Kỹ sư làm việc bên trong nhà máy ô tô Daimler ở Sindelfingen, gần Stuttgart, Đức. Ảnh: nytimes.com
Tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao trên thị trường lao động Đức đang quay trở lại. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đối với các kỹ sư, kỹ thuật viên trình độ cao ngày càng tăng.
Một báo cáo phân tích của IW cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, đặc biệt là tại những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, đang tăng lên nhanh chóng. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2020 do đại dịch COVID-19, nhu cầu này hiện đã trở lại ngang bằng mức trung bình những năm trước khủng hoảng.
Theo báo cáo của IW, nhu cầu lao động trình độ cao tăng lên trước hết là do nền kinh tế Đức đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực số hóa và hướng tới các mục tiêu khí hậu mới. Cùng với đó, sự thay đổi cơ cấu nhân khẩu học (già hóa dân số tăng nhanh) cũng làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nhân lực trẻ, trình độ cao.
Trong tất cả chuyên ngành thuộc lĩnh vực như toán học, công nghệ, khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin, nếu nhu cầu nhân lực trong tháng 9/2020 chỉ đạt mức 49% so với mức trung bình những năm trước khủng hoảng COVID-19, thì đến tháng 4/2021, con số này đã tăng trở lại và đạt 68%.
Với những ngành nghề cần tuyển lao động tốt nghiệp đại học trở lên và chuyên gia công nghệ thông tin, nhu cầu hiện tại gần như đã ngang bằng với nhu cầu bình quân của các năm trước khủng hoảng.
Theo một nghiên cứu khác, trong tháng 4/2021 các doanh nghiệp ở Đức có nhu cầu tuyển dụng tổng cộng 360.000 nhân lực trong những lĩnh vực cần lao động trình độ cao. Trong khi, theo tính toán của các chuyên gia nghiên cứu, có tổng cộng khoảng 228.000 lao động đang thất nghiệp.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người thất nghiệp này đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp, nên theo các chuyên gia nghiên cứu, thực tế các doanh nghiệp đang thiếu hụt khoảng 145.000 lao động trình độ cao mà chưa có nguồn tuyển chọn, nhiều hơn gần 40.000 người so với tháng 9/2020.
Ngoài bối cảnh hiện tại, sự thiếu hụt lao động trong tương lai có thể sẽ còn lớn hơn vì đến năm 2030, khoảng hơn 330.000 lao động lành nghề phải về hưu do vấn đề tuổi tác, trong khi số lượng lao động thay thế chưa thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh tìm chọn, tuyển dụng lao động trình độ cao để hướng tới quy trình sản xuất số hóa hiện đại và thân thiện với môi trường, khiến tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng.
Theo một nghiên cứu do nhóm nghị sĩ đảng Xanh trong Quốc hội liên bang Đức tổ chức, đến năm 2030, nước này cần khoảng 450.000 lao động lành nghề chỉ để đảm nhiệm các công việc liên quan đến trung hòa khí hậu trong các ngành kinh tế chính.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận