Đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh ra sao?
Mới đây, Bộ Công an đề xuất một loạt các quy định mới về đăng ký thường trú và tạm trú, nhằm điều chỉnh và bổ sung các điều trong Luật Cư trú. Dự thảo này sẽ thay thế Nghị định 62/2021 hiện hành. Đối với trẻ em mới sinh, dự thảo cũng đề xuất việc đăng ký thường trú theo nơi thường trú của cha hoặc mẹ.
Ảnh minh họa.
Dự thảo tập trung vào việc chỉ định các loại giấy tờ cần thiết để chứng minh chỗ ở hợp pháp khi đăng ký thường trú, tạm trú, cũng như giấy tờ liên quan đến quan hệ gia đình.
Theo đó, dự thảo bổ sung yêu cầu người dân cần chứng minh chỗ ở hợp pháp khi đăng ký thường trú bằng các giấy tờ, tài liệu như chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất đang thế chấp tại ngân hàng.
Thêm vào đó, giấy tờ mua bán viết tay và cam kết về việc không có tranh chấp cũng được bổ sung trong dự thảo, điều này không được quy định trong Nghị định 62 hiện hành. Người dân cũng có thể chứng minh bằng hợp đồng mua nhà ở, hợp đồng mua nhà ở tương lai, hoặc giấy tờ chứng minh việc đã nhận nhà ở từ doanh nghiệp kinh doanh nhà ở.
Dự thảo cũng quy định chi tiết các loại giấy tờ cần thiết để đăng ký tạm trú. Trong đó, văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân không cần phải được công chứng hoặc chứng thực bởi UBND cấp xã.
Nếu không có giấy tờ chứng minh, người dân có thể đưa ra cam kết về việc có chỗ ở và không có tranh chấp về quyền sử dụng. Đối với trẻ em mới sinh, dự thảo cũng đề xuất việc đăng ký thường trú theo nơi thường trú của cha hoặc mẹ.
Trong trường hợp không có nơi thường xuyên chung sống, nơi thường trú sẽ được xác định theo thỏa thuận của cha mẹ. Cha mẹ hoặc người đại diện pháp lý của trẻ có trách nhiệm đăng ký thường trú cho trẻ trong vòng 60 ngày kể từ ngày đăng ký khai sinh.
Dự thảo cũng đề cập đến quy định hủy đăng ký thường trú, tạm trú khi cơ quan đăng ký không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Cư trú. Cơ quan có thẩm quyền hoặc thủ trưởng cấp trên sẽ ra quyết định hủy bỏ việc đăng ký.
Như vậy, quy định mới đã quy định rõ trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em phải có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ; nếu không đủ điều kiện đăng ký thường trú thì phải thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho trẻ.
Theo quy định khoản 6 Điều 19 Luật Cư trú 2020 thì khi có đủ điều kiện, người dân phải làm thủ tục đăng ký thường trú, nếu không có thể bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Bổ sung giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân trong đăng ký cư trú
Điều 6 dự thảo bổ sung quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân
Theo đó, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, bao gồm:
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng:
+ Giấy chứng nhận kết hôn;
+ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
+ Thẻ căn cước, thẻ căn cước điện tử; thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con:
+ Giấy khai sinh;
+ Chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi;
+ Quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;
+ Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con;
+ Quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận