Hertz chấm dứt 102 năm tồn tại vì COVID-19
Sau 102 năm tồn tại, ông lớn cho thuê xe Mỹ Hertz Global Holdings Inc đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản do doanh thu của hãng này đã bị dịch COVID-19 làm kiệt quệ.
- Hà Nội thí điểm mô hình cho thuê xe đạp điện qua ứng dụng chia sẻ tại Hoàn Kiếm
- Hà Nội: Siết quy định mua bán, đầu tư, cho thuê nhà ở xã hội
- Bộ TT&TT yêu cầu quản chặt việc cho thuê, sử dụng máy chủ, chỗ đặt máy chủ
Ngày 22/5, Hertz Global Holdings Inc, công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe có tuổi đời 102 năm tại Mỹ, đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản do hoạt động kinh doanh kiệt quệ vì tác động của đại dịch COVID-19.
Hertz Global Holdings Inc phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các sân bay nên việc phá sản là tất yếu.
Theo đó, Ban giám đốc Hertz's đã chấp thuận cho công ty nộp đơn bảo hộ phá sản theo Chương 11 lên tòa án ở bang Delaware, Mỹ. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh quốc tế bao gồm châu Âu, Australia và New Zealand của công ty sẽ không nằm trong hồ sơ xin phá sản ở Mỹ.
Phần lớn doanh thu của Hertz có được nhờ các hợp đồng cho thuê xe ở các sân bay. Vì vậy hoạt động của công ty đã bị thu hẹp đáng kể từ giữa tháng Ba, sau khi Chính phủ Mỹ ban hành các biện pháp hạn chế đi lại và yêu cầu người dân ở nhà nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan.
Đến cuối tháng 3/2020, khoản nợ của Hertz đã tăng lên tới 18,7 tỷ USD, trong khi công ty này chỉ còn 1 tỷ USD tiền mặt khả dụng. Vào giai đoạn đó, Hertz đã buộc phải sa thải 12.000 lao động và cho 4.000 nhân viên khác nghỉ việc tạm thời, cắt giảm 90% hoạt động mua lại phương tiện và ngừng tất cả các chi tiêu không cần thiết.
Công ty khi đó cũng cam kết sẽ đưa ra những biện pháp giúp họ tiết kiệm 2,5 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí này đã được thực hiện quá muộn để có thể cứu Hertz, công ty cho thuê ô tô số 2 tại Mỹ.
Giới quan sát tỏ ra không mấy bất ngờ trước thông tin Hertz nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản. Trong báo cáo quý I nộp lên các nhà quản lý thị trường chứng khoán Mỹ hồi đầu tháng Năm, công ty đã cho biết họ có thể không trả được nợ hoặc tái cấp vốn và có thể không có đủ tiền mặt để tiếp tục hoạt động.
Hertz là một trong những công ty lớn nhất tại Mỹ đệ đơn bảo hộ phá sản vì tác động của đại dịch. Hầu hết các công ty phá sản hoặc đệ đơn xin bảo hộ phá sản là những công ty phụ thuộc vào nhu cầu người tiêu dùng như các nhà bán lẻ, nhà hàng, công ty xăng dầu.
Trước đó, Hertz từng cho biết có thể tránh kịch bản phá sản nếu nhận được gói cứu trợ từ các chủ nợ hoặc tiếp cận khoản hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Mỹ trong khuôn khổ gói cứu trợ 2.300 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp chịu tác động của COVID-19.
Tuy nhiên, Hertz không thể tiếp cận cả hai nguồn hỗ trợ trên. Kể cả trước khi đại dịch xảy ra, Hertz và các đối tác đã gặp khó khăn về tài chính khi ngày càng nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ gọi xe như Uber.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận