Kho dữ liệu dùng chung - Giải pháp đột phá để TP HCM phục vụ người dân
Trước các phản ánh của người dân về sử dụng dịch vụ công trực tuyến đang gây khó khăn do dữ liệu dùng chung còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ sử dụng dịch vụ này của cư dân TP ở mức thấp so với các tỉnh.
- Bộ TT&TT hỗ trợ Bắc Kạn xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP của tỉnh
- LGSP được kỳ vọng sẽ cải thiện chỉ số PCI của Hải Dương
- Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư cần hành lang pháp lý cụ thể
Kho dữ liệu dùng chung sẽ là bước tiến lớn để TP HCM phục vụ người dân.
Chiều 7/8, tại buổi giám sát đối với UBND TP HCM trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HĐND nhấn mạnh việc cần nhanh chóng xây dựng hồ sơ dữ liệu dùng chung phục vụ công tác cải cách hành chính, từ đó giảm thiểu các giấy tờ cho người dân khi đến cơ quan hành chính để giải quyết công việc.
Về Nghị quyết 54, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phan Thị Thắng cho rằng, đến nay việc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 mới chỉ đạt một số nội dung như chi thu nhập tăng thêm, phân cấp ủy quyền, các khoản thu về thu phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp... Do đó, UBND thành phố nên có báo cáo lộ trình, thực hiện quyết liệt để đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn còn lại.
Tại buổi giám sát, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, hiện nay tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều do việc thực hiện trực tuyến chưa nhanh, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đủ và chưa đồng bộ. Trong thời gian tới, Thành phố quyết tâm thực hiện Chính phủ điện tử, đảm bảo hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất từ trên xuống dưới.
Đối với Nghị quyết 54/2017/QH14, ông Ngô Minh Châu đề nghị Sở TN&MT xem xét lại việc chuyển mục đích sử dụng đất trên 10ha đất trồng lúa, cũng như có sự kết nối giữa các sở, ngành, quận, huyện để thống nhất các tiêu chí cụ thể trong triển khai thực hiện.
Theo ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố, mặc dù Thành phố đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhưng tỷ lệ người dân tham gia sử dụng vẫn còn thấp. Nguyên nhân do thói quen, việc đồng bộ dữ liệu còn khó khăn. Do đó, UBND Thành phố cần có nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, đồng bộ hệ thống dữ liệu, đồng thời có chính sách thu hút chuyên gia. Trong cải cách hành chính cần giảm hiện tượng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu.
Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Thị Hoàng Các, công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính đã đi vào nền nếp, việc áp dụng công nghệ thông tin được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng cao, đáp ứng cơ bản yêu cầu về trình độ và năng lực thi hành công vụ. Ý thức phục vụ, tôn trọng người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi đến liên hệ, giải quyết hồ sơ được thực hiện nghiêm túc.
Về tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, các đề án đã cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, UBND thành phố đã trình HĐND Thành phố thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha, rút ngắn thời gian xem xét việc chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Ngoài ra, chính sách chi thu nhập tăng thêm đã góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc. Việc đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương được thực hiện hiệu quả.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận