Thương mại điện tử 2019 vẫn có những bước tăng trưởng vượt bậc
Tiếp nối sự thành công của Vietnam Online Marketing Forum 2018, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tiếp tục tổ chức sự kiện Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2019 (VOMF) vào ngày 14/8 tại Hà Nội.
Đây là năm thứ tư sự kiện được tổ chức tại Việt Nam quy tụ trên 35 diễn giả hàng đầu về marketing đến từ các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh tiếp thị trực tuyến như Nielsen, Google, Facebook, comScore, Amazon, Cốc Cốc...
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, diễn đàn tiếp thị trực tuyến là sự kiện thường niên và chính thống về tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc nhằm thúc đẩy thị trường tiếp thị trực tuyến nói riêng cũng như thương mại điện tử Việt Nam ngày một phát triển; đồng thời, giúp các doanh nghiệp tiếp cận những xu thế mới của tiếp thị trực tuyến thế giới.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, VOMF 2019 – Cá nhân hóa trải nghiệm là chủ đề xuyên suốt của diễn đàn năm nay. Bởi nhu cầu của khách hàng ngày nay rất đa dạng và liên tục biến chuyển, chủ động lựa chọn thông tin muốn tiếp cận, loại bỏ những gì không cần thiết...
Vì thế, hoạt động cá nhân hoá trải nghiệm, quảng cáo và khuyến mãi là xu hướng tất yếu để thương hiệu bán lẻ thành công trong việc tăng doanh số. Hay, xây dựng tập khách hàng trung thành và ứng dụng công nghệ là cách duy nhất để thực hiện việc đó trên quy mô lớn. Do đó, cá nhân hoá trải nghiệm cũng chính là xu hướng marketing có thể tương tác với khách hàng.
VOMF 2019 được mở đầu bằng phiên 1 với nội dung thực tiễn và xu hướng với những xu hướng online marketing trên thế giới, sự thay đổi trải nghiệm của người tiêu dùng hiện đại. Phiên 2 là từ kế hoạch đến thực thi gồm phương pháp thu thập, phân nhóm khai thác dữ liệu thông minh. Phiên 3 tiếp thị thông minh với nội dung chính là các công cụ và công nghệ trong cá nhân hoá trải nghiệm người dùng. Cuối cùng phiên 4 là thấu hiểu và bùng nổ.
Ông Đặng Hoàng Hải cho biết thêm, chương trình không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử xác định chiến lược tiếp thị trực tuyến phù hợp, nâng cao hiệu quả tiếp thị trực tuyến mà còn góp phần mở rộng thị trường tiếp thị trực tuyến, nâng cao thị phần của các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, xu hướng gia tăng trải nghiệm của người dùng cần được chú trọng quan tâm. Tỷ lệ doanh thu từ kênh thương mại điện tử đang có xu hướng tăng nhanh do thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi được tác động bởi công nghệ ngày càng phát triển.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đều hiểu rõ tầm quan trọng của dữ liệu người dùng nên xu hướng thu thập quản lý dữ liệu là một điều tất yếu cho các doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững. Tất cả những xu hướng mới nhất, những biến động, tiềm năng cần khai thác của thị trường … đều được các chuyên gia giải đáp đầy đủ trong các phiên của sự kiện.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM chia sẻ, VOMF 2019 là cơ hội để trao đổi thông tin, định hướng các giải pháp và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến. Đáng lưu ý, VOMF 2019 không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử xác định chiến lược tiếp thị trực tuyến phù hợp nâng cao hiệu quả tiếp thị mà còn góp phần mở rộng thị trường tiếp thị trực tuyến, nâng cao thị phần của các doanh nghiệp trong nước.
Nhận định về tương lai của thương mại điện tử trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG) các chuyên gia dự báo, FMCG toàn cầu đến năm 2022 có thể đạt 100 tỷ USD. Cùng với đó, tốc độ FMCG đến năm 2022 cũng sẽ tăng 4% trong vòng 5 năm lên 8% như tốc độ của các nước phát triển hiện nay.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của FMCG online sẽ tăng cao gấp 4 lần so với FMCG offline. Bởi với sự phát triển của nền tảng internet, thương mại điện tử trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh đang có xu hướng phát triển mạnh trên thị trường như: tin tức, giải trí và tài khoản giải trí cá nhân.
Theo bà Lê Minh Trang, đại diện của Nielsen Việt Nam, về tâm lý của người tiêu dùng cần xác định đối tượng khách hàng sinh sau năm 1995; sau năm 1980 và sau năm 1960. Bởi với mỗi thế hệ đều có tâm lý tiêu dùng cũng như cách tiếp cận khác nhau vì liên quan đến lối sống và hành vi, sở thích phản ánh trên hành vi tương tác của họ trên internet.
Cụ thể, đối với thế hệ sinh sau năm 1995 với sở thích rất phong phú và ham tìm hiểu, những sản phẩm trên mạng từ du lịch, thời trang đến xem phim, trò chơi điện tử cũng như trò chuyện với bạn bè trên mạng… đều được biểu hiện rất rõ ràng qua các hành vi tương tác trên internet.
Bà Lê Minh Trang cũng cho rằng, Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu với tỷ lệ 45 – 60% chấp nhận mua hàng online. Qua phân tích thị trường có thể thấy, có 10 yếu tố quyết định mức độ về quy mô thị trường FMCG. Từ đó, được chia làm 4 tầng: thông tin nền tảng, những yếu tố vĩ mô tác động, những yếu tố về kinh tế xã hội và những yếu tố cạnh tranh.
Đặc biệt, yếu tố nền tảng phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng bình quân tại mỗi quốc gia và đang tập trung tại hai nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, để FMCG phát triển còn phụ thuộc vào số lượng tài khoản cá nhân của mỗi quốc gia, tỷ lệ số người sử dụng internet và số lượng người sử dụng smartphone.
Những yếu tố vĩ mô được xác định là sự hỗ trợ của nhà nước đối với việc phát triển FMCG, đồng thời có ảnh hưởng từ số lượng cũng như tốc độ tăng dân số của mỗi quốc gia. Hơn nữa, để FMCG phát triển còn có sự quyết định từ sự tiện lợi của các gian hàng FMCG, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng về tiềm năng cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế.
Bà Lê Minh Trang phân tích thêm, với những quốc gia như Việt Nam, yếu tố thu hút khách hàng từ nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm có chi phí thấp, tiết kiệm qua các dịch vụ trung gian. Để xác định được một FMCG phát triển sẽ phụ thuộc vào khả năng khách hàng có thể tiếp cận được internet (ở Việt Nam đang là 67%) và mọi người có niềm tin về triển vọng của nền kinh tế.
Ngoài ra, với sự tác động của gia tăng dân số (95 triệu dân) cùng các lợi thế để nhận được sự hỗ trợ của nhà nước từ các văn bản hướng dẫn để vận hành thông thoáng về FMCG. Mặt khác, muốn phát triển FMCG cần nâng cao kinh phí đầu tư; nâng cao trải nghiệm của người dùng (trend) nâng thời gian giao hàng nhanh tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hơn nữa, yếu tố xuất xứ, chất lượng hàng hóa bán trên FMCG, phương thức thanh toán và dịch vụ hậu mãi cũng là các yếu tố để phát triển thị trường FMCG.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tìm hiểu tâm lý khách hàng tăng số lượng mua và qua đó đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu giá cả để tạo thói quen mua sắm của khách hàng, nhất là không bao giờ để hàng hóa trong tình trạng trống để giữ chân khách ở lại.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận