Vụ Cocobay Đà Nẵng chấm dứt chi trả lợi nhuận: Cơ quan quản lý nói gì?
Liên quan đến những bức xúc trong dư luận các nhà đầu tư tại Cocobay Đà Nẵng, thông tin từ Sở Xây dựng TP cho biết đã tham mưu UBND để kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT để hướng dẫn về loại hình đầu tư condotel nhưng cho đến nay vẫn chưa cơ quan nào ban hành văn bản để làm cơ sở thực hiện hoạt động quản lý nhà nước.
- Chủ tịch Nguyễn Trần Nam: "Anh Thành Cocobay Đà Nẵng gửi lời xin lỗi đến các nhà đầu tư"
- Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận": Thua lỗ vẫn chi tiền tỷ mời Ronaldo
- Cocobay Đà Nẵng chấm dứt chi trả lợi nhuận - Liệu có phải Chủ đầu tư "lừa" khách hàng
Trong những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về việc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) ra thông báo chấm dứt chi trả thu nhập cam kết lợi nhuận cho các khách hàng đã mua loại hình căn hộ khách sạn (condotel) thuộc dự án Coco Bay. Tuy nhiên đến thời điểm này thì tính pháp lý của loại hình này vẫn còn phải chờ… quy định.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Đà Nẵng, đến nay, chưa có quy định pháp luật cụ thể về loại hình đầu tư căn hộ khách sạn. Theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình căn hộ khách sạn trong năm 2019.
Trong thời gian qua, để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc quản lý nhà nước loại hình đầu tư căn hộ khách sạn, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã chủ động tham mưu UBND thành phố có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn một số nội dung liên quan về quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, kinh doanh bất động sản…
Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn còn chờ các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở triển khai thực hiện việc quản lý nhà nước; đồng thời, hướng dẫn các chủ thể liên quan thực hiện theo quy định.
Đối với loại hình căn hộ khách sạn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Xây dựng thành phố đã cấp phép xây dựng 6 dự án có đầu tư căn hộ khách sạn, với tổng số lượng căn hộ 7.590 căn.
Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, bà Mai Thị Thùy Linh cho biết, đối với dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Coco Bay), Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng 1.969 căn hộ khách sạn gồm: Tòa nhà Cổ Cò 1 là 686 căn hộ, Tòa nhà Cổ Cò 2 là 637 căn hộ, Tòa nhà Cổ Cò 3 là 536 căn hộ, Tòa nhà Naman Garden 110 căn hộ. Hiện Công ty Thành Đô đã bán 1.948 căn.
Nhưng vào ngày 23/11, Công ty Thành Đô ra thông báo về việc không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết và chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết đối với khách hàng từ 1/1/2020 tại dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire. Việc chấm dứt chi trả lợi nhuận theo cam kết đã làm cho những nhà đầu tư mua các căn hộ trên vô cùng bức xúc và đòi chủ đầu tư phải có phương án giải quyết thỏa đáng.
Ông Hoàng Ngọc Vinh (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) là người mua một căn hộ condotel tại dự án này cho biết, sau khi ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với Công ty Thành Đô, gia đình ông tiếp tục ký cam kết ba bên với Công ty Thành Đô và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn và đã nộp 95% giá trị căn hộ đã mua. Phụ lục Hợp đồng là thu nhập 12% mỗi năm, trong vòng 8 năm, kể từ ngày ký hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được 18 tháng chi trả thu nhập theo đúng cam kết của Công ty Thành Đô thì đến nay Công ty Thành Đô thông báo dừng chi trả.
Về phía Công ty Thành Đô, đại diện chủ đầu tư này đã đưa ra một số phương án để khách hàng lựa chọn. Theo đó, phương án thứ nhất là khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ hoặc vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm; trong đó, lợi nhuận theo giá thị trường.
Phương án thứ hai là khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và công ty giao lại các sản phẩm condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây.
Phương án thứ ba là thanh lý các condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lại tiền cho khách hàng, nhưng Công ty Thành Đô sẽ khấu một số khoản như chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh… Thời hạn chi trả chậm nhất đến 30/9/2020 và phương án cuối cùng là khách hàng góp ý để cùng đi đến thỏa thuận.
Hiện nay, không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều tỉnh, thành phố như Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh… loại hình codotel phát triển khá mạnh. Với những chào mời, hứa hẹn và cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư hàng năm lên đến hơn 10%/tổng vốn đầu tư thì rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ không ít tiền của để đầu tư vào loại hình này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc chi trả lợi nhuận trên 10%/năm theo như cam kết thì rất khó khăn trong việc triển khai kinh doanh để đạt được kết quả này. Thực tế, Công ty Thành Đô là đơn vị đầu tiên chính thức tuyên bố “vỡ trận”.
Condotel là loại hình kinh doanh mới, chưa có cơ sở, quy định pháp luật. Tuy được chào bán với lợi nhuận cam kết lên đến hơn 10%/năm, nhưng có thể nói đầu tư vào condotel là đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao.
Trong khi chờ cơ quan chức năng quy định cụ thể về việc mua bán, chuyển đổi, kinh doanh của loại hình này, các nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ hơn và có những cam kết cụ thể, rõ ràng mang tính pháp lý và hiệu quả cao nhằm tránh “rước vạ vào thân”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận