Viễn thông băng thông rộng giữ vai trò gì trong nền kinh tế số?
Kinh tế số sẽ là tương lai của Việt Nam với nền tảng trụ cột là hạ tầng viễn thông số băng thông rộng tạo kết nối giữa các thành phần trong nội tại mà không có độ trễ như các mãng viễn thông hiện đang vận hành.
- Diễn đàn Thế giới Băng thông rộng 2020 vinh danh giải pháp Huawei AirPON
- Sếp Qualcomm: Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm triển khai mạng 5G, dự báo sẽ phủ sóng tương đối vào năm 2020-2021
- Cả 3 ông lớn viễn thông Việt Nam tiếp tục được gia hạn giấy phép thử nghiệm mạng 5G
Trong những năm gần đây, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển của các nền kinh tế trên thế giới. Theo các chuyên gia, hạ tầng viễn thông băng thông rộng chính là nền tảng và trụ cột của nền kinh tế số ở các quốc gia.
Nền tảng viễn thông băng thông rộng là gì?
Khái niệm băng thông, tiếng Anh là Bandwidth (the width of a band of electromagnetic frequencies) là tốc độ truyền dữ liệu của một đường truyền, hay còn có nghĩa là độ rộng (width) của một dải tần số mà các tín hiệu điện tử chiếm giữ trên một phương tiện truyền dẫn.
Viễn thông băng thông rộng sẽ giúp kết nối không có độ trễ với các thành phần trong nền kinh tế số.
Nếu có một nền tảng băng thông rộng tốt, thì các tín hiệu truyền đi sẽ được xử lý nhanh chóng, chính xác, giúp nhiều người có thể cùng lúc truy cập, truyền tải dữ liệu mà không sợ bị tắc nghẽn, quá tải hay tốc độ chậm. Điều này rất quan trọng trong phát triển kinh tế số.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu đã dẫn tới sự bùng nổ dữ liệu internet. Mọi người trên thế giới dành nhiều thời gian hơn cho việc giao dịch, học và làm việc tại nhà.
Những thay đổi này đã hình thành một phương thức tương tác xã hội mới thông qua kết nối mạng băng thông rộng, cho phép nhiều hoạt động giao dịch, giải trí, gặp gỡ với các đối tác, bạn bè và người thân trong nhà diễn ra bình thường mà lại đảm bảo an toàn.
Chính vì vậy, truy cập băng thông rộng hiệu quả với mức cước phí hợp lý đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã chiến lược phát triển băng thông rộng ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ở châu Á, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia là một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển hạ tầng băng thông rộng.
Coi chiến lược này như “phép nhiệm màu bên sông Hàn”, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển hạ tầng internet băng thông rộng, xây dựng chính phủ điện tử... tại tất cả các địa phương, vùng miền.
Ở Malaysia, sáng kiến băng thông rộng quốc gia ưu tiên kết nối các cộng đồng nông thôn đã tạo ra nhu cầu internet toàn diện, phổ biến. Malaysia từng được coi là một trong những thị trường băng thông rộng di động cạnh tranh nhất thế giới.
Trong khi đó, Ấn Độ lại phát triển các dự án kết nối internet băng thông rộng tới tận nông thôn, để người dân có thể lên mạng tìm hiểu thông tin giá cả thị trường các mặt hàng nông sản, các nội dung thông tin về y tế, giáo dục, thời tiết trực tuyến….
Nhờ tìm hiểu trên mạng internet, nhiều nông dân Ấn Độ đã biết được những địa chỉ bán hàng với giá cao hơn so với việc phải thông qua trung gian thứ ba, hay như xâm nhập được vào các thị trường rộng lớn hơn. Internet không chỉ giúp những người nông dân Ấn Độ chủ động nắm bắt được nhiều thông tin mà còn làm thay đổi cuộc sống của họ...
Băng thông rộng giúp kinh tế số phủ khắp Việt Nam
Cùng với xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới, để trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, Việt Nam cũng hướng tới phát triển mạng băng thông rộng tới tất cả các vùng, miền trên cả nước.
Sóng 5G sẽ tạo độ phủ trên vùng rộng lớn từ thành thị đến nông thôn.
Chính phủ cũng xác định hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng thông rộng di động lẫn băng thông rộng cố định, là một trong những trụ cột của nền kinh tế số hiện nay và là nền tảng cho kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Khái niệm hạ tầng số theo Bộ TT&TT bao gồm: hạ tầng viễn thông băng thông rộng và các nền tảng IoT, AI, Big Data, an ninh mạng, định danh số và thanh toán điện tử. Trong đó, hạ tầng viễn thông băng thông rộng (gồm cả di động và cố định) sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của kinh tế-xã hội.
Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" do Google, Temasek và Bain thực hiện cho thấy, nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỉ USD, cao hơn 2 tỉ USD so với giá trị của cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ người dùng internet mới cao nhất trong khu vực.
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những nước có hạ tầng mạng băng thông rộng có chất lượng tốt nhất trong khu vực và không ngừng phát triển mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, đến hết tháng 2/2021, tổng số thuê bao băng thông rộng cố định vượt 17,2 triệu thuê bao; tổng thuê bao băng thông rộng di động đạt gần 69,5 triệu thuê bao.
Đặc biệt, chỉ trong vòng 2 tháng do tác động của dịch COVID-19, doanh thu từ dịch vụ viễn thông tăng gần 28% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển những ngành nghề liên quan trên nền tảng viễn thông mới nhất, từng bước hiện thực hóa kinh tế số hiện nay.
Thực tế cũng chứng minh, chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế-xã hội khác, như: thanh toán và thương mại điện tử, tự động hóa, dịch vụ nội dung số, truyền hình, nghe nhìn trực tuyến, giáo dục, y tế…
Đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, từ nhà mạng viễn thông đến các nhà phát triển nội dung số, hệ sinh thái di động và những nhà sản xuất thiết bị đầu cuối viễn thông, internet kết nối vạn vật..
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Việt Nam hiện là một trong ba quốc gia châu Á có mức tăng trưởng tích cực, quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỉ USD (Singapore đạt 337,5 tỉ USD và Malaysia đạt 336,3 tỉ USD).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để góp phần hiện thực hóa đề án chuyển đổi số quốc gia vào năm 2030 và thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số, các hoạt động đầu tư, khai thác viễn thông tại Việt Nam cần nhiều đổi mới, tạo bước phát triển nhảy vọt.
Việt Nam sẽ bắt nhịp cùng thế giới triển khai mạng 5G
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số, xã hội số. Trong vòng 10 năm tới, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi lớn của xã hội loài người. Đó là sự chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới ảo, sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội sang môi trường số, dữ liệu sẽ trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia và sự phát triển mạnh mẽ của kết nối vạn vật.
Thứ trưởng Phan Tâm: Việt Nam sẽ bắt nhịp cùng thế giới trong triển khai mạng 5G.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới càng làm nổi bật vai trò quan trọng của việc kết nối, giúp các nền kinh tế và xã hội hoạt động tốt. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, đây là cơ hội lớn của kinh tế số, chuyển đổi số từ công nghệ 5G, hạ tầng băng thông rộng nói riêng và hạ tầng số nói chung.
Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, năm 2020, ba nhà mạng lớn của Việt Nam (VinaPhone, MobiFone, Viettel) đã triển khai thử nghiệm dịch vụ 5G tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Đây là nền tảng băng thông rộng tiên tiến với tốc độ lên tới hàng chục gigabit/giây, cung cấp các dịch vụ có độ tin cậy cao và độ trễ siêu thấp.
Năm 2021, Việt Nam tiếp tục thử nghiệm 5G trên diện rộng và các thiết bị 5G sản xuất trong nước (make in Vietnam) đang được đầu tư, nghiên cứu để phục vụ nhu cầu của người Việt. Trong đó, Việt Nam đặc biệt quan tâm ứng dụng 5G vào nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược TT&TT, năm 2025, tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,34%. Có thể thấy, đây sẽ là những đóng góp tích cực của băng thông rộng di động cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận