Câu chuyện đầy xúc động đằng sau đại lễ vu lan vào mỗi Rằm tháng Bảy âm lịch
Lễ Vu Lan chính là dịp để ta đền đáp công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của ba mẹ. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hàng năm, trở thành một trong những ngày lễ không thể thiếu với người Việt Nam, mang đậm những nét nhân văn, đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta.
Theo quan niệm của ông bà từ xa xưa thì tháng bảy âm lịch được coi là thời điểm dễ bị vận xui đeo bám, gặp nhiều rủi ro trong cuộc sống, dân gian gọi đây là tháng Bảy “cô hồn”. Thế nhưng Tháng Bảy âm lịch không chỉ là tháng chứa đầy sự xui xẻo mà trong tháng này còn diễn ra một dịp lễ vô cùng ý nghĩa đó chính là lễ Vu Lan. Dịp lễ với mục đích cốt lõi là để những người con báo hiếu báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ cũng như bày tỏ lòng thành kính với họ.
Thả đèn hoa đăng để cầu siêu cho người đã mất trong Tháng Bảy Âm lịch. Ảnh: nghialee
Nguồn gốc của cái tên Vu Lan
Lễ Vu Lan (hay còn được gọi là Vu Lan báo hiếu) là một trong những ngày lễ lớn trong Phật giáo (Đại thừa Bắc tông) và của văn hóa Trung Hoa nhằm tưởng nhớ, báo hiếu công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, tổ tiên. Ngoài ra, con cái trong nhà cũng sẽ phóng sinh hoặc làm phước để cha mẹ được hưởng công đức, tích đức cho chính con cháu dòng họ sau này.
Theo “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” tác giả Ngô Sĩ Liên, đại lễ Vu Lan đã du nhập vào Việt Nam từ khá sớm - năm 1072 và vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ. Trải qua nhiều thế hệ cho tới giờ đây, lễ Vu Lan không chỉ là một ngày lễ dành riêng cho phật tử mà chính thức trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.
Chữ "Vu Lan" là cách gọi ngắn của từ "Vu Lan Bồn", được chuyển kí tự chữ thành từ “ullambhana” trong tiếng Phạn mang nghĩa cho “sự giải thoát”, ở đây chỉ sự giải thoát cho những kẻ khốn khổ tột cùng ở địa ngục. Bởi theo truyền thuyết dân gian cho rằng cứ mỗi năm một lần vào Tháng Bảy Âm Lịch thì Qủy Môn Quan mở và tất cả linh hồn dưới địa ngục được tự do đi lại trên dương thế.
Chữ "Vu Lan" là cách gọi ngắn của từ "Vu Lan Bồn". Ảnh minh họa.
Nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan ra đời dựa theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca). Với tấm lòng hiếu thảo, ngài đã cứu được mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Khi Đại Đức Mục Kiền Liên tu luyện thành công, ngài nhớ tới người mẹ Thanh Đề đã khuất của mình nên đã dùng mắt phép tìm kiếm khắp nơi xem bà đã đi đâu, về đâu. Không ngờ, kết quả nhìn thấy lại khiến Đại Đức Mục Kiền Liên vô cùng đau lòng. Ngài thấy mẹ đang bị đày thành ngạ quỷ, đi lang thang khắp nơi, cực khổ, đói khát bởi những việc ác trước đây mà bà đã thực hiện.
Quá đau lòng, Đại Đức Mục Kiền Liên liền dùng phép thần thông để biến ra cơm đưa tới tận địa ngục cho mẹ nhưng tiếc thay những thức ăn ấy đều bị hóa thành lửa. Không đành lòng nhìn mẹ chịu cực khổ, ngài bèn cầu cứu tới Phật Tổ. Phật liền dạy rằng, dù thần thông quảng đại tới đâu thì ông cũng không thể đủ sức để cứu mẹ. Cách duy nhất đó chính là nhờ sức mạnh của chư tăng mười phương.
Ảnh minh họa.
Và ngày rằm tháng bảy (15/07) chính là ngày thích hợp để thỉnh chư tăng, sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để cứu lấy phước cho mẹ. Phật cũng nói thêm rằng “Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng dùng cách này". Và ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời từ đó.
Lễ Vu Lan sinh ra với mục đích như ta có thể rõ rang chính là ngày con cái báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ (của kiếp này và cả kiếp trước). Người là cha mẹ vì con cái mà hy sinh rất nhiều, bỏ bao công sức nuôi dạy ta nên người mà không mong đổi lại gì cả. Lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.
Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Ảnh minh họa.
Một tháng lễ Vu Lan nữa lại về, mỗi chúng ta hãy nhớ giữ trọn chữ hiếu, đừng để khi hết cơ hội báo đáp mới hối hận thì lúc ấy đã muộn. Chúc cho tất cả những người con trên đời này luôn biết làm tròn đạo hiếu, biết thương yêu thờ kính với tổ tiên, cha mẹ, luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục để những đứa con ấy lớn khôn nên người.
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận