Đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua.
- An toàn thông tin trong chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ điện tử
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- Bộ đầu tiên phê duyệt kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính trình báo cáo đề xuất giải pháp huy động nguồn lực phát triển Chính phủ điện tử trước ngày 15/4.
Tại Nghị quyết về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 được ban hành ngày 7/3/2019, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực (doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê dịch vụ; hợp tác công tư (PPP), kinh phí sự nghiệp...) để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đây là một những giải pháp nhằm bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã có báo cáo về nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử.
Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ thời gian qua; nêu rõ tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục, đảm bảo sử dụng kinh phí hiệu quả, không thất thoát, lãng phí.
“Trên cơ sở đó, rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2020”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Nhận định một nguyên nhân chính của việc kinh phí đầu tư cho phát triển Chính phủ điện tử chưa đáp ứng nhu cầu là do chưa có nguồn ngân sách ổn định cho Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã đề xuất thực hiện những giải pháp: các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hàng năm cho triển khai các nhiệm vụ trong Nghị quyết của Chính phủ ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; đưa Chính phủ điện tử, an toàn, an ninh mạng vào nội dung triển khai của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025.
Từ thực tế triển khai tại Bộ TN&MT, trong hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương hồi giữa tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, nên tận dụng phương thức nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện, có như vậy chúng ta mới có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án Chính phủ điện tử như dự án cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
“Để xây dựng được, chúng ta phải xem xét có những thủ tục tốt hơn, nhanh hơn trong vấn đề chỉ định hoặc lựa chọn doanh nghiệp tham gia. Chúng ta cũng cần có ngay cơ chế để làm sao các doanh nghiệp có thể tham gia quá trình này cùng với nhà nước, tức là xem xét các hình thức đầu tư công - tư, có thể đầu tư công nhưng quản trị tư, hoặc là đầu tư tư và quản trị công.
Với lĩnh vực TN&MT, đất đai, chúng tôi đề nghị nên có đầu tư tư và quản trị công. Như vậy, ở đây có vai trò của nhà nước. Nhà nước sẽ ban hành ra cơ chế chính sách để khi cung cấp các dịch vụ công thì những người sử dụng dịch vụ sẽ chi trả lại một phần chi phí bù lại các chi phí đầu tư, duy trì hoạt động các hệ thống”, người đứng đầu Bộ TN&MT phân tích.
Cũng tại hội nghị trên, nhận định các doanh nghiệp tư nhân đều có các năng lực thế mạnh riêng trên nhiều lĩnh vực, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CMC Nguyễn Trung Chính, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã đề xuất việc mở rộng giao cho doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng nhà nước trong quá trình cải cách và đẩy mạnh áp dụng hình thức PPP (đối tác công - tư), tiến tới loại bỏ việc nhà nước tổ chức thực hiện dịch vụ công.
Theo ictnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận