Ngành In Việt Nam cơ bản đã được số hóa
- Số hóa tài liệu – Một bước quan trọng trong thực thi Chính phủ điện tử
- Ngành xuất bản chịu tác động rất lớn từ CMCN 4.0
- Nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản trong thời đại công nghiệp 4.0
Ngành in Việt Nam duy trì được nhịp độ phát triển
Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhận định hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế số, cần tìm hướng đi mới cho ngành In. Đây là diễn đàn để đại diện các doanh nghiệp (DN), đơn vị tham gia thẳng thắn đưa ý kiến, đồng thời đề xuất, bàn về giải pháp phát triển ngành in trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT chủ trì Hội nghị. Ảnh: Duy Hiệu
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, hiện cả nước có trên 25.000 DN đăng ký hoạt động in, trong đó chỉ có 2.073 cơ sở in có giấy phép hoạt động, trong đó, DN Việt Nam chiếm 77,3%, DN 100% vốn nước ngoài là 13,7%, còn lại là DN liên kết.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành.
Năm 2019, sản lượng ngành In khoảng 300 tỷ trang A4, tăng 5,4% so với năm 2018, đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Doanh thu toàn ngành In năm 2019 đạt trên 96.000 tỷ đồng (khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2018). Lợi nhuận đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 10,7%, nộp ngân sách Nhà nước 2.313 tỷ đồng (tăng 10,4%).
Ngành In hiện nay cơ bản chuyển sang công nghệ hiện đại trong tất cả công đoạn sản xuất. Quá trình chế bản đã 100% số hóa.
Cả năm 2019, ngành sản xuất trên 4 triệu tấn giấy, tiêu thụ trên 5 triệu tấn giấy. Nguồn giấy in chất lượng cao chủ yếu nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
TS. Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội In TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã có sự tăng trưởng thị trường in bao bì Sự tăng trưởng của khu vực in bao bì đã góp phần làm nên sự tăng trưởng ngành in.
Sau thời gian suy giảm, đến năm 2015, in xuất bản phẩm tăng 2% mỗi năm. In bao bì liên tục tăng trưởng, mỗi năm tăng khoảng hơn 6%. Tăng trưởng này đến từ nhu cầu của thị trường nội tại và đáp ứng nhu cầu các DN đến làm việc ở nước ta.
Ngành in cơ bản đã được số hóa
Thị trường in Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của khu vực và thế giới. Sự chuyển dịch thị trường in từ Trung Quốc, Thái Lan sang Việt Nam vừa là cơ hội nhưng đặt ra không ít thách thức.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên nêu ra một số vấn đề đáng quan tâm cho ngành in trong thời gian tới như tạo điều kiện cho cơ sở in có vốn đầu tư nước ngoài; theo quy hoạch, đến năm 2030, 100% cơ sở in phải đặt ngoài các khu dân cư; Việc phát triển nguồn nhân lực cần được chú trọng; Công tác đấu tranh chống in lậu phải đẩy mạnh.
Điều quan tâm đặc biệt, mà ông Nguyễn Nguyên đặt ra tại Hội nghị đó là ngành in phải có giải pháp phát triển trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngành in cơ bản đã được số hóa.
Ông Ngô Anh Tuấn nhận định, in ấn phải phải trở thành ngành kinh tế số với việc gia tăng các giá trị cộng thêm, hướng tới chất lượng và dịch vụ. Việc số hóa ngành In đã bắt đầu từ rất sớm khi ứng dụng CNTT. Hiện, toàn bộ quá trình chế bản và một phần quá trình in, thành phẩm đã được số hóa. Việc cần làm là đưa các thực thể ngành in vào môi trường thương mại điện tử, sử dụng dữ liệu lớn (big data).
Một số giải pháp cũng được đưa ra tại Hội nghị đó là mô hình kinh doanh ngành in trên Internet như PrintGo một dạng kinh doanh chia sẻ giống Grab, Uber.
Ông Tuấn cũng kiến nghị các đơn vị trong ngành in cần ứng dụng công nghệ quản lý, công nghệ 4.0, theo đó, tập trung việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm thông qua ứng dụng số hóa.
Cũng theo ý kiến của một số đại biểu tham dự Hội nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần đổi mới quản lý để theo kịp mô hình kinh doanh mới: Xuất bản theo yêu cầu, in theo yêu cầu; hướng tới xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng DN thỏa mãn các yêu cầu khắt khe của chuỗi cung ứng đòi quá trình đầu tư lớn.
Về nhân lực, nguồn lực của ngành in, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề xuất mô hình đào tạo gắn với DN, để DN đào tạo cho mình và giúp DN khác. Ngày nay, đôi khi ta coi thường chứng chỉ, nhưng rõ ràng cần chuẩn hóa đào tạo, nhân lực lao động trong ngành.
Vẫn còn những hạn chế
Trên thực tế, ngành công nghiệp In nước ta có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Việt Nam đứng thứ 12 ở châu Á, thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á. Trong khu vực Đông Nam Á, ngành in Thái Lan đứng thứ 1 có 5.000 DN, doanh thu 9,6 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Nguyên, một vấn nạn mà ngành in phải đối mặt là tình trạng in lậu. Điều đó khiến việc đấu tranh chống in lậu gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn lực, kinh phí và thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, ý thức bảo vệ bản quyền chưa cao của cả người tiêu dùng lẫn người sở hữu bản quyền. Thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng in lậu khi sử dụng công nghệ in hiện đại nhằm trốn tránh cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, một số bất cập như nguồn nhân lực, chính sách in vẫn nặng nề nghiêng về hành chính. Nhiều cơ sở in xuất phát từ in xuất bản phẩm, đang chuyển sang in bao bì, chưa có chuyên môn hóa.
Một bất cập nữa được ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam chia sẻ thực trạng nguồn nhân lực của các cơ sở in hiện này trong tình trạng với một máy in hiện đại, các nước khác chỉ cần 2 nhân lực, trong khi chúng ta mất 4 nhân lực vận hành.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định các ý kiến các đại biểu tham dự cho thấy Hội nghị thực sự có ý nghĩa.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý xây dựng định hướng phát triển ngành trong thời gian tới. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh "Chúng ta phải có giải pháp phát triển ngành in trong thời cách mạng công nghiệp 4.0".
Thứ trưởng yêu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành nghiên cứu những đề xuất của DN, hiệp hội. Đồng thời xây dựng kế hoạch truyền thông cho hoạt động in nói riêng về cơ hội ngành In và xây dựng chính sách cho lĩnh vực in và phát hành, để từ đó đưa ra các mục tiêu thực sự có cơ sở và tính khả thi trong thực tế.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục góp ý, theo hình thức gửi thư điện tử. "Phải đổi mới tư duy ngay từ khi quy hoạch chiến lược, tất cả phải dựa trên cơ sở thực tiễn, các con số thực tế để đảm bảo thực thi, đảm bảo chiến lược để DN phát triển", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thông tin và Truyền thông
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận