Vốn khởi nghiệp công nghệ toàn cầu tăng 'bùng nổ' làm dấy lên lo ngại 'bong bóng' dot-com trở lại
Mức định giá của các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ trên toàn cầu ngày càng tăng cao khi giới đầu tư chạy đua rót tiền vào đây để nắm bắt cơ hội trong thời kỳ dịch bệnh. Sức nóng của thị trường vốn khởi nghiệp đang làm dấy lên lo ngại bong bóng dot-com hồi năm 1999 sẽ trở lại.
- Rất nhiều ứng dụng 5G sẽ bùng nổ trong năm 2021
- Bùng nổ tấn công mạng vào hệ thống làm việc online mùa COVID-19
- Facebook, Apple bùng nổ lợi nhuận quý 1 nhờ COVID-19
Thị trường vốn khởi nghiệp tăng trưởng nóng
Hồi tháng 3 năm ngoái, Quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital cảnh báo Covid-19 là sự kiện “thiên nga đen” đối với thị trường vốn khởi nghiệp. “Nguồn vốn huy động của các startup sẽ giảm đáng kể như đã từng xảy ra vào năm 2001 và năm 2009”, Sequoia Capital cho biết trong một văn bản nội bộ.
Tuy nhiên, giới đầu tư công nghệ đang viết các tấm séc với trị giá ngày càng lớn. Theo dữ liệu của CB Insights, trong 6 tháng đầu năm nay, các startup trên toàn cầu đã huy động được 292,4 tỉ đô la, sắp vượt qua con số 302,6 tỉ đô la mà họ huy động được trong cả năm 2020.
Startup xử lý thanh toán Stripe của Mỹ được định giá lên tới 95 tỉ đô la trong một vòng gọi vốn hồi tháng 3. Ảnh: Bloomberg
Số lượng vòng gọi vốn siêu lớn (mega round) trị giá 100 triệu đô la trở lên đã tăng lên 751 trong năm nay, vượt qua con số 665 vào năm ngoái.
Hussein Kanji, đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm Hoxton Ventures (Anh), nói: “Đối với tôi, tình hình hiện nay giống như năm 1999, thời kỳ mà nếu công ty của bạn có tên miền là “.com”, cổ phiếu của công ty bạn sẽ tăng giá”.
Cổ phiếu của các công ty dot-com tăng giá điên cuồng ở Phố Wall vào cuối những năm 1990 trong bối cảnh internet ngày càng phổ cập. Làn sóng đầu tư mang tính đầu cơ đã thúc đẩy chỉ số Nasdaq Composite, nơi tập trung các cổ phiếu ngành công nghệ, tăng 400% trong giai đoạn từ 1995 đến 2000. Đến tháng 10-2002, chỉ số giảm 80% so với đỉnh của nó sau khi bong bóng dot-com xì hơi vào năm 1999.
Startup kỳ lân mọc lên như nấm
Trong 5 năm qua, chỉ số Nasdaq Composite đã tăng gần gấp 3 lần, với giá trị thị trường của một số cổ phiếu công nghệ bao gồm Amazon, Google và Facebook vượt mốc 1.000 tỉ đô la Mỹ. Riêng vốn hóa thị trường của Microsoft và Apple đã vượt mốc 2.000 tỉ đô la.
Mức định giá tăng vọt hiện nay của các startup công nghệ gây lo ngại cho một số nhà đầu tư. Startup xử lý thanh toán Stripe của Mỹ được định giá lên tới 95 tỉ đô la trong một vòng gọi vốn huy động 600 triệu đô la hồi tháng 3.
Theo CB Insights, trong nửa đầu năm 2021, có 249 startup trên toàn cầu đạt vị thế “kỳ lân”, tức được định giá 1 tỉ đô la trở lên. Con số này tăng gần gấp đôi so với số lượng startup kỳ lân xuất hiện trong cả năm ngoái.
Trong hai quí đầu năm 2021, có 249 startup “kỳ lân” trên toàn cầu, tức được định giá 1 tỉ đô la trở lên, được tạo ra, tăng gần gấp đôi so với số lượng startup kỳ lân được tạo ra trong cả năm ngoái. Ảnh: Financial Times |
Andrei Brasoveanu, đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm Accel, nói: “Đây là thời điểm tuyệt vời để huy động vốn đối với các doanh nhân. Chất lượng của các startup công nghệ và tốc độ phát triển của họ là chưa từng có tiền lệ”.
Quỹ phòng hộ Tiger Global gần đây đẩy mạnh đầu tư vào các startup công nghệ với 81 thương vụ đầu tư chỉ trong quí 2, tăng 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) đã tạo ra những thay đổi lớn trong thế giới khởi nghiệp thông qua các khoản đầu tư khổng lồ từ Quỹ Tầm nhìn của tập đoàn này trong những năm qua.
Tuy nhiên, Hussein Kanj cho rằng mức định giá của các startup công nghệ ngày càng xa rời thực tế do tâm lý “sợ bỏ lỡ cơ hội” của giới đầu tư.
Iana Dimitrova, Giám đốc điều hành Công ty khởi nghiệp Công nghệ Tài chính OpenPayd (Anh), cho biết công ty của bà đang trong quá trình huy động vốn. Bà nói có những nhà đầu tư chê công ty bà gọi vốn quá ít vì họ chỉ đầu tư “100 triệu đô la trở lên”.
Một số nhà đầu tư "hiểu biết rất hạn chế" về phần mềm của OpenPayd, cho phép các công ty khác cung cấp dịch vụ tài chính, nhưng vẫn đưa ra các đề nghị góp vốn đơn giản là lĩnh vực này đang “hot”.
Theo CB Insights, các startup công nghệ tài chính chiếm 22% tổng nguồn vốn mạo hiểm huy động được trên toàn cầu trong quí 2.
“Các nhà đầu tư viết các séc với trị giá ngày càng cao. Thành thật mà nói, tôi thấy điều đó có hại cho tính bền vững của cộng đồng khởi nghiệp của chúng tôi vì các startup sẽ không chú trọng vào việc tạo ra giá trị, mà chỉ tập trung “đốt tiền” để mở rộng thị trường”, Iana Dimitrova nói. Bà cho rằng môi trường lãi suất thấp đã tạo ra nguồn lực tài chính lớn cho các thương vụ đầu tư cược mạo hiểm.
Theo Kanji, có một số điểm khác biệt giữa bong bóng thị trường khởi nghiệp hiện tại và bong bóng dot-com năm 1999. Chẳng hạn, bong bóng năm 1999 được thúc đẩy bởi sự “thổi phồng” giá trị của các công ty internet hơn, thay vì các yếu tố cơ bản như ngày nay, nhưng phần lớn các startup công nghệ ngày nay đều đã xây dựng được thị trường.
Sự trỗi dậy của các startup công nghệ châu Âu
Dù châu Âu từ lâu đã tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc về công nghệ, nhưng châu lục này cũng đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp. Các startup công nghệ ở châu Âu đón nhận dòng vốn đầu tư lớn hơn trong năm nay, trong khi đó, nguồn vốn rót vào các startup công nghệ Trung Quốc lại suy giảm.
Andrei Brasoveanu, đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm Accel, nói: “Xu hướng làm việc từ xa hoàn toàn đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở châu Âu và cũng giúp các startup ở châu lục này tiếp cận thị trường toàn cầu. Bạn có thể thuyết trình gọi vốn qua Zoom từ Romania như thể bạn đang ở New York”.
Theo Factset, các startup ở châu Âu đã huy động được gần 50 tỉ đô la trong 6 tháng đầu năm 2021, vượt qua con số 38 tỉ đô la mà họ huy động được trong cả năm 2020.
Một số startup công nghệ châu Âu đã chứng kiến mức định giá của họ tăng lên hàng chục tỉ đô la như startup sản xuất pin Northvoltmm, startup cung cấp dịch vụ “mua trước trả sau” Klarna (Thụy Điển) và startup phần mềm doanh nghiệp Celonis (Đức).
Một số startup ở châu Âu đã đạt mức định giá kỳ lân trong thời gian nhanh kỷ lục trong năm qua. Đầu năm nay, ứng dụng giao thực phẩm Gorillas (Đức) đã trở thành công ty nhanh nhất ở châu Âu đạt được vị thế kỳ lân, đánh bại kỷ lục do startup tổ chức sự kiện trực tuyến Hopin thiết lập trước đó vào năm 2020.
Theo TBKTSG
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận