Những cuộc trao trả đầy nhân văn thời chiến tranh Lê – Mạc
Chiến tranh thời nào cũng vậy, phải đến khi hưu chiến, hai bên mới trao đổi tù binh hay hài cốt người đã mất cho nhau. Nhưng ở nước ta giữa thế kỷ XVI, giữa lúc chiến tranh giữa quân Mạc và vua Lê – chúa Trịnh diễn ra căng thẳng, lại có những cuộc trao đổi thi hài các danh tướng rất lạ lùng, đáng để đời sau lưu tâm.
Cảnh triều đình nhà Lê trung hưng năm 1684-1685 do Samuel Baron vẽ.
Vụ trao đổi thi hài Trịnh Cối
Trịnh Cối là con trai trưởng của Thượng tướng Thái quốc công Trịnh Kiểm, công thần giúp các vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông trung hưng chống lại nhà Mạc.
Ông là con của Chính phi Thái vương phu nhân Lại Thị Ngọc Trân, người làng Long Phúc, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An về đời Lê (nay là tỉnh Hà Tĩnh). Bà là con gái Thái tể Trang quốc công Lại Thế Vinh.
Năm 1570, Trịnh Kiểm qua đời, Trịnh Cối lúc đó được phong tước Tuấn Đức hầu, được nhà vua cho thay cha lĩnh binh quyền coi quân đánh giặc. Tuy nhiên, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, Trịnh Cối đam mê tửu sắc, kiêu ngạo chơi bời, không thương quân lính, nên các tướng hiệu ngả lòng, người giúp đỡ ngày một ít, dần sinh biến.
Do đó, các tướng như Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách… ép con thứ của Trịnh Kiểm là Phúc Lương hầu Trịnh Tùng phải làm binh biến lấy lại quyền hành, ép vua dời hành tại vào cửa quan Vạn Lại, chia quân đóng giữ. Trịnh Cối đốc thúc quân đánh lại, vua Lê Anh Tông dàn hòa cũng không được, mà còn bị thủ hạ của Trịnh Cối là Lại Thế Mỹ thúc quân đánh vào.
Quân của vua Lê cũng nỗ lực chống lại, suốt ngày đêm không nghỉ, Trịnh Cối đành phải rút quân ra giữ những nơi xung yếu như các cửa biển Linh Trường, Chi Long (cửa sông Lèn), Thần Phủ, cửa Du Xuyên (cửa Bạng), Ngọc Giáp (cửa Ghép)…
Sau đó, quân Mạc do Mạc Kính Điển chỉ huy lại kéo vào xâm lấn. Khi đến Hà Trung, quân Mạc đóng dinh ở sông, hai bên bờ sông khói lửa liên tiếp đến 10 dặm. Trịnh Cối tự liệu sức mình không chống nổi, thấy thế ngày một cô lập, bèn đem bộ hạ và vợ con sang hàng họ Mạc.
Mạc Kính Điển chấp nhận cho đầu hàng, phong Trịnh Cối làm Trung Lương hầu, trong khi Lại Thế Mỹ được phong Khánh quận công, Nguyễn Sư Doãn được phong Lý quận công.
Ở triều đình vua Lê, vua Anh Tông bèn sắc phong cho Trịnh Tùng làm Trưởng quận công tiết chế thủy bộ chư dinh, cầm quân đánh lại quân Mạc. Trận này vua Anh Tông tự làm đô tướng thống đốc đại binh cùng đánh giặc, dụ hàng được Vũ Sư Thước, rồi dần đánh lui được quân Mạc.
Đến mùa đông, Mạc Kính Điển bàn với thuộc hạ rằng “Tiến quân đánh giặc mạnh, đã trải qua 9 tháng mà không thành công. Vả lại năm nay mùa đông sông cạn, lại thêm nước mùa xuân mới sinh, sắp có khí độc, quân không đủ ăn, người nào cũng nhớ quê, còn ai cùng lòng hết sức với ta nữa. Chi bằng hãy tạm rút quân về, sẽ đánh lần sau để lấy toàn thắng!”, rồi nhổ trại mà về.
Trịnh Cối cùng mẹ là Thái vương phu nhân cùng vợ con và các tướng là Lại Thế Mỹ, Trương Quốc Hoa cũng đành đem theo 1000 thuộc hạ theo Mạc Kính Điển về Thăng Long theo họ Mạc.
Đến năm Quang Hưng thứ 7 (1584), ngày 4, tháng 9 Trịnh Cối chết. Trịnh Cối tự khi ra hàng họ Mạc, đầu tiên được trao tước Trung lương hầu, sau tiến lên chức Trung quận công.
Nghe tin Trịnh Cối chết, Mạc Mậu Hợp sai người tới phúng tế, và sai quân hộ tống linh cữu, cho thân mẫu là Thái vương phu nhân và vợ con được đưa linh cữu về xứ Thanh Hoa an táng.
Đó là muốn tỏ thiện ý để thông hảo với vua Lê, chúa Trịnh. Về phần chúa Trịnh Tùng, cũng dâng biểu lên xin Hoàng đế tha tội cho Trịnh Cán, và truy tặng tước Thái phó Trung quận công, rồi sai người tới núi Nga Sơn tiếp đón linh cữu, đưa về an táng tại núi Quân An (huyện Yên Định, Thanh Hóa ngày nay). Trịnh Tùng cũng cho con mình là Trịnh Sâm để tang bác (Trịnh Sâm này không phải chúa Trịnh Sâm cuối thời Lê).
Trịnh Mô được đưa về tận Nghệ An chôn cất
Trịnh Mô vốn tên là Nguyễn Cảnh Hoan, quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, dòng dõi Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị. Ông là con trai Nguyễn Cảnh Huy, khi Nguyễn Kim đưa vua Lê Trang Tông lên ngôi, hai cha con ông tìm đến phò giúp, Nguyễn Cảnh Huy được phong làm Bình Dương Hầu, Cảnh Hoan tước Dương Đường Hầu dưới quyền điều khiển của Nguyễn Kim.
Năm 1553, Nguyễn Cảnh Hoan đã được phong tước Tấn quận công, lập nhiều công trạng, được gia phong làm Thái bảo. Thái sư Trịnh Kiểm thấy ông là người trí dũng mưu lược, đánh đâu được đấy, là một tướng tài, nên đặc biệt yêu mến, cho đổi tên là Trịnh Mô, làm thần tử thân thuộc của Thái sư.
Tháng 2/1571, khi vua Lê Anh Tông gia phong cho con của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng làm Thái úy Trưởng quốc công, Trịnh Mô được gia phong làm Thiếu phó ngồi hàng dưới.
Năm 1573, khi Trịnh Tùng phế vua Lê Anh Tông, đưa hoàng tử Lê Duy Đàm lên ngôi, tức vua Lê Thế Tông, Trịnh Tùng được phong làm Đô tướng, Thái úy Trưởng quốc công.
Trịnh Mô là chiến tướng xông pha nhiều năm, rất có tiếng tăm, có tài biện luận nên được phong sang ban văn làm Hiệp mưu công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Binh bộ thượng thư, Thái phó, kiêm Hành tướng sự.
Lúc này, quân nhà Mạc có nhiều tướng tài như Mạc Kính Điển, Nguyễn Quyện thường xuyên đưa quân vào xâm lấn vùng đất thuộc quyền của vua Lê, chúa Trịnh, từ Thanh Hóa đến Nghệ An.
Các trận này, Nguyễn Quyện thường xuyên giành thắng lợi, quân dân Thanh, Nghệ luôn gặp khốn đốn vì chiến tranh. Năm 1572, Nguyễn Quyện đánh Nghệ An, đuổi Hoành quận công bỏ chạy đến châu Bố Chính rồi đuổi theo bắt được, đem về Thăng Long giết.
Cuối năm 1573, Nguyễn Quyện dùng phục binh bắt được Lại Quận công Phan Công Tích, đem về Thăng Long. Năm 1574, quân Mạc lại đánh Nghệ An, bắt được tướng trấn thủ là Hoằng quận công.
Bính Tý, năm thứ 4 (1575), Mạc Kính Điển đem quân xâm lược Thanh Hóa, tiến đánh sông Chu, đồng thời sai Nam đạo tướng quân Nguyễn Quyện vào đánh Nghệ An, bên nhà Lê, Tấn quận công Trịnh Mô cùng Nguyễn Quyện đương đầu tới vài tháng.
“Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ tục biên” chép: “Sau Trịnh Mô nhiều lần không đánh được, trốn về Thanh Hóa, đến huyện Ngọc Sơn (huyện Tĩnh Gia ngày nay).
Nguyễn Quyện bảo tướng hiệu rằng: “Trịnh Mô đánh thua chạy về, quân đi không có hiệu lệnh, ta thế nào cũng bắt được”. Bèn tự đốc quân đến Ngọc Sơn, bắt được Trịnh Mô ở giữa đường đưa về kinh”.
Nhờ chiến công này, theo “Toàn thư” thì: “Từ đấy oai thanh của Nguyễn Quyện ngày một lừng lẫy, làm danh tướng của họ Mạc. Các tướng mạnh tôi giỏi của miền Giang Đông đều cho là mình không bằng”. (Miền Giang Đông tức miền phía Đông sông Hồng, thuộc phạm vi quản lý của nhà Mạc).
Khi Trịnh Mô bị giam ở Thăng Long, Trịnh Tùng phái người ra bắc tìm cách đem vàng chuộc ông nhưng không được. Nhà Mạc biết ông là tướng giỏi bèn cho các đại thần, đặc biệt là Nguyễn Quyện tới tìm cách lôi kéo nhưng ông đều cự tuyệt.
Có lần Trịnh Mô nói thẳng với Nguyễn Quyện rằng: “Số phận của Mô đã được định đoạt, chỉ mong có chết mà thôi”. Nguyễn Quyện nói: “Hoàng triều không hám giết người, hà tất phải cầu chết.
Tấn quận công đáp rằng: “Ta thờ vua Lê chúa Trịnh, chỉ nghĩ tới trung hiếu, muốn để tiếng thơm lại muôn đời. Không may đến nước này, sống gửi thác về, có gì mà sợ”.
Quyện vờ cười nói: “Ta nghe ở thôn quê có câu sấm truyền rằng: ‘Mô giả, Mạc mộc giả, bất vi Mạc dụng, tất thành hưu mộ chi khôi’, nghĩa là ‘Mô là cây của Mạc, nếu không được Mạc dùng, ắt sẽ thành tro dưới mồ thôi’. Ở đây, Nguyễn Quyện dùng cách chiết tự chữ Mô, gồm chữ Mộc ghép với chữ Mạc.
Nhưng cũng bằng cách chiết tự, Trịnh Mô đã dõng dạc đáp lại: “Quyện giả, quyển nhân giã; hữu vi ư quyền, quả thụ khuyên tù chi nhục”, dịch nghĩa là: “Quyện là người của sách, vì quay lưng lại sách, quả nhiên bị cái nhục cầm tù”, nhưng là cách chơi chữ, khi chữ Quyện là tên Nguyễn Quyện, gồm chữ Quyển là sách vở, ghép với chữ Nhân là người.
Ngày 16 tháng 9 năm 1576, Trịnh Mô, tức Nguyễn Cảnh Hoan bị giết tại Thăng Long, thọ 57 tuổi. Nguyễn Quyện thương tiếc một bậc anh hùng là danh tướng cùng thời, đã làm câu đối khen tặng rằng: “Trung nghĩa, cương liệt, đời hiếm hoi, sau đây ắt sẽ thành thần lớn”.
Sau đó ông sai sắm quan tài khâm liệm và xin vua Mạc cho đưa thi hài Trịnh Mô về táng ở Nghệ An, vua Mạc đồng ý. Nguyễn Quyện thân hành đưa linh cữu của Trịnh Mô đến bến Đông, đặt ngay ngắn trên một chiếc thuyền chiến, rồi gọi bọn lái buôn Nghệ An tới nhận để chuyển về quê quán.
Theo nội dung cuốn “Hoan châu ký – Thiên nam liệt truyện” do nhiều tác giả dòng họ Nguyễn Cảnh viết, thì sau đó, nhờ trời yên gió thuận, chỉ qua vài ngày, thuyền đã đến cửa biển Đan Nhai (tiếp giáp hai huyện Nghi Xuân và Nghi Lộc).
Đám khách buôn đỗ thuyền lại, cho người về cấp báo với bà con thân quyến cùng bạn bè Trịnh Mô. Khi linh cữu về đến quê nhà, bèn dựng trại để cử hành tang lễ. Chuẩn bị xong đâu đấy, gia đình cho người đến hành tại vua Lê ở Yên Trường, Thanh Hóa cáo phó. Tiết chế Trưởng quốc công Trịnh Tùng nghe tin, tiếc thương vô hạn.
Ông bảo quần thần rằng: “Tấn quận công là người nghiêm minh dũng nghĩa, có nhiều công lao, vâng mệnh giữ đất Hoan Châu để tăng cường thế lực cho Ái Châu, từng đuổi Nguyễn Quyện chạy từ sông Tam Kỳ đến cửa biển Đan Nhai. Tài sản nhân dân không tơ hào xâm phạm. Tấn quận công từ lâu là người có công lớn với triều đình, không may mất vì việc nước, thực đáng thương tiếc. Nay triều đình bàn bạc, gia phong tước trật để nêu cao khí tiết”.
Ngày hôm sau triều đình họp bàn, gia phong ông làm Hiệp mưu dương võ uy dũng Dực vận tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Binh bộ thượng thư Tấn quốc công, ban tên thụy là Hùng Nghị, sai quân mang sắc vắn đến làm lễ phong tặng.
Khi tiến hành làm lễ phong tặng, vua Lê tuy còn ít tuổi, vẫn lắng nghe ý kiến bầy tôi, ra lệnh nghỉ chầu ba ngày, rồi lại sai sứ mang sắc chỉ phong tặng Tấn quốc công làm Hành hạ Nghệ An đạo quan, cùng mười hai nén vàng, một trăm nén bạc và các đồ tế lễ tới tận nhà phúng viếng.
Lễ cử hành xong, con cháu Tấn quốc công bưng sắc phong đặt trên chiếc linh sàng để trong rạp che bằng tranh, sau đó chọn ngày mai táng. Mộ quốc công đặt tại địa phận thôn Trường Thọ, nay thuộc xã Thanh Phong, Thanh Chương, Nghệ An.
Còn người địch thủ sừng sỏ của Trịnh Mô là Nguyễn Quyện, đến cuối đời khi nhà Mạc suy vong, lại bị bắt trong tay của vua Lê, chúa Trịnh, rồi bị giết trong ngục năm 1593, khi đã 82 tuổi.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận