Black Friday - Cơ hội bứt phá của các giao dịch trực tuyến
Black Friday hàng năm luôn là ngày hội của những người dùng ưa thích mua sắm và trong thời kỳ hậu dịch COVID-19 cũng như sự phát triển của công nghệ đã tạo ra những bước phát triển "thần tốc" của thương mại điện tử trong những ngày này.
- 'Săn sale' Black Friday 2020 tại trung tâm thương mại HCM
- Ngày Black Friday 2019: Người tiêu dùng không còn "mặn mà" với khuyến mãi
Black Friday - Ngày của những chương trình giảm giá lớn
Black Friday hay thường được gọi là "Ngày thứ sáu đen tối" hay "Thứ sáu đen tối". Đây là ngày thứ 6 của tuần thứ 4 của tháng 11, diễn ra sau Lễ Tạ ơn 1 ngày vào mỗi năm.
Những hình ảnh trong ngày Black Friday trong những năm qua sẽ không còn lặp lại trong năm nay.
Cái tên Black Friday bắt đầu được người ta nhắc đến nhiều sau tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra vào thứ 6 sau Lễ Tạ ơn năm 1965 ở Philadelphia (Mỹ), khi hàng trăm nghìn người dân chen nhau ở các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến. Đây được xem là ngày bắt đầu cho mùa mua sắm Giáng sinh.
Vào ngày Black Friday ở Mỹ, người ta thường chứng kiến những cảnh người dân xếp hàng dài tại các siêu thị, cửa hàng để mua hàng với giá siêu rẻ. Phần lớn các cơ sở bán lẻ lớn đều mở cửa từ khoảng 4 giờ sáng hay sớm hơn, với hàng chục nghìn mặt hàng giảm giá lớn. Mức giảm giá phổ biến từ 10-30%, hay thậm chí 60%.
Một số cửa hàng còn đưa ra chương trình giảm sâu đến 80-90% cho một số khách hàng đến sớm hoặc đối với các mặt hàng thông thường, như: điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, nội thất, thời trang...
Nhiều chủ doanh nghiệp thậm chí cho phép nhân viên nghỉ làm như đối với một ngày lễ để đi mua sắm. Vì thế, sức mua trong những ngày này có thể bằng vài tháng trước đó cộng lại. Đây chính là đòn bẩy kinh tế mạnh vào dịp cuối năm.
Ngày nay, ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm có nguồn gốc từ Mỹ này đã lan rộng ra các nước khắp thế giới như Anh, Canada, Mexico, Brazil, Ấn Độ, Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha…
Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây ngày Black Friday cũng đã du nhập vào và được người Việt hưởng ứng nhiệt tình. Vào ngày này, các cửa hàng hay các trung tâm thương mại lớn đều có giảm giá từ 10-50% đối với nhiều mặt hàng, nhiều ngành hàng cũng đưa ra những chương trình giảm giá sâu nhằm thu hút người mua sắm.
Black Friday 2020 sẽ diễn ra vào thứ 6 ngày 27/11. Tuy nhiên, trước đó vài ngày, nhiều nhãn hàng đã bắt đầu chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng đến mua sắm.
Nhiều ngành hàng đã đưa ra các chương trình giảm giá sâu, có ngành hàng thời trang may mặc quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện, mỹ phẩm… giảm giá đến 20%-70%.
Các chương trình giảm giá “sốc” được cập nhật thường xuyên trên Website BlackFridayVietnam.com. Đặc biệt, người mua có thể tham gia mua sắm trực tuyến trên những trang quốc tế như Amazon.com, Ebay.com, Target.com; hoặc những trang mua sắm trực tuyến trong nước như Shopee.vn, Lazada.vn, và Tiki.vn thay vì phải đến trung tâm mua sắm. Các chương trình giảm giá có thể sẽ kéo dài cả tuần trước và sau ngày 27/11.
Black Friday trong thời của công nghệ
Trong thời gian qua, trước những tác động của dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng trong xã hội cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Thay vì mua hàng truyền thống, ngày càng có nhiều người sử dụng các ứng dụng mua hàng trực tuyến.
Các doanh nhân, doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực ngành nghề cũng đang tích cực tìm đến kênh mua-bán trực tuyến để quảng bá sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đây chính là cơ hội để Việt Nam thực hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, góp phần đưa kinh tế đất nước trở thành nền kinh tế số.
Ngày Black Friday sẽ là cơ hội bứt phá cho các giao dịch trực tuyến trong năm nay.
Trên thực tế, hoạt động mua bán trực tuyến đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm cuối của thế kỷ XX và trở nên phổ biến từ năm 2005 bởi sự tham gia của tầng lớp tri thức, giới trẻ sống tại khu vực thành thị.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ và phát huy rõ nét những lợi thế trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong giai đoạn toàn nền kinh tế buộc phải “đóng băng” để giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19.
Hiện nay, bên cạnh sự phát triển về thương mại điện tử của các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp còn nổi lên các nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử, các trang bán hàng trực tuyến, như: Lazada, Sendo, Tiki, Shopee, Adayroi, Vật giá… hay ở từng lĩnh vự,c như: Thế giới di động, Điện máy xanh, FPT, Now, Foody…
Cùng với đó là sự lớn mạnh không ngừng của các đơn vị giao nhận hàng hóa; cung cấp dịch vụ mua bán hàng hóa từ nhà sản xuất, nhà cung cấp và chuyển tới tận tay người tiêu cùng, như: Aha, Lala, HeyU, Săn ship hay các công ty chuyển phát nhanh…; kể cả các hãng vận chuyển như Bee, Grab… cũng góp mặt.
Kế đó, là các giải pháp thanh toán trực tuyến, ví điện tử, như MoMo, Airpay, VnPay, Paypal… hay các trung gian tài chính là các tổ chức tín dụng ngân hàng cùng tham gia bảo lãnh và cung cấp dịch vụ.
Với sự bứt phá mạnh mẽ, những năm qua tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử luôn đạt từ 25-35%/năm. Năm 2019, tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt 13 tỉ USD.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.
Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã tổ chức thành công Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam.
Năm 2019, Chương trình này đã thu hút hơn 11,9 triệu lượt tương tác trên toàn hệ thống, 35.000 lượt tải ứng dụng di động, 1,6 triệu lượt quét mã QR tham gia các chương trình trúng thưởng.
Qua đó, tạo niềm tin và giúp người dân ứng dụng thuận tiện các tiện ích của thương mại điện tử trong nền kinh tế số cũng như nâng cao vị trí của hàng Việt Nam trong các hoạt động truyền thông, quảng bá trên môi trường trực tuyến nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử theo chiều sâu, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, với các mục tiêu như: đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị giao dịch trung bình 600 USD/người một năm.
Tổng doanh thu từ lĩnh vực mua sắm trực tuyến đạt 35 tỉ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đạt tới 50%. Cùng với đó, 50% nguồn nhân lực được đào tạo bài bản từ hệ thống giáo dục-đào tạo và giáo dục nghề nghiệp…
Để đạt được các mục tiêu trên, bản Kế hoạch cũng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể, bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trong bối cảnh kinh tế mới; nâng cao năng lực quản lý; đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trên môi trường này; củng cố lòng tin của người tiêu dùng trong nước hay thúc đẩy giao thương trực tuyến xuyên biên giới...
Ngoài ra, theo các chuyên gia, để thực hiện được các mục tiêu trên, Chính phủ cần phát triển nhanh hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, để thúc đẩy mua bán trực tuyến. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các hoạt động tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt...
Nếu các mục tiêu đề ra có thể đạt được, thương mại điện tử Việt Nam có khả năng vươn lên vị trí thứ hai Đông Nam Á và là thị trường tiềm năng nhất khu vực, vào năm 2025...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận