Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cảnh báo phụ huynh đưa trẻ đi khám nếu có một trong các triệu chứng như sốt cao, rối loạn tri giác; nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, nhợt nhạt; vàng mắt và da, ngứa da.
- Dữ liệu ban đầu về vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi
- Virus SAR-CoV-2 dường như không ảnh hưởng tới chức năng phổi ở trẻ em và thanh thiếu niên
- 1,3 tỉ trẻ em trên thế giới bị "cô lập" với thế giới hiện đại khi ở nhà phòng dịch COVID-19
Các dấu hiệu cảnh báo khác là trẻ cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc; cảm thấy không khỏe; ăn mất ngon, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa; đau cơ và khớp, theo bác sĩ Lê Thanh Phuông, Trưởng Đơn vị chuyên khoa gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Gần đây, hàng trăm ca viêm gan bí ẩn được ghi nhận ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á với trẻ trong độ tuổi từ 1 tháng đến 16 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
Đến nay, 4 trường hợp tử vong trên toàn cầu, hàng chục trẻ cần phải ghép gan, số mắc mới không ngừng tăng lên. Trẻ có ít nhất một trong các triệu chứng bao gồm sốt, buồn nôn, nôn mửa, vàng da - mắt, tiêu chảy, co giật và mất ý thức. Hiện, Việt Nam chưa ghi nhận ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.
Theo bác sĩ Phuông, viêm gan là tình trạng viêm của gan. Trong đó, viêm là một phản ứng miễn dịch chung đối với nhiễm trùng hoặc chấn thương - một dấu hiệu cơ thể đang cố gắng chống lại một căn bệnh tiềm ẩn. Viêm gan ở trẻ em có nhiều nguyên nhân, thường liên quan đến nhiễm virus. Phổ biến nhất trong số này là 5 loại virus viêm gan gồm viêm gan virus A, B, C, D và E. Các virus khác như adenovirus, CMV, EBV... có thể gây viêm gan, nhưng trường hợp này rất hiếm.
"Điều bất thường là trong số hàng trăm ca viêm gan cấp đang được ghi nhận, không có bệnh nhân nào mắc một trong 5 loại virus viêm gan phổ biến, khiến các cơ quan y tế công cộng đang phải tập trung tìm kiếm câu trả lời", bác sĩ Phuông chia sẻ. Giả thuyết hàng đầu được đặt ra là adenovirus nhưng lý do này cũng đang được điều tra thêm để xác nhận cũng như loại trừ các nguyên nhân có thể có khác như virus mới.
Tại Việt Nam chưa phát hiện trẻ nào bị mắc bệnh lý này.
Đến nay, đã có những gợi ý rằng virus gây Covid-19 có thể đứng sau những trường hợp viêm gan này, vì nCoV đã được phát hiện ở một số trẻ. Hiện, không có bằng chứng cho thấy vaccine ngừa Covid-19 liên quan gì đến sự gia tăng đột biến các ca viêm gan. Ở Anh, nơi tập trung nhiều ca viêm gan nhất, không có trường hợp nào trong số này được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Một khả năng khác đang được các nhà khoa học đặt ra, đây là một bệnh viêm gan mới do sự tương tác giữa các virus, ví dụ như adenovirus và coronavirus đều lây nhiễm cho cùng một đứa trẻ. Bệnh cũng có thể do một loại virus hoàn toàn khác chưa được phát hiện gây ra.
Báo cáo của Anh cho thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng adenovirus, một loại virus phổ biến ở trẻ em, có thể đóng một vai trò nào đó trong đợt bùng phát bệnh viêm gan này. Trong số 53 bệnh nhân ở Anh được xét nghiệm adenovirus, 40 bệnh nhân dương tính.
Một nghiên cứu ở Mỹ ghi nhận tất cả 9 đứa trẻ viêm gan cấp đều là bệnh nhân tại Children’s of Alabama, đến từ các vùng khác biệt về địa lý của tiểu bang, không có mối liên hệ dịch tễ học, đều dương tính với adenovirus.
Adenovirus là một bệnh nhiễm virus rất phổ biến ở người, đặc biệt là trẻ em. Gần như mọi đứa trẻ đều bị nhiễm adenovirus ít nhất một lần trước 10 tuổi.
Trong đó, adenovirus type 41 chủ yếu lây lan qua đường phân - miệng và chủ yếu ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm dạ dày - ruột cấp tính ở trẻ em, điển hình là tiêu chảy, nôn ói và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp.
Ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (bất kỳ ai có hệ thống miễn dịch hoạt động không bình thường, chẳng hạn như những người trải qua cấy ghép nội tạng hoặc điều trị ung thư), adenovirus trong một số trường hợp hiếm gặp có thể gây ra bệnh viêm gan. Nếu adenovirus là nguyên nhân của những trường hợp mắc mới hiện nay, có nghĩa một biến thể mới của adenovirus đã xuất hiện dễ gây viêm gan hơn.
Theo bác sĩ Phuông, nếu adenovirus là nguyên nhân chính của những ca viêm gan cấp, vấn đề đặt ra là chúng ta có thể làm gì để chống lại nó và giảm thiểu mọi nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Adenovirus lây lan trong không khí và qua tiếp xúc. Biện pháp phòng ngừa chính là rửa tay đối với trẻ em và người lớn, cùng với vệ sinh hô hấp tốt, chẳng hạn như ho vào khuỷu tay. Những việc này có thể giúp ngăn ngừa adenovirus và các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây viêm gan.
Bác sĩ khuyến cáo các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp ở trẻ có thể đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh viện đã phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford triển khai quy trình xét nghiệm Realtime PCR chẩn đoán adenovirus gây viêm gan cấp một cách chuẩn nhất, cho kết quả chính xác nhất có thể.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận