị kìm hãm bởi mức nợ quá cao, và đẩy lạm phát toàn cầu vào vòng xoáy tăng tốc.
Nới lỏng tài khóa tiền tệ đủ mạnh là điều không cần phải bàn nhiều vào lúc khẩn cấp này, nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng kịch bản thoát thích hợp nếu mọi thứ xấu đi nhanh chóng.
Theo SGDTTC
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận