Một dự án điện mặt trời tại Long An đã đi vào vận hành thương mại trước 30-6 và được hưởng mức giá ưu đãi 9,35 cent/kWh - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo các nhà đầu tư, tính đến nay đã có 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 10.600MW đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó có 127 dự án với tổng công suất 6.916MW đã ký hợp đồng mua bán điện.
Trong số này, có 89 dự án với tổng công suất khoảng 4.533MW đã đưa vào vận hành thương mại, mỗi ngày phát được 30 triệu kWh (chiếm 3% tổng sản lượng toàn hệ thống điện). Nhiều dự án còn lại đang xây dựng, đã ký hợp đồng mua bán điện, đã xin bổ sung quy hoạch… nhưng còn chờ giá mua điện mới. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn cho biết có trên 250 dự án đã trình thẩm định từ 2017 đến nay.
Tuy vậy, các nhà đầu tư cho rằng họ đang vấp phải những rào cản do cơ chế, chính sách và sự chậm trễ, thiếu đồng bộ, nhất quán trong thực thi các thủ tục đầu tư.
Cụ thể, các nhà đầu tư đã nêu hàng loạt vướng mắc như quyết định về giá mua điện (quyết định 11) đã hết hiệu lực từ 1-7-2019 nhưng đến nay chưa có quyết định mới khiến các nhà đầu tư dù đủ thục tục pháp lý vẫn không đủ cơ sở để tiếp tục triển khai các thủ tục tiếp theo và thi công.
Việc chưa chủ động tháo gỡ vướng mắc, chậm tham mưu đề xuất giải pháp cho những dự án đã trình hồ sơ bổ sung quy hoạch từ 5-2018 khiến các nhà đầu tư "tiến thoái lưỡng nan"; Những vướng mắc từ Luật Quy hoạch đã khiến các dự án bị "treo" khiến các các nhà đầu tư phải chờ đợi…
Nhiều dự án được đề xuất cùng một thời điểm gây ra khó khăn trong việc đánh giá khả năng hấp thụ của lưới điện làm cơ sở xét bổ sung quy hoạch và cần phải công bố rõ ràng, minh bạch về khả năng hấp thụ điện mặt trời của lưới điện quốc gia…
Từ những khó khăn trên, các nhà đầu tư đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định mới về giá mua điện thay thế quyết định cũ đã hết hiệu lực để các nhà đầu tư có cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.
Trong đó, các nhà đầu tư đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn chi tiết về công tác bổ sung quy hoạch, hướng dẫn quy chế đấu thầu và cần có "lộ trình" khi chuyển sang cơ chế đấu thầu và "cần có thời gian chuyển tiếp" để các nhà đầu tư chủ động thực hiện.
Đáng chú ý, dù ban đầu nhiều nhà đầu tư cho rằng giá mua điện giảm quá sâu (trước 30-6 giá điện 9,35 cent/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh) nhưng hiện nay các nhà đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận biểu giá FIT mua điện mặt trời không thấp hơn 7,09 cent/kWh (khoảng 1.620 đồng/kWh), điện mặt trời nổi trên mặt nước là 7,69 cent/kWh (khoảng 1.750 đồng/kWh) như dự thảo công bố ngày 6-12.
Các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận biểu giá FIT mua điện mặt trời không thấp hơn 7,09 cent/kWh (khoảng 1.620 đồng/kWh) - Ảnh: NGỌC HIỂN
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đề nghị bổ sung quy hoạch hàng loạt dự án đã trình các cấp có thẩm quyền.
Trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạm dừng đề xuất, thỏa thuận với các dự án điện mặt trời theo cơ chế FIT (giá cố định) đến khi có hướng dẫn mới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận