Quản lý ổn định thị trường bưu chính chuyển phát
Thị trường bưu chính, chuyển phát, logistics, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Phần lớn hàng hóa luân chuyển 2 chiều trong và ngoài nước đều qua các sàn thương mại lớn nhất Việt Nam do nước ngoài nắm giữ. Điều này dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của Việt Nam.
- Bưu chính Việt Nam xếp hạng 45 thế giới
- Dịch vụ bưu chính số - hướng tiếp cận nền kinh tế số của Bưu chính Việt Nam
- Hạ tầng dùng chung làm nền tảng công cuộc chuyển đổi số của ngành Bưu chính Việt Nam
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) mới đây, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel Hoàng Trung Thành đã đưa ra nhận định, những năm gần đây, ngành Bưu chính không chỉ làm dịch vụ chuyển phát thư, báo, mà đang dần trở thành nền tảng cho TMĐT, logistics.
Số liệu thống kê của Bộ TTTT cho thấy, đến cuối năm 2021 cả nước có 728 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ bưu chính. Thị trường bưu chính đang tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước với tốc độ tăng trưởng dự tính khoảng 20 - 25%.
Bên cạnh các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống như Viettel Post, EMS, VNPost, còn có sự tham gia của nhiều công ty start-up và những công ty đa quốc gia khác. Đến cuối năm 2021, cả nước có 31 doanh nghiệp bưu chính có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 4% tỷ trọng về số lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu của 4% doanh nghiệp đó lại chiếm rất cao, chiếm đến 50-60% sản lượng doanh thu trong năm 2021. Ông Hoàng Trung Thành cho rằng các doanh nghiệp FDI với nhiều phương thức triển khai kinh doanh như nhượng quyền thương mại, áp dụng chính sách đồng giá, phối hợp với các sàn TMĐT để hạ giá và chiếm thị phần…
Theo ông Hoàng Trung Thành, sự tham gia của các doanh nghiệp FDI nhằm thâu tóm thị trường bưu chính, chuyển phát, logistics, TMĐT Việt Nam là rất đáng lo ngại. Phần lớn hàng hóa luân chuyển 2 chiều trong và ngoài nước đều qua các sàn thương mại lớn nhất Việt Nam do doanh nghiệp FDI nắm giữ. Phần lớn sản lượng hàng hóa trên các sàn này đều do các công ty chuyển phát của họ vận chuyển.
Điều này dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của Việt Nam. “Các doanh nghiệp FDI mở rộng vùng phủ dịch vụ, mở rộng thị phần dưới nhiều hình thức, cạnh tranh không lành gây xáo trộn thị trường. Điều này khiến người sử dụng dịch vụ có thể gặp các rủi ro về quyền và nghĩa vụ tại các bưu cục nhượng quyền.
Hơn thế, các bưu cục nhượng quyền thương mại có thể không có ràng buộc pháp lý với người sử dụng dịch vụ. Dẫn đến nhiều rủi ro trong hoat động cung cấp dịch vụ bưu chính, mất tiền thanh toán khi giao hàng, lộ lọt thông tin, tráo đổi bưu phẩm, trộm cắp…”, ông Hoàng Trung Thành chia sẻ.
Ông Hoàng Trung Thành chỉ ra, từ năm 2019, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát Việt Nam đang bị canh tranh và đánh mất thị phần bởi các doanh nghiệp FDI Trung Quốc, Singapore. Các doanh nghiệp FDI đang xây dựng hệ sinh thái khép kín, từ sàn TMĐT, vận chuyển giao hàng, thanh toán đều trên chính các tảng của họ tại Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… đều thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài, nên khối lượng hàng hóa trên các sàn này phần lớn cũng do các đơn vị chuyển phát của họ thực hiện.
Ông Hoàng Trung Thành nhận định: “Khi thống lĩnh được thị trường, các doanh nghiệp FDI sẽ kiểm soát luồng chảy, luồng vận chuyển, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa… tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nông, lâm, thủy sản; thủ công mỹ nghệ; hàng tiêu dùng… cũng sẽ bị cạnh tranh khốc liệt về doanh thu, sản lượng, bị ép về giá thành… Thậm chí một số ngành nghề truyền thống của Việt Nam còn đứng trước nguy cơ không thể tồn tại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng triệu người dân, nguy cơ thất nghiệp tăng cao, công ăn việc làm không ổn định, an ninh lương thực bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
“Việc bắt tay của các doanh nghiệp nước ngoài cũng gây ra khó khăn trong việc quản lý, thu thuế, kiểm soát hàng lậu, hàng cấm, hàng trốn thuế… của các cơ quan quản lý nhà nước. Kéo theo nguy cơ Việt Nam trở thành nước trung chuyển, thẩm lậu, sản xuất các loại hàng hóa nhập lậu, trốn thuế, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng cấm… vi phạm các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký là hiện hữu” - ông Hoàng Trung Thành chỉ rõ.
Tìm giải pháp quản lý ổn định
Để quản lý ổn định thị trường bưu chính chyển phát, logistics, TMĐT Việt Nam, ông Hoàng Trung Thành kiến nghị các Bộ, Ban, Ngành cần tham mưu cho Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nhiệp chuyển phát, logistics, TMĐT trong nước.
Nên có ưu đãi về chính sách kinh doanh, đầu tư hạ tầng; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước được ưu tiên giao, thuê, mua các vị trí đất làm kho bãi, hạ tầng chuyển phát, logistics, TMĐT tại các vị trí địa lý trọng yếu về an ninh kinh tế, an ninh quốc gia. Quy hoạch hạ tầng logistics tại các vị trí trọng yếu toàn quốc, chỉ cho phép doanh nghiệp 100% vốn trong nước hoặc doanh nghiệp nhà nước mới được giao, thuê, mua và sử dụng.
Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp FDI theo quy định pháp luật bưu chính, TMĐT, thuế, cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật Việt Nam và thế giới. Các Bộ, Ban, Ngành cần nghiên cứu quy định một mức giá sàn một số dịch vụ bưu chính quan trọng; phổ biến, tránh việc các doanh nghiệp FDI lợi để tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép bưu chính; sáp nhập, mua bán vốn của tổ chức, doanh nghiệp FDI, tránh để tập trung kinh tế và hình thành doanh nghiệp nước ngoài thống lĩnh, độc quyền thị trường bưu chính, logistics, TMĐT, dẫn đến có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng thành lập, phát huy vai trò Hiệp hội doanh nghiệp các ngành, lĩnh vực như: Hiệp hội Bưu chính; Hiệp hội Logistics… Từ đó, tạo sự gắn kết, đoàn kết, thống nhất trong các doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh tổng thể có thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Thông qua hoạt động của các hiệp hội, đề xuất với Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ, tri thức trong từng lĩnh vực. Từng bước đưa các doanh nghiệp phát triển, làm chủ hoạt động trong nước về lĩnh vực bưu chính, logistics, TMĐT tại Việt Nam.
Mặt khác, các Bộ, Ban, Ngành cần xây dựng khái niệm “Bưu chính TMĐT” cũng như hành lang pháp lý cho dịch vụ bưu chính TMĐT; có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động cho các doanh nhiệp chuyển phát, logistics, TMĐT trong nước. Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật trong nước theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, giám sát có hiệu quả hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, logistics và TMĐT. Góp phần nâng cao năng lực, quản lý hiệu quả của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, logistics, TMĐT.
“Cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm an toàn thông tin; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh quốc tế. Phát huy thế mạnh và ứng dụng khoa học công nghệ vào các doanh nghiệp trong nước về lĩnh vực bưu chính, logistics, TMĐT; từng bước giúp các doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh lại thị trường, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia” - ông Hoàng Trung Thành kiến nghị.
Theo tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận