Bộ tiêu chí DII - Khẳng định năng lực chuyển đổi số của các địa phương
Bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ tiêu chí DII) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành chia theo 6 nhóm tiêu chí chính. Qua đó, khẳng định năng lực và thế mạnh của từng Địa phương phát triển hạ tầng số trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
- Các vấn đề trọng yếu trong xây dựng hạ tầng số của Việt Nam
- Xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam trở thành Digital Hub của PPAC
- Việt Nam có bộ tiêu chí kỹ thuật đầu tiên về điện toán đám mây
Bộ tiêu chí DII cũng thể hiện vai trò chủ đạo của Cục Viễn thông - Bộ TT&TT và các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc đánh giá chính xác các chỉ số và xếp hạng mức độ phát triển hạ tầng số của từng địa phương.
Quy trình đánh giá 3 bước:
Bước 1: Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí DII của địa phương theo hướng dẫn của Cục Viễn thông.
Bước 2: Cục Viễn thông tổng hợp, gửi kết quả đánh giá lần 1 để Sở Thông tin và Truyền thông xác nhận kết quả đánh giá hoặc có ý kiến góp ý về kết quả đánh giá lần 1 đối với địa phương mình.
Bước 3: Căn cứ văn bản xác nhận hoặc góp ý về kết quả đánh giá lần 1 của các Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông đánh giá kết quả lần 2, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với 24 tiêu chí thành phần, chia theo 6 nhóm, Bộ tiêu chí DII sẽ thúc đẩy các Địa phương tập trung đầu tư vào hạ tầng số và hạ tầng công nghệ thông tin, qua đó sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số (CDS). Đây là cơ sở để xây dựng và triển khai các dịch vụ và ứng dụng số, từ việc cung cấp mạng internet nhanh chóng và ổn định cho việc truy cập thông tin và giao tiếp, đến việc xây dựng các hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu.
Theo đó, Bộ tiêu chí DII gồm 6 nhóm: Nhóm 1: Kế hoạch thúc đẩy, hỗ trợ phát triển hạ tầng số; nhóm 2: Hạ tầng viễn thông băng rộng; nhóm 3: Hạ tầng điện toán đám mây; nhóm 4: Hạ tầng công nghệ số; nhóm 5: Nền tảng số và nhóm 6: Sử dụng dịch vụ viễn thông.
Hạ tầng công nghệ số được đánh giá là rất quan trọng trong phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số. Ảnh: Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) TP. Phan Thiết, Bình Thuận.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ mới như blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo), iOT được quy định cụ thể bằng các tiêu chí thành phần trong nhóm Hạ tầng công nghệ số: (1) Sử dụng công nghệ AI như dịch vụ trong công tác CĐS tại địa phương; (2) Sử dụng công nghệ blockchain như dịch vụ trong công tác CĐS tại địa phương; (3) Sử dụng công nghệ IoT như dịch vụ trong công tác CĐS tại địa phương. Mỗi tiêu chí thành phần có 10 điểm.
Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, Bộ tiêu chí DII được nghiên cứu và xây dựng nhằm hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT), trong việc đánh giá khoa học dựa trên số liệu về tình hình phát triển hạ tầng số của địa phương so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu là xây dựng và triển khai các chương trình và giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng số của địa phương một cách khả thi và hiệu quả.
Bộ tiêu chí DII được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc chính. Thứ nhất, bảo đảm đầy đủ các tiêu chí tương ứng với những thành phần quan trọng của hạ tầng số. Thứ hai, đảm bảo tính khả thi và thuận tiện trong công tác đánh giá, hạn chế tăng thêm công việc cho các Sở TT&TT. Cuối cùng, đảm bảo sự linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Toàn văn Bộ tiêu chí DII mời quý độc giả xem tại đây.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng