Nông nghiệp Việt Nam làm thế nào để biến thách thức thành cơ hội?
Trước ngưỡng cửa hội nhập của Việt Nam qua các hiệp định thương mại tự do FTA, nông nghiệp đứng trước các thách thức, rào cản những cũng là cơ hội cho ngành này tăng trưởng, đồng thời cũng đặt ra những bài toán để các cơ quan quản lý cùng nông dân biến các thách thức thành cơ hội.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4, là một hoạt động nằm trong Chuỗi sự kiện thuộc Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2019 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức; đây là một sự kiện thường niên được diễn ra liên tục trong 4 năm gần đây.
Diễn đàn lần này, có sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành T.Ư, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện các Ban, đơn vị của Hội, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các đại sứ quán tại Việt Nam, đặc biệt là sự có mặt của 63 nông dân xuất sắc năm 2019, các cơ quan thông tấn, báo chí...
Như chúng ta đã biết, trong 2 năm 2018-2019, Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất từ trước đến này, đó là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua hai hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người.
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4, các địa biểu sẽ tập trung nội dung thảo luận qua 2 phiên đối thoại chính thức để: Tìm hiểu rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các tác động cả tích cực và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân ở Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, “Hiện cả nước đang có 11 triệu hộ nông dân đang sản xuất nông nghiệp; trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, cũng như tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, nhìn chung giá trị gia tăng trong xuất khẩu đối với hàng nông sản Việt Nam còn thấp, gặp nhiều rào cản, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
"Chính vì thế, Diễn đàn lần này sẽ là cơ hội để cho lãnh đạo các Bộ, ngành, Hội Nông dân, các doanh nghiệp, nông dân xuất sắc thảo luận để tìm ra các giải pháp, cũng như kiến nghị, đề xuất các chính sách lên Đảng, Nhà nước đối với nông dân”ông Định nhấn mạnh.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo, Nông nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt thể hiện qua sự thành công và tăng trưởng trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2019 đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.
TS. Bùi Kim Thuỳ điều hành phiên 1.
Tại phiên thảo luận thứ nhất do TS. Bùi Kim Thùy- Chuyên gia kinh tế quốc tế - thành viên Hội đồng cố vấn - Đại học HARVARD (Mỹ) điều hành, các diễn giả là những nhà quản lý, chuyên gia kinh tế hàng đầu, các doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận, trao đổi với nông dân về: Thông tin của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết như: Quy mô thị trường; những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế; các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các FTA; thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đối với các thị trường thuộc 2 khối CPTPP, EVFTA; các rào cản và thách thức khi xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào các thị trường này (rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm và kiểm địch động, thực vật; rào cản kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; rào cản về trình độ quản trị, trình độ công nghệ ứng dụng trong sản phẩm nông sản- vốn đang là những điểm nghẽn khiến nông sản Việt chưa thể thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản,…).
Theo dự kiến, phiên đối thoại này sẽ có 6 nội dung chính cần trao đổi, thảo luận với người đặt câu hỏi là những nông dân Việt Nam xuất sắc 2019.
Tại phiên thảo luận thứ hai dự kiến do TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) điều hành sẽ tập trung thảo luận về: Các giải pháp, con đường giúp nông dân tự tin vươn ra chợ Thế giới; các vấn đề về chế biến nông sản, thực phẩm; quy hoạch vùng nông sản có lợi thế từng nước, từng khu vực để sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn của các nước EU, châu Á- Thái Bình Dương; vai trò dẫn dắt thị trường của những “ông lớn” trong lĩnh vực nông nghiệp; khó khăn khi đẩy mạnh chế biến nông sản (công nghệ chế biến, công nghệ cất trữ hàng hoá…); chế biến nông sản cần chính sách và đòn bẩy kinh tế gì để xây dựng cụm công nghiệp chế biến,... sẽ được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trả lời cụ thể, giải đáp tường tận từng thắc mắc, câu hỏi của nông dân.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận