Bộ Tài chính "sờ gáy" sai phạm trong việc các công ty chứng khoán huy động vốn từ các nhà đầu tư
Bộ Tài chính mạnh tay yêu cầu MBS và VN Direct dừng "lách luật" trong việc huy động vốn đầu tư từ khách hàng nhằm đáp ứng "cơn đói Margin" và xử lý tương tự với nhũng công ty vi phạm.
- Bộ Tài chính: Nhà đầu tư cần cẩn trọng với trái phiếu phát hành riêng lẻ
- 3 chỉ số quan trọng của chứng khoán Mỹ chốt phiên ở mức kỷ lục
- Bộ Tài chính: Thị trường chứng khoán vẫn đang duy trì ở mức tích cực
Trước tình trạng nhiều công ty chứng khoán có dấu hiệu "lách" huy động tiền từ khách hàng dưới hình thức hợp tác đầu tư hoặc hợp tác kinh doanh, Bộ Tài chính đã yêu cầu Công ty chứng khoán MB (MBS) dừng thực hiện dịch vụ "hợp tác kinh doanh" này. Với VNDirect, Bộ Tài chính sẽ xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình của công ty và tổ chức kiểm tra hoạt động một số công ty chứng khoán.
Bản chất của hình thức hợp tác này là công ty chứng khoán trả lãi cho khách hàng (cao hơn gửi tiết kiệm) khi họ để tiền trong một thời hạn nhất định. Công ty chứng khoán là tổ chức không được phép huy động tiền gửi của khách hàng nên các hình thức này có dấu hiệu vi phạm quy định.
Nguồn cơn của sự việc: Đáp ứng "cơn khát" Margin
Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đang tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ với lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường không ngừng tăng lên. Theo công bố của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính đến cuối tháng 2/2021, Việt Nam có hơn 2,91 triệu tài khoản chứng khoán. Số tài khoản mở mới trong 2 tháng đầu năm 2021 là hơn 144.000, tương đương 37% tổng số tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Sự sôi động này cũng kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ margin trên thị trường tăng lên, nhiều công ty chứng khoán thậm chí cạn nguồn tiền cho dịch vụ margin, thể hiện ở việc một số mã chứng khoán đã bị cắt margin hồi tháng 1 vừa qua. Việc thiếu hụt nguồn vốn đồng nghĩa với việc công ty chứng khoán sẽ mất đi cơ hội sinh lời, thậm chí có thể bị mất thị phần.
Do đó, bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động margin là yêu cầu cấp thiết đối với các công ty chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu thị trường đang tăng rất mạnh như hiện nay. Theo đó, một số công ty chứng khoán đã tung ra những sản phẩm nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư.
Điển hình như Công ty chứng khoán VNDirect đã triển khai sản phẩm DMONEY (dịch vụ đầu tư tiền gửi) dành cho khách hàng cá nhân với hình thức tương tự như tiền gửi ngân hàng.
Theo đó, với số vốn tối thiểu từ 1 triệu đồng, khách hàng sẽ được trả mức lãi suất hấp dẫn từ 3-6%, tùy thuộc vào từng kỳ hạn lựa chọn từ 1 tuần tới 9 tháng.
Trong khi đó, một số công ty chứng khoán khác triển khai hình thức “hợp tác đầu tư” với các kỳ hạn từ 1-7 ngày đến 12 tháng và lãi suất tương ứng từ mức 2% đến trên 7%/năm. Theo đó, các mức lãi suất này đều khá hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm hiện hành của các ngân hàng.
Việc huy động vốn của nhà đầu tư như trên được cho là giải pháp “đôi bên cùng có lợi” khi nhà đầu tư có thể kiếm lời trên số tiền nhàn rỗi trên tài khoản chứng khoán ngay khi không phát sinh giao dịch với mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.
Trong khi đó, công ty chứng khoán có thể huy động tiền một cách nhanh chóng, thuận tiện, lãi suất cũng thấp hơn so với việc đi vay.
Rủi ro tiềm ẩn
Dù mang lại một số lợi ích cho nhà đầu tư và công ty chứng khoán, song theo các chuyên gia, việc công ty chứng khoán huy động vốn của nhà đầu tư cá nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán tại TPHCM cho biết, pháp luật hiện hành không quy định việc công ty chứng khoán được huy động vốn của cá nhân. Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng quy định, chỉ các ngân hàng mới được phép huy động vốn có kỳ hạn, không kỳ hạn của cá nhân.
Luật Chứng khoán 2019 cũng quy định các công ty chứng khoán chỉ được phép thực hiện các nghiệp vụ: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Thông tư 121 của Bộ Tài chính cũng quy định rõ, công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán; không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức
Việc tham gia vào một hoạt động không được pháp luật quy định cụ thể sẽ khiến quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo vệ đầy đủ. Các chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán luôn biến động rất lớn và rủi ro thua lỗ luôn tiềm ẩn. Trong trường hợp công ty chứng khoán bị thua lỗ, khó có thể đảm bảo rằng nhà đầu tư sẽ nhận được tiền lãi, thậm chí cả số tiền gốc.
Theo đó, với sự phát triển của công nghệ, các giao dịch điện tử hiện rất thuận tiện và nhanh chóng, nhà đầu tư có thể gửi tiền trong tài khoản ngân hàng để được hưởng lãi suất và có thể chuyển tiền sang tài khoản giao dịch chứng khoán bất cứ khi nào có nhu cầu.
Đối với công ty chứng khoán, để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động, việc tăng vốn điều lệ là giải pháp bền vững và hiệu quả hơn cả. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông của Công ty Chứng khoán VNDirect vừa thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gấp đôi bằng việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1.
Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của Chứng khoán VNDirect tăng lên hơn 4.400 tỉ đồng. Công ty Chứng khoán HSC cũng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành hơn 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 2.135 tỉ đồng, trong đó, công ty dự kiến sẽ phân bổ 1.495 tỉ đồng cho hoạt động giao dịch ký quỹ.
Nhiều công ty chứng khoán khác cũng mở rộng nguồn vốn kinh doanh thông qua vốn vay tổ chức tài chính. Cụ thể, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam vừa ký hợp đồng vay vốn trị giá 30 triệu USD (hơn 690 tỉ đồng) với nhóm 4 ngân hàng Đài Loan đó là Union Bank of Taiwan; Taichung Commercial Bank - Labuan Branch; Taishin International Bank và Huanan Commercial Bank.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng vay 10 triệu USD từ Ngân hàng Kookmin (KB) – Chi nhánh Hồng Kông để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh…
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận