Ẩm thực ba miền: ô mai và cái nôi của văn hóa ăn quà xứ Tràng An
Là một trong những con phố nổi tiếng của 36 phố cổ Hà nội đã từng làm thổn thức bao lòng của những con người Hà thành sành ăn xưa và nay, phố Hàng Đường được biết đến là cái nôi của ô mai, mứt Tết cổ truyền Hà Nội, và cũng là cái nôi của văn hóa ăn quà của người Tràng An.
- Đặc sản vùng Kinh Bắc: Bánh tôm Phủ Tây hồ nức tiếng kinh đô
- "Ngẩn ngơ" trong sắc màu của mùa Thu Hà Nội
- Ẩm thực Việt chinh phục hoàn toàn những thực khách Hàn dù khó tính nhất
Ô mai là món ăn vặt thanh nhã nhất trong đặc sản của người Hà Nội xưa. Những ai ở phương xa khi đến với Hà Nội đều mua ít ô mai chính hiệu “Hàng Đường” về làm quà.
Nằm trong khu phố cổ của Hà Nội, một đầu phố nối với phố Hàng Ngang, đầu còn lại nối với phố Đồng Xuân, cắt ngang phố là phố Hàng Cá và Ngõ Gạch. Tên phố xuất phát từ hoạt động buôn bán các loại bánh kẹo được làm từ đường ở đây, đặc biệt là ô mai và mứt.
Hàng Đường trước năm 1960 (Nguồn: Nhan's Blog)
Không ai biết ô mai Hàng Đường xuất hiện đầu tiên vào thời điểm nào nhưng theo những người lớn tuổi của phố Hàng Đường kể lại thì trước kia, phố Hàng Đường vốn chuyên bán các loại mứt, bánh, kẹo. Đến những năm 1940, một vài hàng ô mai nho nhỏ xuất hiện và từ đó phát triển lớn mạnh ra cả con phố. Những tháng tấp nập nhất là trước Tết và Rằm trung thu. Chính nơi đây đã tạo nên nét văn hóa ăn vặt của người Tràng An.
Cửa hàng bánh kẹo ở Hàng Đường trước năm 1960 (nguồn: Nhan's Blog)
Từ xưa đến nay, ô mai đã đi vào tiềm thức người Việt như một thức quà mang đậm nét văn hóa Hà thành. Nhắc đến món ăn vặt khoái khẩu của dân Hà thành, chắc có lẽ không thể thiếu ô mai, chỉ cần nhắc đến hai từ đó thôi cũng đủ khiến ai cũng phải thòm thèm.
Ô mai Hàng Đường được làm từ nhiều loại trái cây như mơ, chanh, sấu, mận, gừng... và có nhiều màu sắc khác nhau: mơ có màu đen, gừng có màu vàng, đào có màu hồng… Vì thế, các món ô mai nhìn rất ngon mắt. Có khoảng 60 – 70 loại ô mai, trong đó đắt nhất là mơ không hạt. Mỗi cửa hàng bán ô mai lại có một cách nêm nếm hương vị khác nhau mà không hàng nào giống hàng nào, tạo nên những hương vị phong phú cho ô mai nơi này.
Quầy bán ô mai gia truyền (Nguồn: Foody)
Ô mai trở thành món quà quý đối với cả trẻ con lẫn người lớn. Bởi lúc nhỏ thì tò mò và thích thú muốn ăn thử quả ô mai lên phấn trắng được nhấm nháp từng chút một, ngay cả hạt ô mai cũng được ngậm cho hết vị ngọt thơm của cam thảo, sau đó cắn vỡ hạt để cảm nhận vị bùi bùi, đăng đắng của hạt mơ. Còn lúc lớn thì lại thấy nhớ cái vị chua chua ngọt ngọt đọng lại trên đầu lưỡi ấy mà ăn ô mai.
Từ lâu, người xứ Tràng An đã có thói quen ăn vặt trong những lúc rảnh rỗi. Ô mai xuất hiện cả chốn cung đình, nằm cạnh chén trà trong những buổi thưởng nguyệt ngâm thơ. Và ô mai còn là món quà ý nghĩa nhất trong tuổi thơ của mỗi đứa trẻ trông ngóng gánh hàng của bà, của mẹ mỗi chiều tan chợ.
Đa dạng chủng loại ô mai đáp ứng khẩu vị người thưởng thức (Nguồn: Kênh14.vn)
Ngày nay đã xuất hiện rất nhiều món ăn vặt khác đẹp mắt và tiện lợi hơn len lỏi trên các con phố lớn đến những con ngõ nhỏ nhiều đến mức chóng mặt tại các khu vực thành phố, đô thị khiến cho vị thế của món ăn truyền thống này bị suy giảm.
Tuy nhiên với nhiều người Hà Nội, kể cả các thực khách phương xa cũng đều tìm đến những món ăn vặt truyền thống như ô mai khi mua làm quà hay đơn giản chỉ là muốn thưởng thức cái hướng xưa của Hà Nội mà nay không có.
Cho dù trên đời này có bao nhiêu món ăn vặt đẹp mắt, tiện lợi hay độc lạ thì cũng không thể thắng cái phong vị độc đáo riêng của các món quà vặt truyền thống xứ Tràng An. Người ta nói không sai, người Hà Nội khẩu vị tinh tế, vậy nên từng cái hồn của món ăn vặt cũng trở nên thật đặc biệt.
Ngày nay, phố Hàng Đường khác trước nhiều, chỉ còn vài nhà giữ nghề làm ô mai nhưng trong tiềm thức người dân tên phố Hàng Đường vẫn gắn liền với món quà đậm đà bản sắc, tạo nên một nét riêng cho Hà Nội. Và cửa hàng ô mai nổi tiếng nhất còn tồn tại đến ngày nay phải kể đến ô mai Hồng Lam, ô mai Tiến Thịnh, ô mai Gia Lợi.
Cửa hàng ô mai Gia Lợi có tuổi đời tính đến nay đã hơn 100 năm (Nguồn: Toplist.vn)
Những cửa hàng ô mai ấy không chỉ giữ nguyên vị chua ngọt thanh nhẹ mà còn phát triển thêm nhiều loại mới đáp ứng khẩu vị người dùng. Và hơn hết, chính món ô mai mang đậm dấu ấn lịch sự Hà Nội sẽ mãi là hình ảnh tiêu biểu cho tính cách thanh nhã con người Hà Thành khiến cho bao thực khách muốn thử rồi nhớ mãi không quên.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận