Trẻ em ít có nguy cơ nhiễm COVID-19?
Dịch bệnh COVID-19 (nCoV) đã khiến hơn 71.440 người nhiễm bệnh và 1.775 người tử vong, cao hơn dịch SARS hồi năm 2003. Tuy nhiên, có một điều bí ẩn là tính đến thời điểm hiện tại, loại virus này có vẻ như ít để ý đến một nhóm đối tượng: trẻ em.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Nhật Bản là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Trường hợp tử vong thứ 5 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở châu Phi
May mắn cho các bậc phụ huynh, có vẻ như số ca bệnh nhân nhiễm virus là trẻ em hiện rất ít. Hồi tuần trước, Singapore đã xác nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tháng tuổi, có cả bố và mẹ cũng bị nhiễm bệnh. Hôm 2/2, một em bé sơ sinh tại Trung Quốc cũng được xác nhận bị nhiễm virus từ mẹ.
Một số trường hợp khác cũng xuất hiện tại Đức, Bắc Kinh và Thâm Quyến (Trung Quốc) hay mới đây nhất là một bé gái 3 tháng tuổi tại Việt Nam lây bệnh từ bà ngoại. Tuy nhiên, ngoài một số ít ví dụ kể trên, tính đến nay, trẻ em không có vẻ gì là thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh.
Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, khoảng 80% số người đã tử vong vì virus COVID-19 tại nước này là người trên 60 tuổi, và 75% đã có tiền sử bệnh tật (tim, tiểu đường…).
CNBC dẫn lời giới chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong số hơn 71.440 người bị nhiễm bệnh kể từ ngày 31/12/2019, phần lớn đều là những người thuộc độ tuổi trên 40. Nhóm người bị đe dọa nhiều nhất là những người có sức khỏe yếu và người già.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở trụ sở của WHO ở Geneva, bà Maria Van Kerkhove - người đứng đầu đơn vị nghiên cứu các loại bệnh mới của tổ chức này cho biết: "Các bệnh nhân tuổi cao đối mặt với nguy cơ tử vong lớn hơn. Có vẻ như độ tuổi trên 80 là yếu tố rủi ro lớn nhất".
Một nghiên cứu đăng hôm 5/2 trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, nhìn chung số trẻ em bị mắc bệnh là khá hiếm. Một nghiên cứu khác trên tạp chí Y khoa New England nhận định trẻ em có thể ít bị mắc bệnh hơn, hoặc nếu có nhiễm bệnh, thì các triệu chứng cung nhẹ hơn so với người lớn.
Trả lời phỏng vấn trang Business Insider, ông Richard Martinello - Phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại trường Y khoa Yale (Mỹ) cho biết: "Từ tất cả những gì chúng ta đã thấy, dù chưa rõ lý do, có thể nói bệnh dịch chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn. Một số báo cáo từ Trung Quốc đến từ các bệnh viện dành cho người lớn chứ không phải bệnh viện nhi, hoặc chúng tôi chưa thấy được các dữ liệu đó".
Ngoại trừ vấn đề trong thống kê, còn hai lý do khác có thể dùng để giải thích vì sao rất ít trẻ em mắc bệnh trong đợt bùng phát dịch bệnh chính là: trẻ em ít có khả năng bị phơi nhiễm ngay từ đầu, hoặc có điều gì đó khác biệt về cách cơ thể trẻ em phản ứng với virus.
Giáo sư David Weber – chuyên gia về dịch tễ học và nhi khoa tại Đại học North Carolina (Mỹ) thiên về cách giải thích đầu tiên khi cho rằng việc trẻ em ít bị mắc bệnh có thể bắt nguồn từ cách dịch bệnh bùng phát.
Chính quyền Trung Quốc tin rằng, virus bắt đầu lây lan tại một khu chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi bán các động vật sống. Theo ông Weber, không có nhiều trẻ em lui tới khu vực này và do đó, nguy cơ nhiễm bệnh được giảm thiểu.
Một số chuyên gia và nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm nhận định, mức độ tổn thương với COVID-19 hơn, đối với từng nhóm tuổi sẽ có sự khác biệt, phụ thuộc vào khả năng của hệ miễn dịch. Càng lớn tuổi, hệ miễn dịch sẽ càng suy yếu, khiến những người cao tuổi có nhiều nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về đường hô hấp.
Các dữ liệu của WHO cũng cho thấy một sự trùng hợp đáng chú ý giữa dịch COVID-19 với dịch SARS và MERS trong quá khứ. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều là người lớn tuổi, trong đó tỷ lệ tử vong đối với độ tuổi dưới 24 chỉ là chưa đầy 1%. Thậm chí hầu hết trẻ em không bộc lộ triệu chứng.
Tuy nhiên, cho dù lý do là gì đi chăng nữa, các chuyên gia tin rằng, việc số trẻ em mắc bệnh ở mức thấp là một điều rất tích cực, bởi khác với người lớn, trẻ em không thực sự ý thức được việc cần rửa tay, che miệng và hạn chế tiếp xúc với người khác – những hành vi có thể làm lây lan vi trùng.
Giáo sư Aaron Milstone – chuyên gia về dịch tễ học và nhi khoa tại Đại học John Hopkins (Mỹ) khẳng định: "Nếu chúng ta có thể bảo vệ trẻ em, điều này không chỉ tốt cho các em mà còn cho tất cả mọi người. Nếu bệnh dịch xâm nhập được vào trẻ em, sự bùng phát sẽ được khuếch đại nhanh chóng".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận