Facebook: Mua hàng qua Thương mại hội thoại của người Việt cao nhất toàn cầu
Việt Nam đứng thứ 2 khu vực về thị trường Thương mại qua hội thoại. Phát hiện quan trọng này của Facebook phản ánh thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt. Theo đó, các doanh nghiệp có thể đưa ra các giải pháp để cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ nhằm cải thiện đà tăng trưởng sau Covid-19.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp. Đặc biệt, với các doanh nghiệp, trong bối cảnh bị hạn chế bán hàng và giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng, việc duy trì đối thoại với khách hàng không chỉ mang ý nghĩa sống còn, giúp duy trì hoạt động kinh doanh và thúc đẩy doanh số trong giai đoạn khó khăn.
Sự thực, đối thoại cao đang ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong đại dịch Covid-19 như hiện nay. Các cuộc hội thoại đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào nền thương mại, khi những quyết định mua sắm được đưa ra ngày một nhiều hơn thông qua những nền tảng nhắn tin giữa người bán và người mua.
Phát hiện mới đây thông các nghiên cứu được Facebook ủy quyền và thực hiện bởi các bên thứ ba uy tín (như BCG vào tháng 7/2019 và gần đây nhất là Decision Lab vào tháng 6/2021) đã cho thấy tầm ảnh hưởng của Thương mại qua hội thoại, nhất là tại Việt Nam.
Cụ thể:
Việt Nam đứng thứ 2 khu vực về thị trường Thương mại qua hội thoại, xét về tầm ảnh hưởng và mức độ thâm nhập mua sắm. Với 36% người dùng cho biết họ đã từng mua hàng thông qua đối thoại trực tuyến (chat); 53% duy trì việc chat với thương hiệu và người bán trong suốt quá trình mua sắm của mình.
Thương mại qua hội thoại đã giúp gia tăng số lượng người mua hàng lên không gian mạng đạt đến 50%. Con số này tại Việt Nam ấn tượng hơn rất nhiều, khi mà 95% người mua hàng cho biết họ có kế hoạch duy trì, thậm chí tăng chi tiêu cho Thương mại qua hội thoại trong tương lai. Người tiêu dùng Việt cũng thường xuyên mua hàng qua Thương mại qua hội thoại khi có đến một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát mua hàng qua chat ít nhất một lần một tuần. Tỉ lệ này lên tới 58% ở Hà Nội và Tp HCM, cao hơn đáng kể các địa phương khác của cả nước.
Rõ ràng, tương tác giữa người mua và người bán đặc biệt có ý nghĩa trong “giai đoạn cân nhắc”, khi mà 59% số người được hỏi cho biết họ muốn chat với doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin và cân nhắc mua một sản phẩm.
Đây cũng có thể coi là một trong những thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt, khi mà có đến 64% số người lựa chọn mua hàng qua kênh chat để tìm hiểu thông tin chi tiết hơn về sản phẩm và dịch vụ; 61% người mua hàng mong nhận được những tư vấn cặn kẽ, cụ thể dành riêng cho cá nhân. Người tiêu dùng Việt cũng yêu thích Thương mại qua hội thoại hơn so với Thương mại Điện tử, theo đó 55% số người cho biết họ hài lòng với tốc độ phản hồi thông tin nhanh hơn, và 49% lại đánh giá cao tính đơn giản của quy trình mua sắm.
Chỉ số từ các nghiên cứu cũng cho thấy, người dùng Việt có thói quen mua hàng qua Thương mại hội thoại chủ yếu ở các lĩnh vực Thời trang/quần áo, Đồ ăn, Đồ điện tử. Đặc biệt, người dùng Việt cũng có thói quen thanh toán khi nhận hàng (COD) hơn ví điện tử, con số này đặc biệt phổ biến tại Hà Nội và Tp HCM.
Đồng thời, có đến 66% người mua hàng Việt Nam sẵn sàng duy trì với bên bán hàng, đó là một “chỉ số” rất đáng giá của thế hệ Gen X hay Millennials: Xây dựng quan hệ lâu dài với khách hàng thân thuộc. Và đó chính là kết quả tất yếu khi mà có đến 72% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng mua lại từ cùng một cửa hàng.
Các chương trình khuyến mại và sản phẩm/dịch vụ mới cũng là một trong những mối quan tâm của người tiêu dùng Việt, và Facebook Messenger là kênh thông tin được yêu thích nhất (chiếm đến 58%), giúp người tiêu dùng tiếp cận các thông tin mới.
Theo đó, cứ 3 người Việt thì có 2 người khám phá về thương mại qua hội thoại thông qua phương tiện truyền thông xã hội, ví dụ như nội dung quảng cáo trên bảng tin và tin nhắn. Con số này lần lượt là 85% lựa chọn Facebook Messenger và 68% lựa chọn E-commerce.
Instagram Direct và Livestream cũng được xem là một kênh nhiều tiềm năng cho Thương mại qua hội thoại.
Khi có đến 61% người dùng Việt từng mua hàng qua Instagram Direct ít nhất một lần một tuần, chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm Thời trang/quần áo, theo sau là nhóm sản phẩm Chăm sóc sắc đẹp (đây là điểm khác biệt so với các nền tảng khác, khi Thực phẩm thường là nhóm hàng được mua phổ biến thứ hai).
Livestream cũng là một kênh cực kỳ hấp dẫn, khi có đến 60% người mua cũng chat để mua hàng với tần suất tương tự, và nhóm mặt hàng chủ yếu vẫn làThời trang/quần áo, chiếm tới 81% khối lượng mua sắm, vượt xa các nhóm sản phẩm khác.
Thương mại điện tử và mua hàng thông qua Thương mại dưới hình thức hội thoại đã và đang trở thành một xu hướng mới cho hiện tại và nhiều năm sắp tới. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng, mọi lúc, mọi nơi, từ đó doanh nghiệp có thể cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ, nắm bắt các nền tảng để tận dụng lợi thế thương mại hội thoại thúc đẩy những giao dịch thành công.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận