Người tiêu dùng cần được bảo vệ trong thời đại số
Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (2011 ) mới chỉ có thể chi phối trong các mô hình kinh doanh truyền thống nên thiếu những phương thức kinh doanh mới trong thời đại công nghệ cũng như các mô hình kinh tế hiện đại.
- 12 năm một chặng đường chống hàng giả bảo vệ người tiêu dùng
- Cục bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng về việc xe Subaru "bị tố" dính lỗi kỹ thuật
- Thiết bị tiết kiệm điện trôi nổi tràn ngập thị trường - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nói gì
Trước bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, sự phát triển kinh tế đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, nhất là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Điều này dẫn đến việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập và một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã thực hiện thủ tục đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Đề cập đến một số hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2011), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, nhất là mô hình ứng dụng sự phát triển của thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ, kinh tế số.
Sự phát triên của công nghệ đang là thách thức lớn với các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mặt khác, một số trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp đã không còn phù hợp, đầy đủ do sự xuất hiện của nhóm người tiêu dùng mới hoặc hành vi tiêu dùng mới.
Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện cũng cần được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Những vấn đề này cần được xây dựng trọng tâm trong Luật mới khi được sửa đổi.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật, trước bối cảnh mới, Bộ Công Thương đang dự thảo xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương và 73 điều.
Cụ thể, Bộ Công Thương bổ sung 1 chương mới là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; giữ nguyên, không sửa đổi 16 điều, sửa đổi 35 điều, bổ sung và thêm mới 22 điều, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo hiệu quả hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, việc sửa đổi còn giúp bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam. Hơn nữa, qua đây còn góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận