Xu hướng thanh toán không tiền mặt giúp các dịch vụ ngân hàng được cung cấp đến tận tay người dùng. Ảnh: Quang Định
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành gần như suốt năm 2020, các ngân hàng và dịch vụ ngân hàng đang từng bước tiếp cận đến tận tay người dùng, ngay trên chiếc smartphone của họ.
Đua ra mắt ngân hàng số
Tháng 7-2020, một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam - Vietcombank - đã công bố ra mắt dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn mới VCB Digibank trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây.
Với VCB Digibank, người dùng được hưởng thêm nhiều tiện ích ngoài dịch vụ ngân hàng như: thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, bảo hiểm; thanh toán dịch vụ hành chính công; thanh toán hóa đơn tự động; nạp tiền điện thoại…
Tháng 8-2020, Ngân hàng số Timo Plus công bố hợp tác với Ngân hàng Bản Việt nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm ngân hàng cá nhân đơn giản, dễ dàng và tiện lợi. Timo Plus cung cấp cho người dùng rất nhiều dịch vụ tài chính từ chuyển tiền đến thanh toán hóa đơn và mua sắm online.
Người dùng có thể thực hiện nhanh chóng qua ứng dụng trên smartphone. Ngoài ra, người dùng còn có thể mở tài khoản ngân hàng ngay lập tức mà không cần phải đến ngân hàng để đăng ký…
Tháng 10-2020, Ngân hàng LienVietPostBank trình làng ứng dụng ngân hàng số LienViet24h có thể sử dụng cho cả người chưa có tài khoản ngân hàng. LienViet24h cung cấp các dịch vụ thanh toán 24/7 hơn 200 dịch vụ điện, nước, truyền hình…
Trước đó, nhiều ngân hàng số khác cũng đã xuất hiện như: OCB với ngân hàng số OCB OMNI, TPBank với ứng dụng LiveBank, MSB với ngân hàng thuần số TNEX...
Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp khác cũng đua nhau cải tiến ứng dụng, dịch vụ ngân hàng của mình nhằm cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thanh toán cũng như mang lại sự tiện lợi cho người dùng.
Đích đến chung của các ngân hàng số là đều nhằm đem mọi dịch vụ ngân hàng đến tận tay người dùng để họ có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi qua kết nối Internet mà không cần phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng.
Sẽ có thêm nhiều ngân hàng số
Theo báo cáo Fintech và ngân hàng số 2025 do nền tảng ngân hàng kỹ thuật số Backbase và Công ty nghiên cứu thị trường IDC phối hợp thực hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 8 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam đã xác định ngân hàng lõi (core banking) và hiện đại hóa hệ thống thanh toán là 2 ưu tiên hàng đầu với kỳ vọng tăng trưởng 50% lượng tài khoản mới bằng cách sử dụng tự động hóa thông minh trong khởi tạo tài khoản.
Số hóa mang lại vô số lợi ích cho các hệ thống ngân hàng lõi. Ví dụ với ngành hàng bán lẻ và tiêu dùng, ngân hàng số cung cấp tức thời các sản phẩm, dịch vụ và thông tin chắc chắn sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Với doanh nghiệp, các ngân hàng có thể phục vụ tốt hơn nhờ vào các quy trình tự động và chi phí hoạt động thấp hơn…
"Ngành ngân hàng Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động rất cụ thể để thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025. Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Khi nền kinh tế dần phục hồi từ những thách thức của năm 2020, thị trường sẽ chứng kiến các câu chuyện kỹ thuật số từ phân khúc ngân hàng thương mại cổ phần", ông Riddhi Dutta, giám đốc khu vực châu Á, Backbase, nhận định.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận